Thủ tướng cắt băng khánh thành đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định đây chính là bước đột phá quan trọng về hạ tầng giao thông kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.

Sáng nay, (1/9) tại Cầu Bạch Đằng, tỉnh Quảng Ninh, Bộ Giao thông Vận tải và TP. Hải Phòng long trọng tổ chức khánh thành tuyến cao tốc Hạ Long – Hải Phòng.

Thủ tướng Chính phủ cắt băng khánh thành đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng

Về dự lễ khánh thành có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Ủy viên Bộ chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trần Quốc Vượng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cùng các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, TP. Hải Phòng...

Phát biểu tại lễ khánh thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long khẳng định: Với tư duy sáng tạo, khát khao đổi mới để phát triển bền vững, đồng thời nhận diện được những hạn chế về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là tháo gỡ "nút thắt" về hạ tầng giao thông luôn được xác định là huyết mạch để phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh với truyền thống kỷ luật và đồng tâm đã khát khao, nhiệt huyết trong đổi mới, với quyết tâm chính trị cao, có nhiều ý tưởng phát triển đột phá, dành sự quan tâm lớn cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Quảng Ninh là một trong những địa phương mạnh dạn, đi đầu của cả nước trong huy động nguồn lực theo phương thức PPP, tự cân đối ngân sách tỉnh để xây dựng đường cao tốc và đã được Thủ tướng Chính phủ giao là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai đầu tư xây dựng đường cao tốc, cảng hàng không quốc tế và cảng biển.

Nhấn mạnh ý nghĩa của dự án trong việc liên kết chuỗi đô thị phát triển năng động, phát huy được lợi thế thu hút đầu tư, tạo động lực mang tính chiến lược đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh nói riêng cũng như phát triển kinh tế vùng, liên vùng quốc tế, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định việc tổ chức Lễ khánh thành thông xe và chính thức đưa vào khai thác tuyến đường cao tốc nối thành phố Hạ Long với thành phố Hải Phòng chính là dấu mốc quan trọng khẳng định thành công của tỉnh Quảng Ninh trong việc cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về huy động nguồn lực đầu tư kết nối hạ tầng trong chiến lược phát triển đất nước nói chung và Quảng Ninh nói riêng. Tiếp đà này, các công trình trọng điểm khác của tỉnh sẽ tiếp tục được hoàn thành trong năm 2018 như: Tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai cũng được đầu tư bằng hình thức hợp tác công tư, ngân sách tỉnh cho công tác GPMB.

Tỉnh Quảng Ninh cũng đang tập trung hoàn thiện thủ tục đầu tư để khởi công 80,2km đường cao tốc nối tiếp từ sân bay Vân Đồn đến thành phố Móng Cái vào quý IV/2018. Phấn đấu đến cuối năm 2020, tỉnh Quảng Ninh sẽ hoàn thành đầu tư gần 200 km đường bộ cao tốc, đóng góp 1/10 số lượng cao tốc hoàn thành trên toàn quốc theo mục tiêu của Chính phủ.

Bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc tới sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo cấp Trung ương; sự phối hợp chặt chẽ của thành phố Hải phòng và các địa phương từ cấp huyện, thị xã, thành phố, cấp xã, phường trong công tác GPMB để thực hiện dự án, ông Nguyễn Đức Long cũng ghi nhận và đánh giá cao liên danh nhà đầu tư và các nhà thầu thi công xây dựng đã nỗ lực, vượt qua các khó khăn, trở ngại trong quá trình thi công xây dựng công trình.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, ông Long đặc biệt cảm ơn các hộ dân trong vùng dự án đã đồng thuận di chuyển GPMB để thi công dự án; những người công nhân, ngày đêm trên công trường đã phơi mình trong nắng gắt, lặn lội trong gió mưa, không quản khó khăn, gian khổ để thực hiện nhiệm vụ trên công trường góp phần thành công của công trình lịch sử.

Cầu Bạch Đằng trong ngày thông xe

Phát biểu chỉ đạo tại lễ khánh thành, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định đây chính là bước đột phá quan trọng về hạ tầng giao thông kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.

Thủ tướng phân tích: “Có 4 lý do để khẳng định tính đột phá mạnh mẽ của dự án này. Thứ nhất là cao tốc Hạ Long – Hải Phòng không chỉ phát huy mạnh mẽ hơn giá trị cao tốc Hà Nội – Hải Phòng mà quan trọng hơn còn góp phần thúc đẩy liên kết vùng tam giác kinh tế phía Bắc, mở rộng không gian phát triển cho toàn khu vực. Thứ hai là dự án hoàn thiện sẽ rút ngắn thời gian di chuyển - là tài nguyên quý giá của con người. Thứ ba là đây là cây cầu “made in Việt Nam”, khẳng định sự tự lực, tự cường, tự làm chủ công nghệ của người Việt Nam và thứ tư là minh chứng cụ thể nhất cho tư duy dám nghĩ, dám làm của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh”.

Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao và biểu dương lãnh đạo, nhân dân tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng; chủ đầu tư dự án, thiết kế, kỹ sư, người lao động đã cố gắng, nỗ lực xây dựng công trình đảm bảo chất lượng, mỹ thuật theo đúng yêu cầu đề ra. Đồng chí yêu cầu các địa phương tiếp tục tập trung công sức, trí tuệ để triển khai các công việc tiếp theo nhằm khai thác tuyến đường đảm bảo đồng bộ, an toàn, hiệu quả; góp phần phát triển kinh tế, du lịch của địa phương nói riêng, cả nước nói chung trong thời gian tới.

