Thủ tướng: Có thể nâng mức bội chi và nợ công

Thủ tướng cho biết, về tỉ lệ nợ công/GDP, Việt Nam đã giảm xuống mức dưới 55%, vì vậy, có thể nâng mức bội chi và nợ công thêm khoảng 3-4% GDP mà không ảnh hưởng đến an toàn tài chính quốc gia…

Phát biểu tại Hội nghị Hội nghị của ngành Tài chính ngày 7/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, trong bối cảnh khó khăn, càng thấy rõ vai trò quan trọng của ngành tài chính. Cùng với chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa là một trong những công cụ quan trọng nhất của Nhà nước để kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng.

“Chính phủ, các cấp, các ngành, cả nước đều kỳ vọng, muốn các đồng chí đổi mới mạnh mẽ, chỉ đạo đột phá trong tư duy phát triển để chính sách tài khóa nói riêng, chính sách tài chính nói chung thực sự tạo ra những động lực to lớn cho nền kinh tế phục hồi, phát triển, tận dụng tốt cơ hội sớm khống chế thành công dịch bệnh”, Thủ tướng phát biểu.

Về nhiệm vụ những tháng cuối năm và thời gian tới, Thủ tướng chỉ rõ, so với các nước, không gian chính sách tài khóa và tiền tệ của chúng ta còn dư địa khá lớn trong phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Nếu như các nước có tỉ lệ nợ công rất cao, mặt bằng lãi suất rất thấp thì chúng ta có tỉ lệ nợ công liên tục giảm và đang ở mức khiêm tốn. Trong khi đó, mặt bằng lãi suất còn cao, tình hình vĩ mô ổn định.

Để thực sự phát huy vai trò huyết mạch của ngành tài chính, tạo động lực thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội trong trạng thái bình thường mới, trước hết, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng nhiệm vụ quản lý Nhà nước về tài chính, ngân sách, cần có sự đổi mới về tư duy phát triển và hoạch định chính sách.

“Cần có quan điểm chủ động, tích cực hơn về vai trò chính sách tài khóa trong tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng.” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, tài chính không chỉ là bảo đảm thu chi ngân sách Nhà nước, tài chính cần được hiểu theo nghĩa rộng là nuôi dưỡng nguồn thu, tạo động lực thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

“Tôi đề nghị các đồng chí cần ủng hộ những mô hình kinh doanh mới, vật liệu mới, năng lượng mới và những động lực tăng trưởng mới của nước ta”, Thủ tướng nói.

Về chính sách tài khóa, cho biết, nhiều nước trên thế giới đã liên tục đưa ra những gói kích thích tài khóa khổng lồ lên đến trên 11.000 tỷ USD, đưa mức thâm hụt ngân sách toàn cầu lên đến 13,9% GDP, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất cụ thể về các gói kích thích tài khóa, các giải pháp tiếp tục giãn, hoãn, miễn, giảm thuế và huy động thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển để kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng, báo cáo cấp thẩm quyền theo quy định.Thủ tướng cho biết, về tỉ lệ nợ công/GDP, Việt Nam đã giảm xuống mức dưới 55%, vì vậy, có thể nâng mức bội chi và nợ công thêm khoảng 3-4% GDP và không ảnh hưởng đến an toàn tài chính quốc gia cả trước mắt và lâu dài.

“Vấn đề đặt ra là phải có phương án, có giải pháp sử dụng vốn hiệu quả” - Thủ tướng nói.

Theo đó, Bộ Tài chính phải có tầm nhìn bao quát rộng hơn, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ là một cơ quan tổng hợp của Chính phủ trong quản lý, điều tiết kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thị trường giá cả, khơi thông các nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng bền vững;

Tiếp tục tăng cường kiểm soát thị trường giá cả, xử lý nghiêm hành vi vi phạm quy định pháp luật về giá, công khai, minh bạch các yếu tố hình thành giá, quản lý tốt giá xăng dầu, điện, nước, giá dịch vụ giáo dục, y tế để không ảnh hưởng đến chỉ số giá.

“Chúng ta cương quyết giữ lạm phát ở mức dưới 4%”, Thủ tướng nói. Rà soát, thực hiện hiệu quả các biện pháp ổn định và phát triển thị trường chứng khoán và các dịch vụ tài chính, bảo đảm công khai, minh bạch, giảm thiểu rủi ro, phòng chống hiệu quả mua bán, sáp nhập bất hợp pháp, xử lý nghiêm các vi phạm.

Về thu ngân sách, không để mất cân đối lớn; Về chi ngân sách, thực hiện hiệu quả chủ trương tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, chưa thực sự cần thiết, cấp bách theo tinh thần Nghị quyết 84 của Chính phủ.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, khẩn trương báo cáo Chính phủ triển khai gấp giải ngân vốn đầu tư công.

Một số biện pháp xử lý vấn đề giải ngân chậm được Thủ tướng gợi ý, đó là nửa tháng họp giao ban một lần về giải ngân, thúc đẩy, kiểm điểm, nguyên nhân vì sao, biện pháp thế nào; thành lập các đoàn kiểm tra của Trung ương do một số bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo; kịp thời đề xuất điều chuyển vốn ngay trong tháng 8 đối với những địa phương, ngành không làm được; đánh giá bộ, ngành, địa phương có hoàn thành nhiệm vụ hay không dựa trên tiêu chí giải ngân vốn đầu tư công.

Thời gian tới, Chính phủ yêu cầu Bí thư, Chủ tịch, các Giám đốc Sở, chủ dự án phải xuống tận các dự án đầu tư công để tháo gỡ khó khăn.

“Nếu cứ nói sơ sơ, không phê bình, đấu tranh thì làm sao giải ngân được?” Thủ tướng nói và nhấn mạnh, cần chế tài mạnh trong vấn đề này.

Xuân Hưng

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/top-col-2/202007/thu-tuong-co-the-nang-muc-boi-chi-va-no-cong-e8c39ff/