Thủ tướng chỉ ra 4 khó khăn, 3 trụ cột của Việt Nam

Già hóa dân số, tài nguyên cạn kiệt, biến đổi khí hậu và an ninh khó lường là những vấn đề Việt Nam đang phải đối mặt.

Giới thiệu chương trình hành động với cử tri trong buổi tiếp xúc sáng 8/5 tại quận Ninh Kiều, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ ra 4 vấn đề mà Việt Nam đang phải đối mặt và 3 trụ cột để dựa vào đó giải quyết các thách thức hiện có.

4 khó khăn mà đất nước đang phải đối mặt

Điều đầu tiên được Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định trong chương trình hành động của mình là tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

 Thủ tướng khẳng định đoàn kết là giá trị truyền thống quan trọng, cần giữ gìn của Việt Nam. Ảnh: Thuận Thắng.

Thủ tướng khẳng định đoàn kết là giá trị truyền thống quan trọng, cần giữ gìn của Việt Nam. Ảnh: Thuận Thắng.

Ông nhận định đất nước đang thực hiện quá trình đổi mới, thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, và kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đồng thời, tích cực, chủ động hợp tác, hội nhập quốc tế sâu rộng, nhưng là thành viên có trách nhiệm.

Lãnh đạo Chính phủ cho rằng Việt Nam đang ở trong bối cảnh vừa thuận lợi vừa khó khăn. Như Tổng bí thư đã nói, "đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, vị thế, tiềm lực và uy tín quốc tế như ngày nay". Tuy nhiên, Thủ tướng khẳng định không vì thế mà chủ quan, thỏa mãn.

Với tinh thần đó, Thủ tướng chỉ ra 4 khó khăn mà đất nước đang phải đối mặt.

Thứ nhất là tình trạng già hóa dân số đáng báo động. Nếu không có dự báo chiến lược thì sẽ bị động trong 5-10 năm tới.

Thứ hai là cạn kiệt tài nguyên. Thứ ba là biến đổi khí hậu. Thứ tư là an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống đang rất khó lường. Ví dụ như tình hình dịch bệnh.

Với vai trò là Thủ tướng, ông đặt ra nhiệm vụ phải làm sao khắc phục những khó khăn này nhưng phải phát huy tối đa truyền thống lịch sử, văn hóa.

Đồng bằng sông Cửu Long đang thiếu cơ chế phát triển

Từ những khó khăn đó, Thủ tướng đặt ra nhiệm vụ làm sao khai thác được tài nguyên, phát triển Việt Nam nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng trên 3 trụ cột.

Trụ cột đầu tiên là con người. Ông cho rằng từ đường lối, chính sách, pháp luật, đến việc thực hiện, tốt hay xấu đều là do con người. Do đó, việc cần làm là phát huy giá trị của con người Việt Nam.

Thứ hai là phát huy giá trị của thiên nhiên. Các nguồn lực đất, nước, không khí, rừng, biển đều cần được tận dụng tối đa. Thủ tướng nhận định trụ cột này đang bị ảnh hưởng bởi tài nguyên cạn kiệt, đất đai không tự sinh ra được (trừ trường hợp lấn biển)... Tương tự, rừng bị tàn phá sau chiến tranh cũng như do con người quản lý không tốt.

Về tài nguyên biển, Thủ tướng cho biết hiện có 2 vấn đề tại Biển Đông. Thứ nhất là tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ. Thứ hai là đảm bảo an ninh, an toàn Biển Đông. Ông nhận định Việt Nam phải cùng các nước giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, quốc tế cùng chia sẻ, thông cảm để giữ hòa bình cho khu vực. An toàn hàng hải là trách nhiệm, lợi ích của toàn thế giới.

"Tóm lại, tài nguyên thiên nhiên của chúng ta có hạn. Làm thế nào để khai thác hiệu quả nhất", Thủ tướng đặt ra bài toán.

