Thủ tướng: Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung xây dựng chiến lược phát triển các ngành, lĩnh vực trên tinh thần mạnh hơn, hiệu quả hơn

Chiều 11/5, làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông về những vấn đề tồn đọng, cấp bách cần giải quyết, các đề xuất, kiến nghị của ngành, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu các định hướng chiến lược để ngành tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới.

Cùng tham dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc (ảnh: VGP)

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc (ảnh: VGP)

Báo cáo Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đa số các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ liên quan tới hạ tầng, là nền tảng nên phải đi trước, Bộ đặt mục tiêu đưa các lĩnh vực này vào top khoảng từ 30 đến 50 của thế giới vào năm 2025.

Với từng lĩnh vực quản lý, Bộ trưởng báo cáo chi tiết về quy mô thị trường, định hướng phát triển, mục tiêu, những việc cần làm và các đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng. Tổng doanh thu toàn ngành năm 2020 khoảng 130 tỷ USD, tổng nộp ngân sách khoảng 5 tỷ USD.

Định hướng cho các lĩnh vực, Bộ trưởng nêu nhiều mục tiêu như Việt Nam phải làm chủ các thiết bị hạ tầng số, nhất là 5G, phủ sóng toàn quốc 5G năm 2022. Việt Nam phải trở thành cường quốc về an toàn, an ninh mạng để bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng. Làm chủ hệ sinh thái các sản phẩm an toàn, anh ninh mạng (hiện đã làm chủ 90%).

Về lĩnh vực công nghiệp điện tử - viễn thông - công nghệ thông tin - công nghệ số (gọi chung là công nghiệp ICT), cần chuyển từ lắp ráp, gia công sang “Make in Vietnam”, sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế và làm ra tại Việt Nam. Tỷ trọng “Make in Vietnam” vào năm 2025 đạt hơn 45% (hiện tại đang là 22%). Phát triển 100.000 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam vào năm 2025 từ 58.000 doanh nghiệp hiện nay.

Về báo chí, truyền thông, định hướng phát triển chung là báo chí phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội, lan tỏa năng lượng tích cực, các kinh nghiệm tốt, tạo đồng thuận và niềm tin xã hội, khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, tạo thành sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá vươn lên thành nước phát triển.

Bộ trưởng đề cập nhiều việc cần làm trong thời gian tới như sửa Luật Bưu chính; sửa Luật Giao dịch điện tử. Cùng với đó, tập trung xây dựng các chiến lược như chiến lược phát triển bưu chính; chiến lược hạ tầng số; chiến lược Chính phủ số; chiến lược an toàn không gian mạng Việt Nam, trọng tâm là không gian mạng an toàn và sạch; chiến lược quốc gia về kinh tế số, xã hội số; chiến lược quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung. Chỉ đạo xây dựng các nền tảng chuyển đổi số cho từng lĩnh vực kinh tế - xã hội…

Xây dựng chiến lược chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, thay đổi cách làm báo, làm sách trên môi trường số. Hình thành một số cơ quan báo chí, xuất bản chủ lực. Xây dựng kênh truyền hình quốc tế. Mỗi năm xuất bản một số đầu sách có giá trị cao, tạo sức lan tỏa toàn quốc. Quản lý các nền tảng mạng xã hội và quảng cáo xuyên biên giới, trọng tâm là hoàn thiện thể chế.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo Bộ TT&TT, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, các vụ, cục, đơn vị của Bộ TT&TT phân tích các thành tựu đạt được của ngành, những mặt còn hạn chế, các nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, nêu các đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những đóng góp quan trọng của Bộ và ngành TT&TT vào thành tựu chung của đất nước qua 35 năm đổi mới, nhất là trong 5 năm qua. Bộ là một trong những cơ quan tiên phong trong đổi mới, trong đó có đổi mới kinh tế với 3 trụ cột chính: Xóa cơ chế quan liêu, bao cấp; phát triển kinh tế đa thành phần và hội nhập quốc tế.

