Thủ tướng: 'Con tàu Việt Nam' đã vượt qua hải trình dồn dập bão tố

Sáng 24/3, Quốc hội khai mạc kỳ họp thứ XI, cũng là kỳ họp cuối cùng của khóa XIV. Trước đó, các đại biểu đã vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc kỳ họp
Chủ tịch Quốc hội trình bày báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội
Chủ tịch nước trình bày báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước
Thủ tướng trình bày báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ

Những thành tựu và dấu ấn nổi bật của Quốc hội khóa XIV Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV có nhiều đổi mới với những dấu ấn đậm nét, được cử tri và nhân dân cả nước đánh giá cao.

08:53 24/03

Các đại biểu vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sáng 24/3, trước phiên khai mạc, các đại biểu Quốc hội dâng hương tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn và vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu đoàn đại biểu.

Ảnh: Thuận Thắng.

08:57 24/03

Quốc hội họp phiên trù bị

Quốc hội đã nghe Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự kiến chương trình kỳ họp trong phiên họp trù bị. Quốc hội đã thảo luận và biểu quyết thông qua chương trình kỳ họp ngay sau đó.

Ảnh: Hoàng Hà.

09:05 24/03

Quốc hội dành 7 ngày cho công tác nhân sự

Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV dự kiến họp tập trung trong 12 ngày, bế mạc vào 8/4. Quốc hội dành 7 ngày để xem xét, quyết định về công tác nhân sự, kiện toàn các chức danh lãnh đạo chủ chốt Nhà nước.

Theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, có 25 chức danh được kiện toàn tại kỳ họp lần này. Ngoài các lãnh đạo chủ chốt Nhà nước, Quốc hội sẽ bầu một số phó thủ tướng, phó chủ tịch Quốc hội và phê chuẩn bổ nhiệm một số thành viên Chính phủ theo đề xuất của Thủ tướng.

09:11 24/03

Chuyển giao nhiệm kỳ trong các cơ quan của bộ máy Nhà nước

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ đây là kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV. “Đến thời điểm này, chúng ta có quyền tự hào về những thành quả đạt được trong cả nhiệm kỳ”, bà Ngân nói.

Theo Chủ tịch Quốc hội, kỳ họp này là dịp để đánh giá, nhìn nhận lại những thành tựu, kết quả đã đạt được, những tồn tại, hạn chế, trên các lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp và các mặt công tác khác. Từ đó phân tích rõ nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm để làm cơ sở cho việc tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động trong nhiệm kỳ tới, tạo thế và lực đưa đất nước vững vàng bước vào thời kỳ phát triển mới.

“Có thể nói, đây là kỳ họp mang tính cầu nối, góp phần vào việc chuyển giao nhiệm kỳ của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước”, bà chia sẻ.

09:24 24/03

Ban hành 72 luật trong 5 năm

Trình bày Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: “Những quyết sách của Quốc hội luôn xuất phát từ ý chí, nguyện vọng của nhân dân, lợi ích quốc gia, dân tộc, từ yêu cầu phát triển của đất nước, tạo nên những chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại, góp phần đẩy mạnh công cuộc đổi mới”.

Trong hoạt động lập pháp, Chủ tịch Quốc hội cho biết Quốc hội khóa XIV đã xây dựng, ban hành một khối lượng lớn văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 72 luật, 2 pháp lệnh và nhiều nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật.

Trong đó, có những đạo luật giữ vị trí, vai trò quan trọng trong hệ thống pháp luật, có những luật hoặc chính sách mới lần đầu tiên được ban hành, tác động lớn, toàn diện, sâu sắc đến đời sống kinh tế - xã hội, kịp thời đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Trong quá trình xây dựng, ban hành luật, pháp lệnh, nghị quyết, các cơ quan của Quốc hội đã có nhiều đổi mới quan trọng, đề cao trách nhiệm ngay từ khâu lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, thẩm tra đến tiếp thu, chỉnh lý các dự án, dự thảo…

09:29 24/03

Một số luật còn mâu thuẫn, chồng chéo

Bên cạnh kết quả đạt được, Chủ tịch Quốc hội nhìn nhận hoạt động lập pháp còn có những hạn chế như: Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh còn phải điều chỉnh nhiều, trong đó có không ít dự án được bổ sung gần sát kỳ họp Quốc hội, gây khó khăn, bị động cho việc thẩm tra, xem xét, quyết định; vẫn còn tình trạng lùi thời gian trình hoặc rút dự án ra khỏi chương trình.