Trụ cột thứ 3 là văn hóa, truyền thống, lịch sử. Việt Nam có truyền thống dựng nước, giữ nước hào hùng sau hơn 4.000 năm lịch sử. Thế kỷ XX, nước ta gần như chỉ có chiến tranh. Sang thế kỷ XXI mới tiến hành đổi mới, bắt đầu từ năm 1986 nhưng phải đến năm 1991 mới ổn định, thực hiện đổi mới bài bản, có kinh nghiệm.

Thủ tướng gặp gỡ cử tri huyện Phong Điền và quận Cái Răng, TP Cần Thơ. Ảnh: Thuận Thắng.

Thủ tướng nhận định việc phát huy 3 trụ cột này đều đang gặp khó khăn. Con người thì già hóa dân số, thiên nhiên thì cạn kiệt, truyền thống văn hóa lịch sử thì cần nâng cao nhận thức.

Ông Phạm Minh Chính nhấn mạnh cả nước phải đồng lòng, quyết tâm với tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Đoàn kết là truyền thống quý báu của dân tộc mà Đảng và cơ sở phải giữ gìn "như giữ con ngươi trong mắt mình".

Thủ tướng cho biết vừa qua, để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đảng đã ban hành 130 chương trình, kế hoạch cần làm trong nhiệm kỳ này. Trong đó có chương trình cụ thể là phát triển Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Cần Thơ nói riêng.

Để góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc XIII, Thủ tướng nhận định phải quan tâm, chú ý đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là vùng tiềm năng lớn với hơn 20 triệu dân, có tiềm năng về đất đai, con người, truyền thống lịch sử; tuy nhiên, còn thiếu cơ chế, chính sách để phát triển.

Do đó, Thủ tướng cho rằng cần đề xuất cơ chế chính sách để phát triển đất nước nói chung, trong đó rất quan tâm đến Đồng bằng sông Cửu Long.

"Mỗi vùng kinh tế trọng điểm có tiềm năng, cơ hội, lợi thế cạnh tranh khác nhau. Phải đi lên từ cái này. Phải có thể chế, cơ chế chính sách, lãnh đạo chỉ đạo. Đi lên từ đây thì phải có sự đoàn kết thống nhất lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, vào cuộc của nhân dân mới làm được", Thủ tướng nhận định.

Ông nhấn mạnh tinh thần là chủ động tiến công, không trông chờ, ỷ lại, phải tự lo cho chính mình, như vậy cũng là lo cho đất nước, cho đồng bào.

TP Cần Thơ có 3 đơn vị bầu cử với 13 ứng cử viên để bầu 7 đại biểu Quốc hội khóa XV (10 người do TP Cần Thơ giới thiệu, 3 người do Trung ương đề xuất). Thủ tướng Phạm Minh Chính là ứng viên ở tổ bầu cử số 1 gồm quận Ninh Kiều, Cái Răng và huyện Phong Điền. Ngày 8/5, buổi sáng, Thủ tướng tiếp xúc cử tri tại Đại học Cần Thơ. Chiều cùng ngày, ông tiếp xúc cử tri tại UBND phường Phú Thứ, quận Cái Răng.

Ngoài ông Phạm Minh Chính, đơn vị này có 4 ứng cử viên khác, gồm: Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công an TP Cần Thơ; bà Dư Thị Mỹ Hân, Trưởng ban Tổ chức - Kiểm tra, Hội Liên hiệp Phụ nữ Cần Thơ; ông Đào Chí Nghĩa, Bí thư Thành đoàn Cần Thơ và bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Sản xuất thương mại Abavina.

Đây là lần đầu tiên lãnh đạo Chính phủ ứng cử đại biểu Quốc hội tại một tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long. Hai nhiệm kỳ trước, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều ứng cử đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng.

Thu Hằng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thu-tuong-chi-ra-4-kho-khan-3-tru-cot-cua-viet-nam-post1213002.html