Thủ tướng bị truy tố, Israel lâm vào thế rối ren

Sau khi Bộ Tư pháp Israel tuyên bố truy tố Thủ tướng đương nhiệm Benjamin Netanyahu, nền chính trị của nhà nước Do Thái đang lâm vào thế 'rối ren' với hàng loạt các kịch bản có thể xảy ra.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (Ảnh: EPA-EPE).

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (Ảnh: EPA-EPE).

Theo Reuters, Bộ trưởng Tư pháp Israel Avichai Mandelblit ngày 21/11 đã công bố quyết định truy tố Thủ tướng Netanyahu với cáo buộc nhận hối lộ, lạm dụng tín nhiệm và lừa đảo. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nhà nước Do Thái một thủ tướng đương nhiệm bị truy tố.

Ông Netanyahu, người đã lên nắm quyền từ năm 2009, là nhà lãnh đạo có thời gian tại vị lâu nhất ở Israel. Ông đã bác bỏ mọi nghi vấn đã có hành động sai trái trong 3 cáo buộc, tuyên bố rằng ông là nạn nhân của một cuộc săn phù thủy chính trị.

“Đây là một ngày khó khăn và buồn”, Bộ trưởng Tư pháp Mandelblit nói khi công bố cáo trạng chống lại Thủ tướng đương nhiệm.

Ông Mandelblit, người được chính ông Netanyahu bổ nhiệm vào vị trí hiện tại, cho biết ông có nghĩa vụ với người dân Israel nhằm đảm bảo không ai ở trên luật pháp.

Trước động thái của Bộ Tư pháp, Israel hiện vẫn đang trải qua tình thế giằng co trong việc lựa chọn nhà lãnh đạo mới để có thể thành lập một chính phủ mới sau 2 cuộc bầu cử không thể phân định được kết quả đã tổ chức trong năm nay. Theo Reuters, bản cáo trạng chống lại ông Netanyahu được cho có thể sẽ khiến tình hình chính trị ở Israel thêm căng thẳng.

Dưới đây là một số kịch bản có thể xảy ra tại Israel.

Theo luật hiện hành ở Israel, ông Netanyahu vẫn có thể bị truy tố và thậm chí ra tòa khi vẫn đang đương nhiệm chức thủ tướng. Các nghị sĩ có thể bỏ phiếu để phế truất ông chỉ khi ông bị kết án trong phán quyết cuối cùng sau khi đã không còn các yêu cầu kháng án. Quá trình này có thể kéo dài tới vài năm.

Trong kịch bản số 2, các tổ chức giám sát và đối lập hiện đang chuẩn bị đề nghị tên Tòa Tối cao Israel nhằm thách thức việc ông Netanyahu tiếp tục nhiệm kỳ thủ tướng trong khi bị truy tố. Điều đó có nghĩa là nếu Tòa Tối cao can thiệp vào sự việc, đó sẽ là sự thách thức điều luật cơ bản đã được quy định trong Hiến pháp Israel.

Trên thực tế, Tòa Tối cao nước này từng phán quyết rằng bộ trưởng và thứ trưởng phải bị sa thải ngay lập tức nếu bị truy tố. Tuy nhiên, việc thay thế các bộ trưởng được xem là dễ dàng. Nếu Thủ tướng từ chức, toàn bộ chính phủ sẽ sụp đổ theo. Giả thuyết này có thể sẽ gây ảnh hưởng tới quyết định của Tòa Tối cao.

Một hướng đi khác mà ông Netanyahu có thể áp dụng đó là yêu cầu quốc hội ban quyền miễn tố. Tuy nhiên, sau 2 cuộc bầu cử cho ra kết quả “giằng co”, Hạ viện Israel hiện thời trong tình trạng không hoạt động và có thể sẽ không thể quay trở lại làm việc trong vài tháng nữa cho tới khi một cuộc bầu cử thứ 3 được tổ chức và chính phủ được thành lập. Điều này có thể làm trì hoãn toàn bộ quá trình xét xử.

Ngoài ra, đảng bảo thủ Likud của ông Netanyahu có thể tính tới phương án chọn lãnh đạo mới. Nếu ông Netanyahu, người bác mọi cáo buộc, giữ được ghế lãnh đạo, ông vẫn có thể ra ứng cử. Trong kịch bản ngược lại, ông sẽ không còn là ứng viên tranh cử của đảng.

Trong kịch bản cuộc bầu cử thứ 3 được tiến hành và ông Netanyahu thắng cử bất chấp các cáo buộc, Tổng thống Israel Reuven Rivlin sẽ đưa ra quyết định rằng liệu ông Netanyahu có được phép thành lập chính phủ mới hay không.

Theo Dân Trí

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tin-tuc/thu-tuong-bi-truy-to-israel-lam-vao-the-roi-ren-tintuc453006