Sau tuyên bố phát lệnh của Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc, các đồng chí lãnh đạo Trung ương và lãnh đạo tỉnh đã cắt băng khánh thành và thông xe tuyến cao tốc Hạ Long – Hải Phòng.

Sau hơn 3 năm triển khai thi công, đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng sẽ được đưa vào khai thác chính thức từ 13h00 ngày 1/9/2018. Dự án đóng vai trò quan trọng trong hoàn chỉnh tuyến kết nối vùng kinh tế động lực phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh); rút ngắn khoảng cách giữa Hạ Long và Hải Phòng xuống còn 25km thay vì khoảng cách 70km như trước đây. Tuyến đường kết nối vào đường cao tốc Hải Phòng - Hà Nội sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội về Hạ Long. Đây là tuyến đường cao tốc đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ giao cho địa phương thực hiện bằng nguồn ngân sách của Tỉnh và hình thức đối tác công tư (PPP).

Dự án được tỉnh Quảng Ninh khẳng định là bước đột phá về nội lực, tiên phong trong việc đề xuất Chính phủ được tự huy động các nguồn vốn để xây dựng, không hoàn toàn trông chờ nguồn vốn từ ngân sách Trung ương. Tuyến đường không chỉ mang ý nghĩa là dấu ấn lịch sử, khởi đầu cho phát triển hạ tầng giao thông Quảng Ninh, mà còn mang ý nghĩa to lớn trong việc giải quyết dứt điểm bài toán khó về hạ tầng giao thông của tỉnh. Đây cũng là minh chứng cho sự mạnh dạn, tư duy đổi mới của Quảng Ninh, là cú hích quan trọng để tỉnh tiếp tục kêu gọi, huy động được nguồn lực đầu tư lớn nhằm phát triển Quảng Ninh nhanh và bền vững.

Theo tìm hiểu, Cao tốc Hạ Long – Hải Phòng là dự án được tỉnh Quảng Ninh ấp ủ từ năm 2010, sau khi được sự đồng ý của Trung ương, dự án chính thức phát lệnh khởi công từ tháng 9-2014; tổng chiều dài toàn tuyến là 25,2km, tổng mức đầu tư gần 13.700 nghìn tỷ đồng.

Dự án gồm hai hợp phần: dự án đường nối TP Hạ Long với Cầu Bạch Đằng có vốn đầu tư 6.416 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách và dự án Cầu Bạch Đằng có vốn đầu tư 7.277 tỷ đồng, đầu tư theo hình thức BOT, do Công ty CP BOT Cầu Bạch Đằng làm chủ đầu tư.

Cụ thể, Dự án Đường nối thành phố Hạ Long với Cầu Bạch Đằng có chiều dài 19.8km đường cao tốc theo tiêu chuẩn kỹ thuật đường cao tốc tiêu chuẩn TCVN 5729:2012. Điểm đầu của dự án giao với QL18 tại Km102 + 300 (thuộc phường Đại Yên, TP Hạ Long); Điểm cuối dự án tại lý trình Km19+800 (là điểm đầu dự án thành phần cầu Bạch Đằng, đường dẫn nút giao cuối tuyến). Dự án có chiều rộng nền đường Bn=25,5m, gồm 4 làn xe chạy (4x3,75m) và 02 dải an toàn 2x3m. Trên tuyến xây dựng 5 cầu lớn gồm: Sông Hốt, sông Bình Hương, sông Chanh, sống Rút, cầu cạn Phong Hải.

Dự án Cầu Bạch Đằng tổng chiều dài 5,4km, điểm đầu thuộc địa phận Đầm Nhà Mạc (Thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) và điểm cuối thuộc địa phận tại quận Hải An (TP Hải Phòng). Cầu có thiết kế là 3 chữ “H” mang ý nghĩa lớn, thể hiện sự kết nối chặt chẽ giữa 3 trung tâm kinh tế phía Bắc là Hà Nội – Hải Phòng – Hạ Long; cầu có 4 nhịp bố trí theo sơ đồ (110+2x240+110)m, rộng 28m, tĩnh không thông thuyền cao 48,4m. Trong đó, trụ tháp giữa cao 97,50m, 2 trụ tháp 2 bên cao 94,993m có thể chịu được động đất cấp VII (thang MSK-64), nhịp chính vượt sông dài 240m là một trong những cầu có khẩu độ nhịp vượt sông lớn nhất hiện nay. Phần cầu dẫn, cầu vượt và nút giao 2 bờ Hải Phòng và Quảng Ninh có chiều dài 4,7km kết cầu dầm super T và đúc hẫng trên hệ thống móng cọc BTCT đường kính từ 1,5 đến 2m, mặt cắt ngang 25m. Đây là cây cầu dây văng đầu tiên do người Việt Nam thiết kế, thi công.

Theo thiết kế, tốc độ tối đa cho phép khi lưu thông trên cao tốc này là 100km/giờ. Tuy nhiên, thời gian đầu sẽ đưa vào sử dụng với tốc độ lưu hành tối đa là 80km/giờ; sau đó sẽ cho phép lưu hành theo đúng tốc độ thiết kế.

Cùng với lễ khánh thành thông xe tuyến đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, cầu Bạch Đằng, tỉnh Quảng Ninh cũng khánh thành tuyến đường xa lộ 10 làn xe dài trên 5km nối tiếp đến Vịnh Hạ Long để xứng tầm cửa ngõ thành phố Hạ Long đang năng động phát triển theo hướng hiện đại.

Nguyên Trung

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/thu-tuong-cat-bang-khanh-thanh-duong-cao-toc-ha-long-hai-phong-post273408.info