Thủ tướng Anh đề nghị lùi hạn chót rời khỏi EU

Trong hôm 20/3, Thủ tướng Anh Theresa May đã chính thức đề nghị tạm hoãn việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) 'trong một thời gian ngắn'. Nguồn tin từ Phố Downing cho hay bà không tìm cách kéo dài thời gian do hàng loạt các vị Bộ trưởng trong Nội các dọa sẽ từ chức nếu bà làm vậy.

Hạn chót Brexit có thể bị rời tới cuối tháng 6 năm nay. Nguồn: Reuters.

Hạn chót Brexit có thể bị rời tới cuối tháng 6 năm nay. Nguồn: Reuters.

Kéo dài đến hết tháng 6

Theo đó, bà May sẽ tìm cách kéo dài khoảng thời gian thực hiện Điều 50 Hiệp ước Lisbon trong một bức thư gửi tới Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk ngay trước một cuộc họp thượng đỉnh tổ chức tại Brussels, bắt đầu từ hôm 21/3. Hội nghị thượng đỉnh này tập trung vào việc thảo luận về đề nghị của Anh. Quyết định kéo dài thời hạn chót rời khỏi EU - dự kiến cho tới ngày 30/6 năm nay - đã làm dấy lên nhiều phản ứng từ các Bộ trưởng và nghị sỹ thuộc đảng Bảo thủ cầm quyền.

Trong khi đó, tại Brussels, đã có tín hiệu Brexit có thể kéo dài trong khoảng 9 tháng hoặc hơn nữa. Ông Michel Barnier - trưởng đoàn đàm phán về Brexit của EU, cảnh báo bà May rằng nếu bà muốn kéo dài thời hạn chót, bà sẽ phải đưa ra được một “kế hoạch chắc chắn” nhằm chấm dứt tình trạng bất ổn trong Quốc hội Anh.

Ông Jean-Claude Juncker - Chủ tịch Ủy ban châu Âu, cũng cảnh báo rằng, giới lãnh đạo EU khó có thể chấp nhận việc trì hoãn Brexit trong cuộc họp thượng đỉnh bắt đầu tổ chức từ hôm thứ Năm, bởi tình trạng bất ổn hiện tại ở Anh. Phát biểu với đài phát thanh Đức, ông Juncker đề nghị rằng EU sẽ chờ đợi để xem liệu bà May có nhận được sự ủng hộ từ Quốc hội Anh trong lần bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit thứ ba hay không.

“Bà Theresa May vẫn chưa được Nội các và Quốc hội chấp thuận bất cứ điều gì”- ông Juncker nói - “Bởi vậy, khi chưa thấy nước Anh nói “có”, chúng tôi khó có thể đưa ra một quyết định”.

Thời hạn chót để hoàn thành Brexit hiện nay là ngày 29/3, trong khi đó thỏa thuận Brexit mà bà May đệ trình Quốc hội đã 2 lần bị bác bỏ thẳng thừng. Hiện nay, vị trí của bà May đã cực kỳ suy yếu, và chức vị Thủ tướng của bà sẽ bị đe dọa nghiêm trọng nếu buộc phải kéo dài thời hạn chót Brexit.

Vì lý do này, bà May chỉ tìm cách kéo dài Brexit trong “một khoảng thời gian ngắn” để tranh thủ sự ủng hộ của các vị Bộ trưởng trong Nội các. Trong một cuộc họp Nội các tổ chức hôm thứ Ba vừa qua, các vị Bộ trưởng có tư tưởng thân EU tuyên bố rằng, trong trường hợp Brexit bị kéo dài vô thời hạn, họ sẽ từ chức.

Sức ép ghê gớm

Hiện nay, bà May cũng đã nêu khả năng kéo dài vô thời hạn Điều 50 của Hiệp ước Lisbon để gây sức ép đối với những người chỉ trích bà, ngay trước cuộc bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit lần thứ ba tổ chức trong tuần tới. Theo kế hoạch hiện nay, thời hạn chót để Anh rời khỏi EU sẽ là vào cuối tháng 6, trừ khi các nghị sỹ trong đảng Bảo thủ cầm quyền thay đổi quyết định trong những ngày tới đây.

Theo giới chuyên gia, quyết định kéo dài thời hạn Brexit như hiện nay sẽ chỉ cho bà May thêm chút thời gian để tìm đường cho thỏa thuận Brexit của bà được thông qua.

Hôm 12/3, Quốc hội Anh bỏ phiếu chống thỏa thuận Brexit của bà May. Vào ngày 13/3, Quốc hội tiếp tục bỏ phiếu chống với viễn cảnh Brexit không có thỏa thuận. Ngày 14/3, Quốc hội Anh nhất trí để bà May đề nghị EU cho hoãn Brexit.

Sau đó, bà May tiếp tục thuyết phục các nghị sỹ chống đối “nghĩ lại” và đề nghị Hạ viện tổ chức một cuộc bỏ phiếu khác đối với thỏa thuận Brexit vào ngày 19/3.

Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, bà May có khả năng không thể đạt được dự định. Với tình thế này, bà buộc phải đề nghị EU cho hoãn Brexit trong một thời gian dài, có thể là nhiều tháng, hoặc thậm chí là hơn 1 năm.

“Sự việc này chỉ có thể đảo ngược nếu như có đủ nghị sỹ trong Quốc hội ủng hộ thỏa thuận Brexit trong cuộc bỏ phiếu sắp tới. Bằng không, chúng tôi phải xin một thời hạn chót mới cho Brexit, và chắc chắn là phần lớn các nghị sỹ không ủng hộ điều này” - một nghị sỹ giấu tên nói với Hãng FT.

Hiện nay, ngoài việc điều chỉnh các điều khoản rời khỏi EU, thỏa thuận của bà May có thể đưa Anh ra khỏi thị trường đơn lẻ và liên minh hải quan EU và các chính sách thủy sản và nông nghiệp chung cũng như quyền tài phán của Tòa án Công lý Châu Âu vào cuối giai đoạn cho tới khi một thỏa thuận thương mại mới được chấp thuận.

Khánh Duy

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-te/thu-tuong-anh-de-nghi-lui-han-chot-roi-khoi-eu-tintuc432533