Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cho học sinh trở lại trường sớm nhất có thể

Đây là nội dung thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc xem xét mở cửa trường học trở lại mới diễn ra ngày 18/1.

Trong thời gian qua, dịch Covid-19 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng nặng nề đến nhiều mặt của đời sống xã hội, trong đó có ngành giáo dục. Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, năm 2021, kế hoạch năm học đứt đoạn. Chương trình và nội dung giáo dục phải thay đổi theo hướng chỉ còn phần cốt lõi, gần 20 triệu trẻ em, học sinh, sinh viên phải tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến, học qua truyền hình trong nhiều tháng liên tiếp.

Đáng chú ý, trên 70.000 sinh viên không thể ra trường đã ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, đào tạo; ảnh hưởng tới tư tưởng, tâm lý của đội ngũ nhà giáo, trẻ em, học sinh, sinh viên. Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm, thấu hiểu, chia sẻ với khó khăn, trở ngại của học sinh, sinh viên và giáo viên trong việc dạy và học trực tuyến.

Bộ Y tế sẽ hướng dẫn các địa phương cho học sinh từ 12 tuổi trở lên đi học trực tiếp an toàn trở lại sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sớm nhất có thể. (Ảnh minh họa)

Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế tổ chức ngay Hội thảo trực tuyến toàn quốc lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học và các địa phương thống nhất có lộ trình cụ thể để mở cửa các cơ sở giáo dục, đào tạo, các trường học trở lại trên toàn quốc, báo cáo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kết quả và đề xuất cụ thể để xem xét, quyết định.

Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tấn, báo chí thực hiện truyền thông tạo sự đồng thuận xã hội về việc mở cửa an toàn trường học trở lại; hướng dẫn các địa phương cho học sinh từ 12 tuổi trở lên đi học trực tiếp an toàn trở lại sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sớm nhất có thể, nhất là đối với các địa phương có tỉ lệ cao trong việc tiêm đủ liều vaccine cho đối tượng từ 12-17 tuổi.

Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương nghiên cứu, hướng dẫn cụ thể cho các địa phương, các cơ sở giáo dục tổ chức an toàn, phòng chống dịch Covid-19 để cho trẻ em, học sinh từ 5-11 tuổi đi học trực tiếp trở lại.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương tổ chức Hội thảo khoa học, nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các nước và tham khảo tổ chức WHO để báo cáo cấp có thẩm quyền về việc tiêm vaccine cho trẻ em từ 5-11 tuổi.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ GD&ĐT hướng dẫn các địa phương, các cơ sở giáo dục về biện pháp phòng, chống dịch cho trẻ em, học sinh đi học an toàn trở lại; khẩn trương, nghiên cứu sửa đổi, ban hành tiêu chí xác định các cấp độ dịch trong tình hình mới.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo, tọa đàm và truyền thông tạo đồng thuận xã hội để học sinh, phụ huynh, người dân yên tâm cho con em trở lại trường học trực tiếp an toàn và hiệu quả.

Theo thống kê, tính đến ngày 9/1, cả nước có 9 tỉnh, thành tổ chức dạy học trực tiếp cho tất cả học sinh trên địa bàn; 35 tỉnh, thành tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với trực tuyến; 19 địa phương tổ chức dạy học trực tuyến và qua truyền hình.

Tại TP.HCM, hơn 600.000 học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 được học trực tiếp hơn một tháng nay. Thành phố dự kiến mở cửa đón trẻ mầm non, học sinh lớp 1-6 từ 14/2, tức sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Đề xuất này được Sở GD&ĐT căn cứ trên tình hình dịch bệnh tại TP.HCM hiện nay đã và đang được kiểm soát tốt. TP.HCM là vùng xanh hai tuần liên tiếp. Hiện nay, học sinh lớp 7-12 đang đi học với tỷ lệ đến trường đều trên 90%.

Đối với Hà Nội, đây là địa phương cho học trực tuyến thời gian dài và ở quy mô rộng nhất cả nước. Hiện mới có khoảng 64.000 em, trên tổng số 2,2 triệu học sinh phổ thông ở Hà Nội, được học trực tiếp, còn lại vẫn ở nhà suốt 8 tháng qua.

Dự kiến, nếu không có gì thay đổi, sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán 2022, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ tiếp tục đề xuất với thành phố cho các học sinh từ khối lớp 7 đến 12 đi học trở lại 100% ở tất cả 30 quận, huyện, thị xã”, ông Trần Thế Cường - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội chia sẻ.

Đến thời điểm này, hầu hết học sinh từ 12 - 17 tuổi ở Hà Nội đã tiêm 2 mũi vaccine ngừa Covid-19 nhưng cơ bản các em vẫn ở nhà học trực tuyến với rất nhiều hệ lụy đáng lo ngại cả về chất lượng lẫn sức khỏe tâm thần.

Lan Anh (T/h)

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/thu-tuong-chinh-phu-yeu-cau-cho-hoc-sinh-tro-lai-truong-som-nhat-co-the-63443.html