Thủ tướng: Chỉ rõ vướng ở khoản nào chứ đừng nói chung chung

Thủ tướng nhấn mạnh, không chỉ nói chung chung vướng mắc về thể chế, nhưng cụ thể điểm nào, mục nào lại không thể nói được.

Sáng 2/12, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 11 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, các thành viên Chính phủ đã tham gia tích cực vào công tác chuẩn bị xây dựng các dự án luật, các dự thảo báo cáo và tham gia tốt phần chất vấn, trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIV. Quốc hội hoan nghênh, ghi nhận thành tích trong quản lý, điều hành của Chính phủ thể hiện qua việc hoàn thành vượt mức 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao, tạo không khí phấn khởi, củng cố niềm tin của nhân dân.

Tại phiên họp, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ thảo luận việc xây dựng Nghị quyết 01 của Chính phủ, chuẩn bị tốt cho Phiên họp Chính phủ mở rộng sẽ diễn ra vào ngày 30/12 tới với sự tham dự, chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp (Ảnh: chinhphu.vn)

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp (Ảnh: chinhphu.vn)

Về tình hình đất nước 11 tháng qua và tháng 11, Thủ tướng thông tin nhiều kết quả tích cực trong các lĩnh vực, như kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 11 tháng năm năm nay chỉ tăng 2,57% so với bình quân cùng kỳ, mức tăng thấp nhất trong 3 năm gần đây.

Lần đầu tiên thu hút khách du lịch quốc tế đạt 1,8 triệu lượt/tháng, đưa tổng số khách thu hút 11 tháng đạt gần 16,2 triệu lượt người. Nếu như năm ngoái, người Hàn Quốc chọn Osaka là thành phố đáng sống thì năm nay, người Hàn Quốc chọn Hội An và Đà Nẵng của Việt Nam.

Thủ tướng hoan nghênh Ngân hàng Nhà nước đã có động thái tiếp tục hạ lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay. Vui mừng thông tin 11 tháng qua cả nước xuất siêu 9,1 tỷ USD, khẳng định kết quả 4 năm liên tiếp xuất siêu, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ công bố việc kim ngạch xuất nhập khẩu cán đích 500 tỷ USD trong năm 2019.

Tuy vậy, Thủ tướng cũng chỉ ra một số bất cập như sản xuất công nghiệp chậm lại, giải ngân vốn đầu tư công chưa có nhiều chuyển biến. Còn phát sinh nhiều vấn đề về văn hóa, xã hội, môi trường, an ninh trật tự như văn bằng, chứng chỉ giả, sốt xuất huyết gia tăng, tội phạm có yếu tố nước ngoài, an toàn giao thông, cháy nổ tiếp tục diễn biến phức tạp.

Đối với vấn đề về môi trường đầu tư kinh doanh, Thủ tướng nêu thực tế người dân còn kêu ca là các cấp, các ngành phải tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020, đảm bảo tự do kinh doanh theo pháp luật, đảm bảo lưu thông thống suốt thị trường trong nước.

"Kiểm tra, thanh tra, kiểm toán chồng chéo quá nhiều kêu ca. Thanh tra Chính phủ phải báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị 20 (của Thủ tướng) như thế nào về sự chồng lấn này. Tôi đã nói nhiều lần ý kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, rằng không phải chỉ chống tham nhũng mà chúng ta còn phải phát triển. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói là sẵn sàng thưởng huy chương cho những người làm tốt, làm giỏi, đặc biệt là kinh tế tư nhân, để những người sản xuất kinh doanh ở Việt Nam yên tâm" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng mong muốn các thành viên Chính phủ có những đóng góp về các giải pháp mới, sáng kiến mới, những mục tiêu cần đặt ra về kinh tế xã hội, quản lý điều hành để xây dựng dự thảo Nghị quyết 01 năm 2020 có chất lượng, hiệu quả hơn trong năm cuối của nhiệm kỳ. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu các góp ý và hoàn thiện dự thảo ngắn gọn, có chất lượng, có phụ lục với các chỉ tiêu cụ thể giao cho các bộ, ngành.

Thủ tướng yêu cầu phải chỉ rõ vướng mắc về thể chế là ở điểm nào, mục nào (Ảnh: Chinhphu.vn)

"Một tinh thần chung của năm 2020 đó là kinh tế xã hội có tính độc lập, tự chủ cao, chủ động hội nhập và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; Phát triển bền vững với công thức “3 trong 1” gồm: cạnh tranh, năng động về kinh tế nhưng an toàn, bền vững về xã hội, môi trường. Yêu cầu thứ ba là vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được củng cố vững chắc. Thứ tư là năng động, sáng tạo với môi trường kinh doanh cạnh tranh, minh bạch và công bằng. Người dân yên tâm, doanh nghiệp được tạo điều kiện tốt theo pháp luật, giải phóng nguồn lực, sức sản xuất, thực hiện tinh thần của Hiến pháp là bảo vệ quyền con người, quyền công dân và quyền tài sản", Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến việc phải tiếp tục tìm dư địa tăng trưởng mới trong năm 2020, trong đó cần tận dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kinh tế số, thương mại điện tử, thành phố thông minh...

Với tinh thần “khát vọng vươn lên”, đổi mới tư duy thoát khỏi thói quen cũ ỷ lại, trông chờ, Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục cải thiện tốt hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh để tăng tối thiểu 10 bậc, thực hiện mục tiêu năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp.

Thủ tướng khẳng định các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, ý rất quan trọng là cải cách hoàn thiện thể chế. Thường trực Chính phủ đã quyết định thành lập một tổ công tác đặc biệt do Bộ Tư pháp làm tổ trưởng, lãnh đạo các bộ là thành viên, trong tháng 12 này rà soát xong ít nhất là về danh mục, để có một Nghị định sửa nhiều Nghị định, một Luật sửa nhiều Luật trình Quốc hội sắp tới.

"Cứ ràng buộc, chồng chéo không rõ thì lần này phải rà lại ở bộ nào vướng mắc điểm này điểm khác. Cổ phần hóa chậm là do xác định đất đai... thì lần này phải làm rõ hơn. Đừng nói chung thể chế, cụ thể điểm nào, mục nào không thể nói được. Đây là điểm then chốt cần xử lý, trong đó có việc rất quan trọng chúng tôi đã nhấn mạnh, đó là khai thông, giải phóng, huy động tối đa mọi nguồn lực", Thủ tướng nêu rõ.

Tại phiên họp, Thủ tướng yêu cầu Bộ Ngoại giao, các bộ, ngành liên quan có chương trình hành động để thực hiện tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế./.

Vũ Dũng/VOV

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-chi-ro-vuong-o-khoan-nao-chu-dung-noi-chung-chung-985375.vov