Để đạt được những kết quả này, Bộ và ngành đã triển khai nghiêm túc các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, bám sát thực tiễn để thực hiện chức năng nhiệm vụ dược giao. Cùng với đó là sự cố gắng, nỗ lực tích cực, hiệu quả của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành qua các thời kỳ; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các bộ ngành, cơ quan, các địa phương…

Dù vậy, Thủ tướng cũng nêu rõ, kết quả đạt được của ngành chưa như mong muốn, chưa tương xứng với tiềm năng lớn, nhất là tiềm năng, nguồn lực con người.

“Chúng ta chưa hài lòng với kết quả công việc, tổ chức bộ máy, công tác quản trị và hiệu quả cụ thể; tinh thần tiên phong, gương mẫu tuy mạnh mẽ nhưng vẫn có lúc trầm xuống, chưa đồng bộ, liên tục”, Thủ tướng nói.

Toàn cảnh buổi làm việc (ảnh: VGP)

Về các nhiệm vụ quan trọng thời gian tới, trước hết, Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu, tổng kết việc thực hiện Nghị định 17/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, bám sát thực tiễn, đề xuất sửa đổi, bổ sung tổng thể, toàn diện theo tinh thần “mạnh hơn, hiệu quả hơn nữa”.

Thủ tướng lưu ý nghiên cứu, bổ sung một số nội dung mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn liên quan tới các lĩnh vực chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số…; những vấn đề đã “chín”, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện. Chính phủ sẽ phân cấp tối đa, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, lãnh đạo Bộ chịu trách nhiệm là chính, không xin ý kiến Chính phủ, Thủ tướng nếu không cần thiết; thiết kế công cụ để tăng cường kiểm tra, giám sát.

Về một số nhiệm vụ, công việc còn chồng chéo, phải tổng kết thực tiễn, nêu rõ những việc đã làm được, những việc chưa làm được, cơ quan nào làm tốt nhất, các bài học kinh nghiệm; tinh thần là sẽ giao việc cho cơ quan, đơn vị nào làm tốt nhất, rõ người, rõ việc, đúng thẩm quyền, có căn cứ khoa học, phù hợp thực tiễn, bảo đảm hiệu quả.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh các nguyên tắc một người có thể làm nhiều việc nhưng một việc chỉ có một đơn vị, một cá nhân chịu trách nhiệm chính; việc nào người dân, doanh nghiệp, xã hội có thể làm tốt hơn thì xã hội hóa (trừ các nội dung liên quan tới an ninh, quốc phòng, ổn định chính trị-xã hội, đối ngoại).

Rà soát chức năng, nhiệm vụ của Bộ, tổ chức bộ máy, các cơ quan thuộc Bộ đảm bảo bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo đúng chủ trương của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Trong công tác quản lý nhà nước, Bộ cần tập trung xây dựng chiến lược phát triển các ngành, lĩnh vực; đi kèm cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả và nguồn lực thực hiện. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đồng thời thiết kế công cụ để tăng cường kiểm tra, giám sát trong các lĩnh vực quản lý.

Một nhiệm vụ khác là coi trọng hơn nữa công tác xây dựng thương hiệu và bảo vệ bản quyền, sở hữu trí tuệ, đặc biệt với các doanh nghiệp trong ngành.

Thủ tướng đề nghị Bộ xây dựng cơ chế, chính sách để huy động mọi nguồn lực hợp pháp cho phát triển, đặc biệt là cho phát triển hạ tầng chiến lược và các ngành mũi nhọn. Không trông chờ, ỷ lại vào nhà nước, phát huy tinh thần tự lực tự cường, vươn lên từ bàn tay, khối óc của mình, “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể”./.

Hồng Hà (T/h)

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/thu-tuong-bo-thong-tin-va-truyen-thong-tap-trung-xay-dung-chien-luoc-phat-trien-cac-nganh-linh-vuc-tren-tinh-than-manh-hon-hieu-qua-hon-20210512101031058.htm