Thủ tướng: Các nhà đầu tư hãy coi Đồng Tháp là quê hương thứ hai của mình

Với khẩu hiệu 'Tiềm năng của chúng tôi - cơ hội của bạn', Đồng Tháp cam kết sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất và mong muốn các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với mảnh đất Sen hồng bằng thực tâm, gắn bó lâu dài.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến trao Quyết định chủ trương đầu tư và Giấy chứng nhận cam kết đầu tư vào tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Sáng 19/12, Hội nghị Xúc tiến Đầu tư Đồng Tháp 2017 đã diễn ra tại thành phố Cao Lãnh với sự hiện diện của hàng trăm doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và phát biểu, khẳng định quan điểm của Chính phủ sẽ luôn lắng nghe, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư theo quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế.

Vựa lúa, rừng trái cây

Đồng Tháp là tỉnh trọng điểm về nông nghiệp. Sản lượng lúa hằng năm trên 3,3 triệu tấn, đứng thứ ba toàn quốc; sản lượng cá tra gần 400 ngàn tấn, đứng đầu cả nước và còn nhiều loại trái cây đặc sản nổi tiếng khác. Đồng Tháp còn nổi danh với Làng hoa Sa Đéc trăm năm tuổi, Vườn Quốc gia Tràm Chim - Khu Ramsa của thế giới, Khu di tích Gò Tháp - nơi ghi dấu nhiều huyền tích của nền văn hóa Óc Eo... Vì vậy, ưu tiên hàng đầu trong kêu gọi đầu tư của Đồng Tháp chính là nông nghiệp, kế đến là du lịch...

Hiện nay, cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống đang được thi công gấp rút. Dự kiến, cuối năm nay sẽ thông xe cùng với Dự án kết nối trung tâm đồng bằng Mê Kông, đưa Đồng Tháp trở thành địa phương có hạ tầng giao thông thuận lợi.

Nhiều năm qua, Đồng Tháp luôn chắt chiu từng cơ hội của nhà đầu tư, kiên trì thực hiện chủ trương đồng hành cùng doanh nghiệp. Điều này đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao. Bằng chứng là liên tục trong nhiều năm, Đồng Tháp luôn được xếp vào nhóm đầu Quốc gia về chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) và cải cách hành chính.

Để tạo dựng hình ảnh đẹp của Đồng Tháp với nhà đầu tư, lãnh đạo địa phương cam kết sẽ luôn sát cánh cùng doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Danh mục dự án Đồng Tháp kêu gọi đầu tư gồm 33 dự án trên các lĩnh vực: Hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tiểu khu nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, du lịch, dự án phát triển hạ tầng thương mại.

Ngôi sao sáng về môi trường đầu tư kinh doanh

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng được chứng kiến đông đảo nhà đầu tư từ mọi miền đất nước, từ nhiều châu lục trên thế giới đã tới tìm kiếm cơ hội đầu tư sản xuất kinh doanh tại Đồng Tháp - địa phương đặc biệt mến khách và có môi trường đầu tư tốt của Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Phấn khởi trước mức dự kiến đầu tư vào Đồng Tháp lên đến gần 24 ngàn tỷ đồng tại hội nghị, Thủ tướng hoan nghênh các nhà đầu tư, nhà tài trợ đã quan tâm đến người dân, nhất là người yếu thế, người nghèo thông qua việc hỗ trợ gần 90 tỷ cho công tác an sinh xã hội của địa phương.

Chúc mừng kết quả ban đầu quan trọng này của tỉnh, Thủ tướng nhấn mạnh, trong nhiều năm qua, Đồng Tháp là “ngôi sao sáng về môi trường đầu tư kinh doanh”. Một tinh thần đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp được thể hiện rõ trong các cấp chính quyền tỉnh. Từ đó, tỉnh có nhiều hình thức xúc tiến, kêu gọi, lắng nghe để giải quyết theo tinh thần “Nhà nước, người dân, doanh nghiệp cùng thắng”.

Phân tích thành công của Đồng Tháp, Thủ tướng nhắc đến yếu tố thiên thời, địa lợi nhân hòa, “không có nơi nào ứng xử hòa đồng, trực tiếp, chân tình như Đồng Tháp”. Đây là bài học tốt cho cách ứng xử hành chính đối với người dân, doanh nghiệp, Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, có thể nhìn thấy ở Đồng Tháp một tầm nhìn của sự phát triển vì quyền lợi của người dân, của doanh nghiệp. “Không phải tầm nhìn đó là một nhiệm kỳ mà là từ thế hệ này qua thế hệ khác, chúng ta cùng cam kết, cùng phát triển”. Bên cạnh đó là “một khát vọng để đưa Đồng Tháp tiến bước vùng dân tộc, cùng đất nước”.

Khái quát tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh, Thủ tướng nhìn nhận, trong 3 năm qua, việc tái cơ cấu nông nghiệp ở Đồng Tháp đạt kết quả tốt như “một điển hình của cả nước”. Tỉnh đã hình thành nên một số vùng cây, con đặc sản, có lợi thế so sánh; đào tạo được một nguồn nhân lực có chất lượng tốt, phục vụ phát triển tại chỗ.

