Thủ tướng Abe từ chức, nhưng Abenomics sẽ ở lại

Các nhà quan sát nói rằng chính sách kinh tế mang thương hiệu Thủ tướng Shinzo Abe vẫn sẽ ở lại sau khi ông từ chức, và những vấn đề nó tạo ra cũng vậy.

 Abenomics từng được kỳ vọng sẽ đem lại sự tăng trưởng thần kỳ cho nền kinh tế Nhật Bản. Ảnh: Getty.

Abenomics từng được kỳ vọng sẽ đem lại sự tăng trưởng thần kỳ cho nền kinh tế Nhật Bản. Ảnh: Getty.

Bà Komaki Fujii mở nhà hàng chay ở trung tâm thủ đô Tokyo, Nhật Bản, vào năm 2013, và triển vọng khi đó rất sáng sủa.

Thời điểm đó, Thủ tướng Shinzo Abe vừa mới nhậm chức được vài tháng, hứa hẹn thực hiện một cuộc cải cách táo bạo giúp thúc đẩy nền kinh tế trì trệ của đất nước và thay đổi cách thức kinh doanh.

Giờ đây, ông Abe chuẩn bị rút lui khỏi chính trường với nhiều lời hứa chưa được thực hiện. Điều đó sẽ khiến Nhật Bản càng khó phục hồi hơn sau tác động của Covid-19: đại dịch vốn đã khiến nền kinh tế lớn thứ ba thế giới thu lại với tốc độ nhanh nhất kể từ sau Thế chiến II.

Người tiếp quản vị trí của ông Abe sẽ phải đối mặt với thực tế rằng những thành tựu kinh tế mà Nhật Bản chật vật mới có được trong 8 năm qua đã tiêu tan sau khi đại dịch Covid-19 quét qua.

Ba nền tảng của Abenomics là nới lỏng định lượng, kích thích tài khóa và cải cách cơ cấu. Nhưng cho đến nay, nhiều người dân Nhật Bản vẫn hoài nghi về tính hiệu quả của các chính sách kinh tế này, đơn cử như bà Fujii.

“Tôi không biết Abenomics có phải là câu trả lời đúng cho bài toán cải tổ kinh tế Nhật Bản hay không”, bà Fujii nói qua điện thoại từ cửa hàng của mình ở quận Akihabara, một trong những địa điểm tại Tokyo bị đại dịch Covid-19 tàn phá vào tháng 2.

Bà không đổ lỗi cho chính quyền ông Abe về những khó khăn hiện tại, nhưng bà không chắc họ xứng đáng nhận mọi công trạng cho thành tựu trong quá khứ.

Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền sẽ chọn ra người thay thế Thủ tướng Abe vào tháng 9. Đảng này nhiều khả năng vẫn sẽ bám vào những phiên bản của Abenomics, vốn sẵn sàng trải qua lạm phát, tăng chi tiêu của chính phủ và thay đổi cách thức hoạt động của bộ máy hành chính lẫn các tập đoàn tư nhân.

“Ông Abe từ chức đột ngột đến nỗi không ai trong chính phủ có chương trình nghị sự, chiến lược hay bất kỳ kế hoạch nào về cách để tiếp tục vận hành bộ máy chính quyền”, giáo sư danh dự về khoa học chính trị Gerald L. Curtis tại Đại học Columbia cho biết.

“Những nhà lãnh đạo mới của Nhật Bản sẽ làm mọi cách để vực dậy nền kinh tế thời kỳ hậu Covid-19. Nhưng tôi không nghĩ họ sẽ triển khai những ý tưởng mới hay những chính sách mới. Bất kể là ai tiếp quản vị trí của ông Abe thì nhiều khả năng cũng sẽ tiếp nối các chính sách của người tiền nhiệm”, giáo sư Curtis nhận xét.

Thành tích dang dở

Nhà quan sát Nobuko Kobayashi thuộc hãng kiểm toán Ernst & Young, chi nhánh Tokyo, nhận xét: “Thị trường đang hưng phấn, tỷ lệ thất nghiệp thấp, đó đều là những dấu hiệu tốt cho nền kinh tế. Dù vậy, rất khó để chỉ ra đâu là đóng góp của ông Abe”.

Về mặt tích cực, ông Abe đã sắp xếp tại các ngân hàng nhà nước, giúp người dân có thể vay với lãi suất thấp. Trên cơ sở đó, nền kinh tế nước Nhật đã thoát khỏi nhiều thập kỷ trì trệ và thị trường chứng khoán đã có nhiều cải thiện nhất định.

Thủ tướng Abe được đánh giá sẽ ra đi với một di sản dang dở. Ảnh: Flickr.

Tuy nhiên, nhiều nỗ lực khác của ông không thực sự phát huy tác dụng.

Nhật Bản hiện vẫn là một quốc gia thịnh vượng, một cường quốc xuất khẩu nhưng phải đối mặt nhiều thách thức dài hạn.

Mức nợ công của Nhật Bản đứng đầu trong số các nền kinh tế phát triển. Bên cạnh đó, dân số già đang đẩy quốc gia Đông Á này vào tình trạng thiếu hụt lao động, tạo áp lực lên mạng lưới an sinh xã hội.

Để bù vào số ngân sách công được bơm vào thị trường, Thủ tướng Abe lại tăng gấp đôi thuế tiêu dùng.