Việc lấy ý kiến về dự án có một số trường hợp còn hình thức, thời gian lấy ý kiến ngắn, đối tượng được lấy ý kiến chưa đầy đủ; một số dự án có nội dung đánh giá tác động chưa sâu, chưa bảo đảm chất lượng, có chính sách mới được bổ sung nhưng chưa được đánh giá tác động, chưa dự kiến được nguồn lực bảo đảm.

“Một số luật vẫn còn có sự mâu thuẫn, chồng chéo, dẫn đến phải sửa đổi, bổ sung; một số luật điều chỉnh những vấn đề mới, quan hệ xã hội chưa ổn định nhưng lại quy định quá chi tiết, nên khi thực tiễn thay đổi, đã tỏ ra kém linh hoạt, gây ra những vướng mắc, bất cập trong quá trình áp dụng”, bà Ngân nói.

Ảnh: VTV.

09:35 24/03

Lấy phiếu tín nhiệm là “thước đo” với người giữ chức vụ

Trong hoạt động giám sát, theo bà Ngân, giám sát chuyên đề tiếp tục đi vào chiều sâu, hiệu quả rõ nét, lựa chọn “trúng” và “đúng” vấn đề. Quốc hội đã tiến hành giám sát 7 chuyên đề liên quan mật thiết đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân. Cách thức tiến hành được đổi mới, cải tiến, ngày càng bài bản, chuyên nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả giám sát.

Việc chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục có nhiều đổi mới, là nội dung thu hút sự quan tâm đặc biệt của đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước. Các phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, sôi nổi, có tính xây dựng cao. Cách thức chất vấn và trả lời chất vấn được cải tiến theo hướng “hỏi nhanh, đáp gọn”, đã tạo điều kiện để tăng số đại biểu Quốc hội chất vấn, tranh luận, nâng cao chất lượng câu hỏi và câu trả lời.

Trong việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, Chủ tịch Quốc hội khẳng định được tiến hành nghiêm túc, công khai, minh bạch, bảo đảm đúng quy trình, thủ tục.

“Kết quả lấy phiếu tín nhiệm là thước đo hiệu quả hoạt động của người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn”, bà Ngân nói.

Ảnh: Thuận Thắng.

09:46 24/03

Bãi nhiệm một đại biểu, xóa tư cách 2 bộ trưởng

Theo báo cáo tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, những quyết sách này đã có tác động, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, gắn với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, trong đó có những vấn đề mới, khó, phức tạp, chưa có tiền lệ.

Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kịp thời có những quyết định mới hoặc điều chỉnh các chính sách cho phù hợp với yêu cầu tại từng thời điểm, nhất là các vấn đề kinh tế - xã hội “nóng”, nổi bật, mới phát sinh.

“Quốc hội đã bầu và phê chuẩn các chức danh trong bộ máy Nhà nước theo quy định, bảo đảm chặt chẽ, thận trọng, đúng quy trình và nhận được sự đồng thuận cao. Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã bầu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức vụ Chủ tịch nước, là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, được nhân dân và cử tri đánh giá cao”, báo cáo nêu.

Quốc hội đã tiến hành bãi nhiệm tư cách một đại biểu Quốc hội (ông Phạm Phú Quốc) do có sai phạm nghiêm trọng, vi phạm tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, làm suy giảm sự tín nhiệm của nhân dân. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định và báo cáo Quốc hội về việc cho thôi hoặc tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của một số đại biểu Quốc hội; xóa tư cách 2 bộ trưởng nhiệm kỳ 2011-2016 (ông Nguyễn Bắc Son và Vũ Huy Hoàng).

Ảnh: Thuận Thắng.

09:54 24/03

Mỗi đại biểu Quốc hội có quyền tự hào về cống hiến của mình

Nhìn lại chặng đường 5 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, Quốc hội vẫn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực, cố gắng cao nhất để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định.

