Thủ tục xin visa kỹ năng đặc định loại 1 vào Nhật Bản

Năm 2020 là thời điểm chính phủ và các doanh nghiệp (DN) tại Nhật Bản tiến đến những công đoạn cuối cùng để hoàn thiện tư cách lưu trú mới visa kỹ năng đặc định (KNĐĐ) cho người lao động (NLĐ) nước ngoài

Theo đó, visa KNĐĐ loại 1 sẽ được ra mắt trước vì vậy việc tìm hiểu điều kiện, thủ tục hồ sơ và đăng kí tham gia là cực kì cần thiết.

Điều kiện để có được tư cách KNĐĐ loại 1 gồm: Tiếng Nhật phải có trình độ tương đương N5 hoặc N4; phải vượt qua 1 kỳ thi kỹ năng do cơ quan Nhật Bản tổ chức. Thời hạn lưu trú là 5 năm, không bảo lãnh vợ con.

NLĐ phải trên 18 tuổi. Đã đỗ và có giấy chứng nhận kỳ thi kiểm tra KNĐĐ và trình độ tiếng Nhật. Đối với tu nghiệp sinh đã hoàn thành kỳ thi kỹ năng thực tập bậc 2 thì được miễn thi. Visa KNĐĐ không chấp nhận những du học sinh bị đuổi học vì hạnh kiểm không tốt, đi học không đủ buổi, những thực tập sinh (TTS) bỏ trốn, những người đang ở Nhật với tư cách lưu trú tị nạn, những TTS chưa hoàn thành xong chương trình.

Người lao động có nhu cầu ra nước ngoài làm việc theo diện kỹ năng đặc định hiện rất lớn

Người lao động có nhu cầu ra nước ngoài làm việc theo diện kỹ năng đặc định hiện rất lớn

Visa KNĐĐ loại 1 là visa dành cho các đối tượng nước ngoài bao gồm những người đang làm việc tại Nhật Bản và cả những người đang sống ngoài Nhật Bản. Tuy nhiên, những người đã hoàn thành chương trình TTS Nhật Bản 3 năm sẽ đều được miễn kỳ thi kiểm tra kỹ năng và tiếng Nhật.

Có 14 ngành nghề được tiếp nhận KNĐĐ loại 1 gồm: xây dựng, đóng tàu, sửa chữa ôtô, hàng không, khách sạn, điều dưỡng, dọn dẹp vệ sinh, nông nghiệp, ngư nghiệp, chế biến đồ uống, nhà hàng, chế biến nguyên liệu, chế tạo máy, các ngành liên quan đến điện tử.

Sau khi ký kết hợp đồng với công ty Nhật, NLĐ nước ngoài sẽ phải tham gia buổi giới thiệu công ty, cũng như được hướng dẫn thủ tục cần thiết do cơ quan tiếp nhận tổ chức và đi khám sức khỏe. Tùy vào NLĐ thuộc đối tượng nào mà thủ tục xin visa sẽ khác nhau.

Đối với NLĐ đang sống bên ngoài Nhật Bản, sau khi ký xong hợp đồng với phía công ty Nhật Bản, phía đại diện công ty sẽ lo phần xin giấy phép nhập cảnh cho NLĐ. Sau khi có giấy phép, phía công ty sẽ gửi tư cách lưu trú mới này cho NLĐ, NLĐ sẽ phải mang giấy này lên Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán Nhật Bản ở nước sở tại để xin visa. Sau khi có được visa thì NLĐ sẽ đến Nhật làm việc.

Đối với trường hợp NLĐ đang làm việc, học tập tại Nhật Bản (bao gồm du học sinh, TTS nước ngoài) thì sau khi được nhận vào làm tại Nhật Bản, NLĐ sẽ phải tự chuẩn bị hồ sơ cần thiết và trực tiếp đi lên cục xuất nhập cảnh địa phương nơi đang sống để chuyển đổi sang visa KNĐĐ loại 1. Sau khi hoàn thành thủ tục chuyển đổi visa bạn sẽ bắt đầu làm việc tại xí nghiệp mới.

Tin-ảnh: G.Nam

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/thu-tuc-xin-visa-ky-nang-dac-dinh-loai-1-vao-nhat-ban-20200428135025141.htm