Thủ tướng: Chống lãng phí sẽ 'xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng'

Về chống lãng phí, Chính phủ, Thủ tướng sẽ tập trung chỉ đạo khẩn trương rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật và thực hiện nhiều giải pháp khác, trong xử lý nghiêm vi phạm với tinh thần 'xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực'.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh điều này khi báo cáo về một số nội dung được đại biểu Quốc hội quan tâm trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Phấn đấu vượt toàn bộ 15 chỉ tiêu, giải ngân đầu tư công trên 95%

Trong tháng 10, KTXH nước ta tiếp tục xu hướng tích cực, vượt trội hơn tháng 9; tính chung 10 tháng kết quả đạt được tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực.

Cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều duy trì đà tăng trưởng tích cực; kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn được bảo đảm; nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) thấp hơn giới hạn quy định.

Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo trước Quốc hội

Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo trước Quốc hội

Trên cơ sở những kết quả tích cực của 10 tháng, từ nay đến cuối năm, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả để giữ đà, giữ nhịp, phấn đấu tăng trưởng GDP quý IV đạt trên 7,5%, cả năm đạt trên 7%; qua đó đảm bảo đạt và vượt toàn bộ 15 chỉ tiêu KTXH chủ yếu của năm 2024, tạo lực, tạo đà cho thực hiện kế hoạch năm 2025, cả giai đoạn 2021 - 2025, làm tiền đề, cơ sở để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình để trở thành quốc gia giàu mạnh và thịnh vượng.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công với tinh thần “5 quyết tâm”, “5 đảm bảo”, phấn đấu năm 2024 giải ngân trên 95% kế hoạch.

Chống lãng phí sẽ “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng”

Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo và đạt được một số kết quả tích cực. Trong đó, quản lý thu, chi NSNN chặt chẽ, hiệu quả hơn, tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên, dành nguồn lực tăng cho chi phát triển con người, bảo đảm an sinh xã hội và chi đầu tư phát triển; khắc phục hiệu quả việc đầu tư dàn trải; tỷ lệ nợ công, bội chi thấp hơn giới hạn cho phép.

Quản lý, khai thác, sử dụng tài sản công, đất đai, tài nguyên, khoáng sản được tăng cường; công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán được chú trọng; điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án kinh tế, thu hồi số lượng lớn tiền và tài sản cho nhà nước. Đồng thời, đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, chuyển đổi số, trong đó triển khai Đề án 06 góp phần tiết kiệm chi phí xã hội trên 3 nghìn tỷ đồng hằng năm…

Tuy nhiên, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, công tác này còn nhiều tồn tại, hạn chế như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ trong bài viết “Chống lãng phí” và các vị đại biểu Quốc hội đã nêu.

Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo khẩn trương rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật và thực hiện nhiều giải pháp khác, trong đó tăng cường thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực, nhất là về đầu tư, tài sản công, đất đai, khoáng sản…; xử lý nghiêm vi phạm với tinh thần “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”.

Cùng với xây dựng bộ máy hành chính nhà nước theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”.

Bảo đảm cung ứng đủ điện trong mọi tình huống

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm cung ứng đủ điện trong mọi tình huống.

Thủ tướng cho biết, thời gian tới, dự báo nhu cầu điện tăng nhanh, trong đó năm 2025 tăng khoảng 12-13% và những năm sau còn cao hơn nữa. Chính phủ tiếp tục hoàn thiện đồng bộ quy định pháp luật để tháo gỡ các vướng mắc trong triển khai các dự án hạ tầng nguồn điện. Xây dựng hệ thống lưới điện thông minh và vận hành linh hoạt, có khả năng tự động hóa cao. Rà soát tháo gỡ các dự án điện tái tạo đã đầu tư có vướng mắc pháp lý và bảo đảm định giá đúng, đủ, hợp lý để khuyến khích phát triển các nguồn điện.

Về dài hạn, Chính phủ đã và đang đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...; đã trình Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Điện lực nhằm tạo đột phá về thể chế, tháo gỡ các vướng mắc, phát triển nguồn, lưới điện.

“Chính phủ trân trọng đề nghị Quốc hội quan tâm, chia sẻ, phối hợp với Chính phủ nâng cao chất lượng và xem xét thông qua tại Kỳ họp này để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, điểm nghẽn pháp lý”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Sớm hoàn thành đào tạo ít nhất 50 nghìn nhân lực chất lượng cao

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh việc thúc đẩy chuyển đổi số vì đây là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu cho phát triển nhanh, xanh, bền vững và đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng, tạo cơ hội lớn nhưng cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức.

Với phương châm “tăng tốc, bứt phá”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp; hoàn thiện hành lang pháp lý số; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, ưu tiên để hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp, người dân chuyển đổi số.

Ngoài ra, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo gắn với đào tạo nhân lực chất lượng cao. Chính phủ tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển hạ tầng KHCN, chấp nhận rủi ro và kiên trì trong hoạt động nghiên cứu KHCN, đổi mới sáng tạo; thúc đẩy mạnh mẽ hệ thống đổi mới sáng tạo và hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, vùng, địa phương; lấy doanh nghiệp là trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học là nền tảng.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc bảo đảm tối thiểu 20% tổng chi NSNN cho giáo dục và đào tạo; có chính sách đột phá trong tuyển dụng, sử dụng và đãi ngộ nhân tài ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là các ngành động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức...

“Sớm hoàn thành đào tạo ít nhất 50 nghìn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn”- Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết.

Ngọc Thành/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-chong-lang-phi-se-xu-ly-mot-vu-canh-tinh-ca-vung-post1134940.vov