Theo bà, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đã thành công với những kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực từ lập pháp, giám sát, quyết định vấn đề quan trọng của đất nước đến ngoại giao nghị viện đã góp phần đưa đất nước vững bước vượt qua khó khăn, tạo ra những chuyển biến tích cực.

“Mỗi đại biểu Quốc hội có quyền tự hào về những thành tựu đó cũng như những nỗ lực, cống hiến không ngừng nghỉ của mình. Thành quả và niềm vinh dự lớn nhất đối với đại biểu Quốc hội chúng ta chính là sự ghi nhận, tin tưởng, chia sẻ, ủng hộ, đồng hành xuyên suốt của cử tri, nhân dân trong mọi hoạt động của Quốc hội thời gian qua”, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.

Bà tin tưởng Quốc hội các khóa tiếp theo tiếp tục kế thừa, phát huy, không ngừng lớn mạnh, có nhiều đổi mới, thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.

Ảnh: Thuận Thắng.

10:36 24/03

Nhiệm kỳ thay đổi nhân sự Chủ tịch nước

Báo cáo trước Quốc hội về những nét chính trong công tác của Chủ tịch nước nhiệm kỳ vừa qua, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh nhiệm kỳ 2016-2021 trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp. Trong bối cảnh đó, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; kinh tế tăng trưởng từng bước vững chắc và ngày càng được cải thiện; các lĩnh vực văn hóa, xã hội, quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đạt nhiều thành tựu nổi bật. Vị thế, uy tín của nước ta tiếp tục được nâng cao trên trường quốc tế.

Nhiệm kỳ này cũng có sự thay đổi về nhân sự Chủ tịch nước. Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh giữ Quyền Chủ tịch nước từ ngày 23/9/2018 đến ngày 23/10/2018.

Ngày 23/10/2018, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã tín nhiệm bầu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ cương vị này cho đến nay. Trên cương vị của mình, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã cố gắng thực hiện hiệu quả nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết lần thứ XII của Đảng, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Ảnh: Thuận Thắng.

10:43 24/03

Kiện toàn nhiều nhân sự cấp cao của Nhà nước

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết một trong những nhiệm vụ của nhiệm kỳ qua là kiện toàn nhiều nhân sự cấp cao của Nhà nước. Chủ tịch nước đã thực hiện nghiêm quy trình giới thiệu nhân sự đề nghị Quốc hội miễn nhiệm chức vụ và bầu giữ chức vụ thủ tướng, phó chủ tịch nước, chánh án TAND tối cao, viện trưởng VKSND tối cao; đề nghị Quốc hội miễn nhiệm và phê chuẩn phó chủ tịch và ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh.

Chủ tịch nước đã ký quyết định bổ nhiệm 5 phó thủ tướng, 21 bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021. Chủ tịch nước đã ký lệnh công bố 72 luật, 2 pháp lệnh đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV thông qua.

Ông cũng đánh giá công tác xây dựng luật, pháp lệnh trong thời gian tới cần được rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng, nhằm phát hiện những vấn đề bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới, hạn chế tình trạng chồng chéo hoặc khi luật đã được ban hành vẫn phải chờ văn bản hướng dẫn.

Ảnh: Thuận Thắng.

10:49 24/03

Không thể để bất ngờ bị động về an ninh - quốc phòng

Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, Chủ tịch nước tham gia chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện nhiều đề án, chiến lược quan trọng (Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự Việt Nam, Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia…), bảo đảm giữ vững chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của tổ quốc.

Phối hợp chặt chẽ với các thành viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh xây dựng, ban hành Quy chế tạm thời về hoạt động của Hội đồng, chương trình nhiệm vụ trọng tâm nhiệm kỳ 2016-2021.

“Hiện nay chúng tôi đang chỉ đạo xây dựng một số chiến lược có liên quan trực tiếp đến chúng ta, cực kỳ quan trọng, không thể để bất ngờ bị động trong bất kỳ tình hình nào về vấn đề quốc phòng - an ninh. Ở tất cả các hướng, cả phía đông, phía tây - nam, phía bắc, với các nước ở xa, ở gần, nước lớn, nước nhỏ”, người đứng đầu Đảng, Nhà nước nêu rõ.