Lời hứa của ông Abe về cải cách cơ cấu cũng không đem lại kết quả như kỳ vọng. Ông nói về việc thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào thị trường lao động, song vị thế của họ đã không được cải thiện nhiều. Những nỗ lực nhằm thay đổi văn hóa quản trị của các công ty nước này cũng không thực sự phát huy hiệu quả.

Ông Abe đột ngột tuyên bố từ chức vì căn bệnh mạn tính tái phát. Ảnh: AP.

Khi ông Abe lần thứ hai bước vào vị trí thủ tướng, kinh tế Nhật Bản đang trong tình trạng ảm đạm sau nhiều thập kỷ đình trệ, lại chịu tác động từ cuộc khủng hoảng kép của trận động đất năm 2011 và thảm họa hạt nhân Fukushima.

Ngay sau khi nhậm chức, Thủ tướng Abe ủng hộ chính sách thiết lập lãi suất âm, mở rộng chi tiêu chính phủ và điều chỉnh lại tỷ giá của đồng yen, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa ở mức giá thấp.

Ông Abe tuyên bố rằng những động thái nêu trên sẽ phù hợp với các khoản chi tiêu lớn mà chính phủ Nhật Bản tập trung vào việc chuẩn bị cho Thế vận hội Tokyo 2020. Khi tiền đổ vào nền kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp giảm trong khi nguồn thu của các ngành du lịch, đầu tư, bất động sản và thị trường tài chính tăng lên.

Về ngoại thương, ông Abe tìm cách giảm thuế và tăng khả năng tiếp cận thị trường nước ngoài của các mặt hàng Nhật Bản.

Bước đột phá hay vận may nhất thời?

Một số nhà quan sát nhận định rằng những chiến lược của ông Abe phát huy hiệu quả chủ yếu nhờ hoàn cảnh và thời gian phù hợp.

Trong khoảng thời gian Thủ tướng Abe nắm quyền, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh, kéo theo sự gia tăng nhu cầu nhập khẩu vật tư sản xuất từ Nhật Bản, giúp ngành này phát triển nhanh chóng.

Bên cạnh đó, ngành dịch vụ Nhật Bản cũng hưởng lợi từ việc nền kinh tế Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ, khi khách du lịch Trung Quốc đóng góp một phần đáng kể trong tổng thu nhập của ngành du lịch Nhật Bản.

Sự tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc được cho có tác động to lớn đối với sự hiệu quả của Abenomics. Ảnh: Getty.

Đến cuối năm 2019, nền kinh tế Nhật Bản có dấu hiệu suy thoái khi nhu cầu tiêu dùng của thế giới đi xuống, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Nhật Bản.

Lúc Covid-19 bùng phát, chứng kiến mức tăng trưởng âm trong hai tháng liên tiếp. Dịch bệnh khiến nước này phải hoãn Thế vận hội Tokyo 2020, tạm ngưng các hoạt động du lịch và làm đình trệ nhiều ngành dịch vụ.

GDP của Nhật Bản đã giảm 27,8% trong quý II sau khi chính phủ ban bố tình trạng giãn cách xã hội để ứng phó với đại dịch Covid-19.

Các báo cáo cho thấy kinh tế đã phần nào vực dậy trong tháng 6, song mức tiêu thụ nhanh chóng giảm lại sau khi dịch tái bùng phát, khiến nhiều địa phương phải áp dụng hình thức cách ly xã hội trở lại.

Tình trạng cách ly xã hội khiến Nhật Bản chìm sâu vào khủng hoảng kinh tế. Ảnh: AFP.

Ông Takuji Okubo, Giám đốc khu vực Bắc Á của Economist Corporate Network, cho rằng trong lúc kinh tế Nhật Bản khủng hoảng, thủ tướng kế nhiệm “cần phải chọn một hướng đi khác”.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích không mấy hy vọng người lãnh đạo mới sẽ có đối sách táo bạo nhằm đương đầu với thách thức của đại dịch. Ông Abe chưa có người kế nhiệm rõ ràng, và tân thủ tướng nhiều khả năng cũng không thể đưa ra giải pháp thay thế. (Ứng viên sáng giá nhất cho vị trí thủ tướng tiếp theo, Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga gần như chắc chắn sẽ tiếp tục các chính sách của ông Abe).

Chuyên gia kinh tế Izumi Devalier tại Ngân hàng BofA Securitites nhận định: “Trước mắt, tân thủ tướng nên tập trung củng cố quyền lực đồng thời đảm bảo thị trường và nền kinh tế luôn nhận được sự hậu thuẫn từ chính phủ, ngắn gọn là tiếp tục duy trì tình trạng hiện tại”.

Đại dịch đã đẩy công việc kinh doanh của bà Devalier vào tình cảnh khó khăn. Văn phòng của bà phải đóng cửa trong hai tháng liền vì cả khách hàng lẫn nhân viên đều biến mất.

“Ngay cả khi ông Abe rời nhiệm sở, những vấn đề mà ông ấy tạo ra vẫn sẽ tồn đọng lại”, bà Devalier nói.

Đại Hoàng
Theo New York Times

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thu-tuong-abe-tu-chuc-nhung-abenomics-se-o-lai-post1127298.html