Thủ tướng: Các ngành, địa phương phải có kịch bản triển khai nhiệm vụ trong bối cảnh Covid-19

Thủ tướng nhấn mạnh, các ngành, địa phương phải có kịch bản triển khai nhiệm vụ trong bối cảnh Covid-19. Tăng cường phân tích dự báo để ứng phó với các tác động từ bên ngoài. Những vấn đề này phải được thể hiện trong Chỉ thị mà Thủ tướng sẽ ký ban hành.

Sáng nay, 25/2, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia chủ trì cuộc họp với Hội đồng.

Tại cuộc họp, các ý kiến đề cập đến nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như giải pháp về thuế, phí. Nhiều thành viên Hội đồng cho rằng, cần tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp, chống trì trệ trong phát triển. Tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế để vừa bù đắp thiệt hại, vừa giảm thiểu tác động của dịch. Việc chống dịch thành công cũng là giải pháp quan trọng để đất nước phát triển. Bên cạnh đó, cần có giải pháp phù hợp để bảo đảm nguồn nhân lực, lao động và các điều kiện sản xuất kinh doanh bình thường cho khu vực doanh nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận cuộc họp. Nguồn: VGP

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận cuộc họp. Nguồn: VGP

Nhiều thành viên Hội đồng nêu, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, giảm thiểu thông tin tiêu cực, sai sự thật, ảnh hưởng đến tâm lý, gây hoang mang dư luận, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế-xã hội và xử lý nghiêm các vi phạm.

Thống đốc Ngân hành Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng nêu rõ, chúng ta không nôn nóng trong điều hành chính sách tiền tệ, nhưng không chủ quan trước áp lực lạm phát. Điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, không thắt chặt quá mức gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Điều quan trọng nhất là giữ nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô.

NHNN ngày 24/2 có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng triển khai giải pháp hỗ trợ người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, yêu cầu này nhằm thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch, và có dư nợ gốc hoặc lãi đến kì hạn trả nợ trong khoảng thời gian từ ngày 23/1 đến ngày 31/3, cho đến khi NHNN ban hành thông tư hướng dẫn về vấn đề này.

Không bi quan nhưng không chủ quan

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng đánh giá cao các chuyên gia nêu các ý kiến tâm huyết, sắc sảo và có cơ sở khoa học. Đây là dữ liệu đầu vào quan trọng để Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đưa ra các quyết sách điều hành kinh tế xã hội trong bối cảnh đang có nhiều khó khăn, nhất là Covid-19.

Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước tập trung các ý kiến, có báo cáo tóm tắt để đưa ra thảo luận tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu các ý kiến, xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng về hỗ trợ sản xuất kinh doanh thúc đẩy phát triển.

Nhấn mạnh, không bi quan nhưng không chủ quan, Thủ tướng cho rằng, cần quyết liệt chống dịch, nỗ lực vượt khó, tập trung sản xuất kinh doanh đảm bảo các mục tiêu nhiệm vụ đã đề ra. Các ngành, địa phương phải có kịch bản triển khai nhiệm vụ trong bối cảnh Covid-19. Tăng cường phân tích dự báo để ứng phó với các tác động từ bên ngoài. Những vấn đề này phải được thể hiện trong Chỉ thị mà Thủ tướng sẽ ký ban hành.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia. Nguồn: VGP

Trên tinh thần đó, Thủ tướng nêu những vấn đề cốt lõi Hội đồng đề xuất, Hội đồng thống nhất cần tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, đảm bảo cân đối lớn cho nền kinh tế, tạo nền tảng cho phát triển bền vững.

Hàng hóa sản xuất dồi dào, cơ chế lưu thông thông thoáng, thị trường sôi động hơn, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, coi trọng xuất khẩu, đẩy mạnh nội nhu, đặc biệt là đầu tư công và đầu tư xã hội. Năm nay FDI vào rất lớn. Cần phát động một niềm tin thị trường để nhà đầu tư trong nước thúc đẩy đầu tư.

Hội đồng kiến nghị cần tiếp tục giải ngân vốn đầu tư công, nhất là công trình trọng điểm quốc gia cần làm ngay. Cùng với đó là phát triển đô thị, giải tỏa các dự án bất động sản tại các đô thị lớn đang bế tắc, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh. Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp, đối tượng chịu tác động của dịch bệnh, đồng thời tiếp tục khơi thông vốn tín dụng, ưu tiên vốn cho các dự án năng lượng, cơ sở hạ tầng, chế biến, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông.

Hội đồng kiến nghị các cấp, ngành tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung chống vi rút trì trệ trong phát triển. Nhiều ý nhấn mạnh cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phòng chống dịch Covid-19, đẩy mạnh công tác truyền thông, giảm những thông tin sai sự thật ảnh hưởng tâm lý người dân và gây tiêu cực cho xã hội.

Hà Giang (T/h)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/thu-tuong-cac-nganh-dia-phuong-phai-co-kich-ban-trien-khai-nhiem-vu-trong-boi-canh-covid-19-2020022516033364.htm