11:01 24/03

Nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng

Về công tác đối ngoại, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, Chủ tịch nước và Phó chủ tịch nước đã có nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng, giữ vững chủ quyền quốc gia, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Trên cương vị là Nguyên thủ quốc gia, Chủ tịch nước đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Nhà nước ta đi thăm 19 quốc gia trên thế giới; đón tiếp, hội đàm với 26 đoàn nguyên thủ quốc gia thăm Việt Nam; dự 3 hội nghị quốc tế và chủ trì 1 hội nghị quốc tế lớn tổ chức tại Việt Nam (APEC 2017).

“Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Chủ tịch nước đã có những hoạt động đối ngoại chủ động, phù hợp. Như phát biểu ghi hình trực tuyến tại một số hội nghị quốc tế quan trọng, điện đàm với lãnh đạo một số nước lớn, láng giềng, một số nước có quan hệ hữu nghị láng giềng đặc biệt…”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam tiếp tục đóng góp, có trách nhiệm vào công việc chung của cộng đồng quốc tế trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch IPA năm 2020 và Ủy viên không Thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc.

11:11 24/03

Một số hạn chế trong nhiệm kỳ

Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng bí thư, Chủ tịch nước thẳng thắn nhìn nhận việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn Chủ tịch nước trong nhiệm kỳ còn một số hạn chế.

Việc chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ cải cách tư pháp còn chậm. Chủ tịch nước quyết định ký kết các điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước về ODA mang tính hình thức vì không quản lý trực tiếp, ít nắm được cụ thể tình hình quản lý, sử dụng vốn vay, khả năng trả nợ, hiệu quả sử dụng các nguồn vốn ODA.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều hoạt động trong chương trình đối ngoại của Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước đã phải tạm hoãn hoặc chuyển sang thời điểm khác phù hợp.

Về nguyên nhân, Tổng bí thư, Chủ tịch nước cho rằng một số quy định của pháp luật hiện hành còn chưa thống nhất và đồng bộ; cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan tư pháp hiệu quả chưa cao.

Cải cách tư pháp là công việc rất hệ trọng, liên quan đến thể chế chính trị, quyền con người, quyền công dân, sự ổn định và phát triển của đất nước..., cần có nhiều thời gian và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là các cơ quan tư pháp. Đội ngũ cán bộ nghiên cứu, tham mưu của Văn phòng Chủ tịch nước còn mỏng nên phần nào ảnh hưởng đến chất lượng công tác nghiên cứu, tham mưu, phục vụ Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước.

11:13 24/03

Thực hiện nghiêm túc quan điểm "dân là gốc"

Một trong số bài học kinh nghiệm được Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu ra là luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm "dân là gốc"; nhân dân là trung tâm; trọng dân, gần dân, hiểu dân, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc.

Ông cũng cho rằng việc khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc là bài học quan trọng.

Thời gian tới, cần tiếp tục mở rộng, phát triển và nâng cao quan hệ đối ngoại, tạo sự tin cậy chính trị ổn định, bền vững với các đối tác nước ngoài; xử lý đúng đắn, hiệu quả quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các đối tác khác; thúc đẩy quan hệ đối ngoại tiếp tục đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả; duy trì môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

11:15 24/03

Thăng hạng môi trường kinh doanh toàn cầu

Trong báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2016-2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra một số xếp hạng, đánh giá của các tổ chức quốc tế về môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam.

Theo xếp hạng về môi trường kinh doanh toàn cầu giai đoạn 2016-2020 của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam tăng 20 bậc, xếp thứ 70/190 quốc gia và xếp thứ 5 trong ASEAN. Về năng lực cạnh tranh toàn cầu, theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới, giai đoạn 2018-2020, Việt Nam tăng 10 bậc, từ 77 lên 67/141 quốc gia.

Ông cho rằng kết quả này được đánh giá có mức độ cải thiện về chất lượng cao hơn so với mức trung bình của thế giới, là một trong những minh chứng cho nỗ lực bền bỉ trong cải cách của Chính phủ, Thủ tướng, các cấp, các ngành trong suốt thời gian qua.

Ảnh: Thuận Thắng.

