Thủ tướng chỉ đạo xử lý tro xỉ nhà máy nhiệt điện

Bộ Công Thương nghiên cứu, hướng dẫn thực hiện các biện pháp để giảm dần diện tích bãi xỉ của các dự án nhà máy nhiệt điện.

Ảnh minh họa

Cụ thể, về diện tích bãi xỉ của các nhà máy nhiệt điện BOT, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Hải Dương, Dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vĩnh Tân I đang thi công được áp dụng quy định bãi xỉ tại thời điểm ký kết hợp đồng BOT; đối với các dự án nhà máy nhiệt điện đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, đang thương thảo chuẩn bị ký hợp đồng BOT (Nam Định I, Nghi Sơn II, Vân Phong I, Vũng Áng II, Vĩnh Tân III, Sông Hậu II) được giữ nguyên diện tích bãi xỉ như đã phê duyệt tại báo cáo nghiên cứu khả thi.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các chủ cơ sở phát thải lập, phê duyệt đề án xử lý, tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón. Bộ Công Thương chịu trách nhiệm hướng dẫn chủ cơ sở phát thải lập, phê duyệt đề án xử lý, tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón; tổ chức kiểm tra, giám sát và đôn đốc thực hiện đề án, xử lý nghiêm các vi phạm gây ô nhiễm môi trường.

Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, ngành liên quan sớm hoàn thành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón làm vật liệu san nền và đường giao thông; tiếp tục nghiên cứu, xây dựng chính sách khuyến khích sử dụng vật liệu xây không nung, hạn chế sử dụng vật liệu nung.

Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các Bộ: Công Thương, Xây dựng hướng dẫn các chủ cơ sở phát thải thực hiện xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm vật liệu xây dựng theo quy định về môi trường…

Theo các chuyên gia, nguồn chất thải tro xỉ rất có giá trị trong việc sản xuất các sản phẩm vật liệu không nung và dùng trong các ngành công nghiệp như sản xuất xi măng, bê tông, gốm, sứ, gạch, vật liệu nhẹ, phân bón, nhựa đường hoặc san lấp... Thậm chí các nhà khoa học thế giới đã nghĩ đến dùng tro bay để chế tạo xe bọc thép siêu nhẹ hoặc thu dọn dầu loang.

Việc này vừa mang lợi ích kinh tế hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm, hạn chế nhập khẩu nguyên vật liệu xây dựng, vừa tiết kiệm được đất làm hồ, bãi chứa và quan trọng hơn là việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng thành công, tuy nhiên để làm được điều này không đơn giản mà cần phải có cơ chế, chính sách hỗ trợ từ Nhà nước.

Theo Phó GS-TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam, tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện ở các nước là nguyên liệu quý phục vụ sản xuất gạch, xi măng còn ở Việt Nam lại bị coi là chất thải, nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường. Nhìn nhận tro xỉ là chất độc hại thì không đúng mà phải coi nó là nguồn nguyên liệu quý cho sản xuất phục vụ xây dựng.

Phó GS-TS Trương Duy Nghĩa cũng kiến nghị Bộ Công thương, Bộ Xây dựng có giải pháp cụ thể yêu cầu tất cả nhà máy nhiệt điện phối hợp trong việc tái sử dụng tro, xỉ có thể quy định bằng pháp lệnh để ràng buộc chứ không phải doanh nghiệp thích thì làm, không thì thôi như hiện nay.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Phiên, Giám đốc Công ty Nhiệt điện Duyên Hải (Trà Vinh) cũng cho biết, liên quan đến vấn đề xử lý tro bụi hiện nay, ông đang đề xuất Bộ Xây dựng xem xét, sớm ban hành tiêu chuẩn tro, xỉ nhà máy nhiệt điện than để tái sử dụng tro, xỉ làm làm vật liệu xây dựng gạch, xi măng, bê tông, san lấp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm tận dụng tro, xỉ tại nhà máy nhiệt điện than làm vật liệu có ích.

Nguyễn Việt

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/thu-tuong-chi-dao-xu-ly-tro-xi-nha-may-nhiet-dien-128197.html