Thủ tướng chỉ định các cơ quan đầu mối triển khai Hiệp định EVFTA

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định về việc chỉ định các cơ quan đầu mối để triển khai thực hiện Hiệp định thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).

Tại Hội nghị trực tuyến "Triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA)" vừa diễn ra sáng nay (6/8) tại Trụ sở Chính Phủ. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành quyết định về việc chỉ định các cơ quan đầu mối để triển khai thực hiện Hiệp định thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).

Theo quyết định của Thủ tướng, danh sách chỉ định những cơ quan đầu mối để thực hiện các Chương của Hiệp định EVFTA gồm:

Bộ Công thương chủ trì Các mục tiêu và định hướng chung; Phòng vệ Thương mại; Các rào cản phi thuế quan đối với Thương mại và Đầu tư trong sản xuất năng lượng tái tạo; Chính sách cạnh tranh.

Với nội dung về Đối xử quốc gia và mở cửa thị trường đối với hàng hóa, cơ quan chủ trì được giao bao gồm: Bộ Công thương (đối với các quy định chung và quản lý xuất nhập khẩu); Bộ Tài chính (đối với các nội dung về thuế quan); Bộ Nông nghiệp và Phát triển triển nông thôn (đối với các nội dung liên quan đến nông sản).

Bộ Tài chính (Tổng cục hải quan) chủ trì về Hải quan và thuận lợi hóa thương mại; Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì về Hàng rào kỹ thuật đối với thương mại; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì về Các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật.

Về danh sách chỉ định các cơ quan đầu mối để tiếp nhận, trao đổi thông tin và đầu mối liên lạc, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) chủ trì nội dung Đầu mối giải đáp thông tin liên quan đến Hải quan và Thuận lợi hóa thương mại; Bộ Khoa học và Công nghệ (Văn phòng TBT Việt Nam) chủ trì Đầu mối về các vấn đề Rào cản kỹ thuật thương mại.

Đối với Đầu mối liên lạc về Sở hữu trí tuệ, cơ quan chủ trì gồm: Bộ Khoa học và Công nghệ (đối với nội dung liên quan tới sở hữu công nghiệp); Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (đối với các nội dung liên quan đến quyền tác giả và quyền liên quan); Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đối với nội dung liên quan tới giống cây trồng).

Ngoài ra, quyết định còn có danh sách chỉ định các cơ quan đầu mối tham gia các Ủy ban và các Nhóm công tác của Hiệp định EVFTA.

Trong quá trình triển khai thực hiện Hiệp định, trường hợp cần điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế, Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Về phía Bộ Công thương cũng đã hoàn thiện Kế hoạch thực hiện EVFTA của riêng Bộ để chuẩn bị cho việc ban hành. Trong kế hoạch này, Bộ đã xác định nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu về Hiệp định, tiếp cận thị trường EU, tận dụng EVFTA.

 Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại Hội nghị trực tuyến "Triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA)".

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại Hội nghị trực tuyến "Triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA)".

Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về Hiệp định theo các hình thức khác nhau tới các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp và những đối tượng quan tâm khác trong cộng đồng;

Xây dựng kịch bản khai thác, phát triển thị trường, nghiên cứu và định hướng thiết lập các kênh phân phối các mặt hàng xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam trên thị trường các nước thành viên EVFTA;

Nghiên cứu, xây dựng tài liệu hướng dẫn doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường EU cho các nhóm hàng trọng điểm mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh;

Xây dựng các chương trình truyền thông, quảng bá hình ảnh thương hiệu sản phẩm Việt Nam hướng tới thị trường EU, và chương trình quảng bá chỉ dẫn địa lý tại thị trường EU trong khuôn khổ Chương trình thương hiệu Quốc gia;

Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại quy mô lớn tại thị trường EU trong khuôn khổ Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại. Tăng cường và đổi mới các hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp có tiềm năng xuất khẩu;

Hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp các giải pháp phát triển bền vững cho doanh nghiệp hướng tới tiêu chí xanh nhằm tiếp cận thị trường, định vị sản phẩm trên thị trường quốc tế, phù hợp với xu hướng tiêu dùng thân thiện với môi trường của người tiêu dùng tại các nước EU;

Hỗ trợ hướng dẫn doanh nghiệp Việt Nam cách xử lý, thực hiện và rà soát về mặt kỹ thuật khi có yêu cầu về kiểm tra, xác minh xuất xứ từ phía EU trong trường hợp cần thiết để bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam.

Thanh Thư

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/thu-tuong-chi-dinh-cac-co-quan-dau-moi-trien-khai-hiep-dinh-evfta-114473.html