11:21 24/03

Lãnh đạo Chính phủ đã thực hiện 570 chuyến công tác “lên rừng, xuống biển”

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, với tinh thần bám sát thực tiễn, giai đoạn 2016-2020, lãnh đạo Chính phủ đã thực hiện 570 chuyến công tác “lên rừng, xuống biển” làm việc với địa phương, cơ quan, đơn vị cơ sở, chỉ đạo cụ thể, kịp thời tháo gỡ nhiều vấn đề quan trọng, cấp bách.

"Trong suốt nhiệm kỳ vừa qua, 'con tàu Việt Nam' đã phải vượt qua hải trình dồn dập bão tố của biết bao khó khăn, thách thức lớn hơn, vượt xa hơn so với những dự tính ban đầu nhiệm kỳ", ông nói.

Thủ tướng nhắc đến từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 đã ập đến tàn phá nặng nề nền kinh tế thế giới và các quốc gia. Trong khi đó, cạnh tranh địa chiến lược giữa các nước, đối tác lớn ngày càng gay gắt. Cạnh tranh thương mại và rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng. Khoa học công nghệ phát triển rất nhanh cùng với chuyển động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tác động sâu rộng đến kinh tế và nhịp sống của các quốc gia.

11:26 24/03

Đột phá về kết cấu hạ tầng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng 5 năm qua, Chính phủ đã chú trọng đột phá về kết cấu hạ tầng đồng bộ mang tính “dẫn dắt” cho thu hút đầu tư, phát triển của các ngành, lĩnh vực, nâng cao chất lượng tăng trưởng.

Nhiều công trình hạ tầng được hoàn thành, đưa vào sử dụng, tạo thêm năng lực, sức cạnh tranh và diện mạo mới cho đất nước. Chính phủ đang đầu tư mới 654 km đường bộ cao tốc Bắc - Nam, các tuyến cao tốc kết nối các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long. Hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều tuyến đường kết nối liên vùng, liên tỉnh như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận,cầu Cao Lãnh, Vàm Cống...

Đầu tư xây dựng mới, mở rộng hệ thống sân bay, đặc biệt 3 sân bay: Long Thành, Nội Bài, Tân Sơn Nhất. Tập trung nâng cao năng lực hệ thống cảng biển, logistics, hạ tầng công nghiệp, viễn thông, mạng 5G…

Ảnh minh họa: Phạm Ngôn.

11:35 24/03

Quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với 2015

Trong nhiệm kỳ qua và trong bối cảnh đại dịch Covid-19, GDP năm 2020 tăng 2,91%, Việt Nam là nước duy nhất có tăng trưởng dương trong 6 nền kinh tế lớn tại Đông Nam Á. Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 6,8%; bình quân 2016-2020 đạt 5,99%, cao hơn 5,91% của giai đoạn 2011 - 2015, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới.

Năm 2020, quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với 2015, đạt trên 340 tỷ USD. Trong 5 năm qua, Việt Nam đã cùng nhau tạo ra tổng số khoảng 1.300 tỷ USD giá trị tăng thêm (GDP) và năm 2020 đã vượt lên trở thành nền kinh tế có quy mô lớn thứ 4 trong ASEAN, đứng thứ 37 thế giới.

Đồ họa: Phượng Nguyễn.

11:38 24/03

Việt Nam đã được tín nhiệm quốc tế rất cao

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Việt Nam đã được tín nhiệm quốc tế rất cao, 192/193 quốc gia thành viên bầu vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, đó thực sự là niềm tự hào của hai tiếng “Việt Nam”.

"Cùng với việc luôn coi trọng quan hệ với các nước láng giềng thân thiết, Trung Quốc, Lào, Campuchia, chúng ta đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 30 nước, bao gồm các nước ASEAN, các cường quốc G-7, 17/20 thành viên G-20", ông nói.

Việc này đã giúp nâng tầm vị thế đối ngoại đa phương. Việt Nam đã đảm nhiệm thành công chủ nhà APEC 2017, ASEAN 2020, AIPA 41; Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2... nhất là Năm Chủ tịch ASEAN 2020 với nhiều phức tạp đối ngoại nhưng đã vận động thông qua được 84 văn kiện, đạt số lượng kỷ lục.

Hoài Thu - Hiếu Công - Sơn Hà

Ảnh: Thuận Thắng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thu-tuong-con-tau-viet-nam-da-vuot-qua-hai-trinh-don-dap-bao-to-post1196546.html