Biểu dương, đánh giá cao nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, quân và dân Đồng Tháp, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của cả nước năm 2017, Thủ tướng hoan nghênh các nhà đầu tư, doanh nghiệp, các tổ chức định chế tài chính quốc tế đã đầu tư, đóng góp ý kiến xây dựng tỉnh Đồng Tháp.

Liên kết để phát triển

Rút ra bài học cho sự phát triển của Đồng Tháp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói đến cụm từ khóa “liên kết” đã trở thành tâm điểm của những thành công của Đồng Tháp, là bài học kinh nghiệm của nhiều địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long có thể áp dụng, phát huy.

Thủ tướng chỉ rõ Đồng Tháp đã liên kết tốt giữa sản xuất và thị trường với trọng điểm sản xuất phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu; liên kết giữa vùng nguyên liệu, ứng dụng khoa học và người nông dân trong mô hình hội quán mà người nông dân ở vị trí trung tâm.

Bên lề hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các gian hàng trưng bày sản phẩm. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Đồng Tháp đã có nhiều sáng tạo trong liên kết đồng hành cùng doanh nghiệp. “Thay đổi tư tưởng xin cho thành đồng hành cùng doanh nghiệp”, có nhiều sáng tạo trong hỗ trợ khởi nghiệp. Đồng Tháp cũng là địa phương khởi xướng và cùng hai tỉnh Long An, Tiền Giang hình thành vùng liên kết phát triển tiểu vùng Đồng Tháp Mười, bỏ được tư duy “nhân chi sơ, tính cục bộ” để cùng phát triển, đây là mô hình cần nhân rộng trong toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng chỉ đạo.

“Một tinh thần Đồng Tháp muốn đi xa phải cùng đi đang được tổ chức thực hiện hết sức nghiêm túc tại đây”, Thủ tướng nói và đề nghị chính quyền Đồng Tháp không chủ quan, thỏa mãn với thành tích bước đầu bởi lợi thế, sự khác biệt về môi trường kinh doanh của Đồng Tháp so với các địa phương trong vùng là không nhiều. Tỉnh cần nỗ lực hơn nữa trong việc lấp đầy các khoảng trống khác trong thu hút đầu tư, cải thiện kết quả phát triển kinh tế.

Từ đó, Thủ tướng đưa ra quan điểm phát triển cho Đồng Tháp và toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long mà trước hết là nông nghiệp phải theo hướng xanh, sạch, minh bạch và phải là “đòn bẩy chính cho phát triển”; trong đó cần chú ý đến nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp chế biến, thu hút nhiều hơn nữa các doanh nghiệp lớn đến đầu tư.

Thủ tướng đặt kỳ vọng Đồng Tháp sẽ là tỉnh tiên phong trong tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp của Việt Nam; tiếp tục đặt người nông dân ở vị trí trung tâm trong sản xuất nông nghiệp. “Người nông dân phải có tiếng nói, có vị trí, có lợi ích ổn định lâu dài trong quá trình tái cơ cấu”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Đồng Tháp cần liên kết tài nguyên bản địa với công nghệ và kiến thức rộng khắp của toàn cầu. “Sen của Đồng Tháp không phải chỉ là một món ăn mà còn là một trải nghiệm với chiều dài về cảm xúc, văn hóa và những đặc trưng khác biệt”, Thủ tướng bày tỏ.

Nhắc đến thách thức lớn của đất nước và của vùng về biến đổi khí hậu, Thủ tướng đề nghị Đồng Tháp cần tích hợp chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững.

Bày tỏ sự trân trọng, Thủ tướng mong muốn các nhà đầu tư, doanh nghiệp “hãy coi Đồng Tháp là quê hương thứ hai của mình, hãy đầu tư mạnh mẽ hơn, liên tục hơn, hiệu quả hơn chứ không phải đầu tư trên giấy”.

Đi liền với đó, Thủ tướng yêu cầu các nhà đầu tư không hủy hoại môi trường sống của người dân; gia tăng sản phẩm có giá trị trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương hệ thống một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến cấp 3, 4 tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao năn lực cạnh tranh quốc gia. “Chính phủ luôn quan niệm rằng thành công của các nhà đầu tư, thành công của Đồng Tháp là thành công của Chính phủ, là thành công của Việt Nam”.

Tại Hội nghị, Đồng Tháp đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 21 dự án và ký thỏa thuận ghi nhớ đầu tư 16 dự án trên nhiều lĩnh vực, với tổng vốn đăng ký đầu tư là 23.885 tỷ đồng.

Cũng nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bấm nút Khai trương “Hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4” của tỉnh Đồng Tháp.

Quang Vũ - Văn Trí (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/chinh-tri/thu-tuong-cac-nha-dau-tu-hay-coi-dong-thap-la-que-huong-thu-hai-cua-minh-20171219125350026.htm