Thủ tục và nghi thức đón Nguyên thủ Quốc gia có được quốc tế quy định không?

Nghi lễ ngoại giao có cơ sở xuất phát từ các quy tắc của phép lịch sự quốc tế. Vì thế, không có luật quốc tế nào bằng văn bản hay bằng miệng có thể bắt buộc các nước phải tôn trọng và đón tiếp Nguyên thủ quốc gia các nước trong chuyến thăm viếng chính thức phải giống nhau.

Thủ tục và nghi thức đón Nguyên thủ quốc gia có được quốc tế quy định không?

Thủ tục và nghi thức đón Nguyên thủ quốc gia có được quốc tế quy định không?

Mỗi quốc gia có những quy định riêng tiếp đón các vị khách nước ngoài theo từng cấp bậc khác nhau và căn cứ vào thực tế hiện hành trên thế giới, truyền thống dân tộc, tập quán địa phương…

Trong việc đón tiếp các đoàn khách nước ngoài, mỗi nước đều mong muốn bày tỏ thái độ nhiệt tình, trọng thị đối với khách, nhưng cách thể hiện thì không hoàn toàn giống nhau. Ngay đối với các đoàn Nguyên thủ, thủ tục lễ tân áp dụng cũng có những điểm khác nhau giữa nước này với nước khác.

Địa điểm đón, tiễn: Có nước tổ chức ở sân bay, có nước tổ chức ở trung tâm thành phố, trước dinh Tổng thống, trong dinh Thủ tướng hoặc tại một quảng trường.

Về mức độ đón, tiễn: Có nước chủ chính đón và tiễn; có nước chủ chính đón, nhưng cấp thấp hơn tiễn; có nước tổ chức lễ đón với đầy đủ nghi thức nhưng tiễn làm rất đơn giản không có nghi thức hoặc thậm chí không tổ chức lễ tiễn chính thức.

Về tặng hoa: Có nước không có tập quán, hoặc chỉ tặng hoa cho khách là nữ; có nước tặng bó hoa, có nước tặng dây hoa quàng vào cổ; có nước do chủ chính tặng khách chính; có nước do phu nhân của chủ chính tặng khách chính, có nước do thiếu nữ hoặc thiếu nhi tặng; có nước tặng cho các đoàn viên quan trọng, có nước chỉ tặng cho trưởng đoàn; có đoàn chủ động đề nghị với nước chủ nhà chỉ tặng cho trưởng đoàn và phu nhân trưởng đoàn.

Về bắn đại bác chào mừng: Nhiều nước đã bỏ tập quán này. Có nước bắn 21 loạt đối với cấp Nguyên thủ, không bắn đối với cấp Thủ tướng hoặc nếu có bắn thì cũng chỉ 19 loạt. Có nước bắn chào mừng lúc khách chính bắt đầu xuất hiện ở cầu thang máy bay, có nước bắn trong khi quân nhạc cử quốc thiều. Nói chung, trong lễ đón các nước đều cử quốc thiều hai nước nhưng cũng có nước chỉ cử quốc thiều nước khách.

Về duyệt đội danh dự: Có nước chủ chính hướng dẫn khách đi duyệt, có nước chỉ một viên chỉ huy quân sự đi cùng. Có nước chủ chính và khách đi cùng hàng, có nước khách đi trước chủ đi sau, có nước viên chỉ huy quân sự đi giữa, chủ chính đi phía ngoài, khách chính đi phía trong. Có nước không có nghi thức duyệt đội danh dự đối với cấp Thủ tướng, có nước tổ chức duyệt chỉ với đơn vị danh dự gồm một quân chủng (đối với cấp Nguyên thủ đơn vị danh dự gồm 3 quân chủng). Cá biệt có nước có kỵ binh tham gia nghi thức đón tiễn.

Về mời Đoàn Ngoại giao dự đón, tiễn: Phần lớn các nước đã bỏ tập quán mời Đoàn Ngoại giao. Một số ít nước có mời lúc đón, không mời lúc tiễn. Có nước chỉ mời Trưởng Đoàn Ngoại giao hoặc mời đại diện ngoại giao một số nước trong khu vực nước khách thăm.

Về chiêu đãi: Phần lớn các nước không mời Đoàn Ngoại giao tham dự. Nhiều nước tổ chức tiệc tối, có nước tổ chức tiệc trưa, ngày càng ít thấy dùng chữ quốc yến trong chương trình đón tiếp (thường hay dùng trong trường hợp Vua hay Nữ hoàng chiêu đãi). Một số nước có thủ tục cử quốc thiều hai nước khi chiêu đãi. Có nước khách và chủ không đọc diễn văn, có nước hai bên đọc diễn văn hoặc phát biểu ngắn chúc rượu, phát biểu trước, giữa hoặc cuối bữa tiệc là theo tập quán từng nước.

Về huy động quần chúng tham gia đón, tiễn: Có nước huy động đón ở sân bay, có nước huy động đón ở các cụm dọc đường hoặc ở trước nơi tổ chức Lễ đón chính thức.

Về mít tinh chào mừng: Nhiều nước không tổ chức, có nước tổ chức ở hội trường, có nước tổ chức ở nhà máy, trường học, xí nghiệp… Xu hướng chung hiện nay là không tổ chức mít tinh chào mừng và không huy động quần chúng tham gia đón, tiễn các đoàn khách quốc tế, kể cả các đoàn Nguyên thủ.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thu-tuc-va-nghi-thuc-don-nguyen-thu-quoc-gia-co-duoc-quoc-te-quy-dinh-khong-125449.html