Buôn lậu, gian lận trên môi trường thương mại điện tử ngày càng tinh vi

Thương mại điện tử (TMĐT) đóng vai trò quan trọng trong giao thương, đem lại hiệu quả kinh tế cho rất nhiều ngành nghề kinh doanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, hành vi buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên không gian mạng được phát hiện ngày càng gia tăng, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.

Hàng giả tràn lan trên sàn thương mại điện tử

TMĐT đã và đang phát triển mạnh mẽ góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường tiềm năng nhất khu vực ASEAN. Tuy nhiên, song hành với những cơ hội phát triển, Việt Nam cũng gặp không ít những thách thức trong việc xây dựng thị trường TMĐT lành mạnh. Theo dự báo của Bộ Công thương, trong thời gian 2-3 năm tới, tỷ lệ gian lận thương mại trên TMĐT sẽ chiếm tới 50 - 60% so với tổng thể các hình thức gian lận thương mại nói chung.

Đến nay, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã phát hiện, bắt giữ hàng loạt vụ tập kết, vận chuyển mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng mà các đối tượng chủ yếu lợi dụng hình thức livestream trên mạng xã hội để tiêu thụ.

Chỉ tính riêng trong năm 2021, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra 227 vụ việc, phạt hành chính hơn 3,7 tỷ đồng. Hành vi vi phạm chủ yếu là hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Lực lượng quản lý thị trường khám xét kho hàng không rõ nguồn gốc được giao bán qua thương mại điện tử. Ảnh: CTV

Theo ông Chu Xuân Kiên - Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội cho biết, mới đây, đơn vị tiến hành kiểm tra 3 kho hàng hóa của Công ty TNHH Mr. Drink Việt Nam (có địa chỉ tại tầng 1 căn nhà V1-A03 thuộc dự án The Terra An Hưng, phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội) do ông Nguyễn Hữu Toàn làm chủ, đơn vị đã phát hiện, thu giữ hàng tấn nguyên liệu chế biến trà sữa như trân châu, siro hương vị đường đen và đường nâu, bột pha trà sữa mang thương hiệu royal tea, gongcha...

Toàn bộ số hàng hóa tại cơ sở này chủ yếu được tiêu thụ thông qua nền tảng TMĐT, giao hàng tận nơi. Chủ cơ sở này rất nhiều lần né tránh việc kiểm tra của lực lượng chức năng và còn để lẫn hàng hóa có giấy tờ với không giấy tờ để gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát.

Đặc biệt, vào ngày 22/6/2021, lực lượng QLTT và Công an TP Hà Nội tổng tấn công vào 8 kho hàng, cơ sở kinh doanh, livestreams bán mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thời trang và gia dụng không rõ nguồn gốc liên tỉnh Hà Nội, Hưng Yên. Các cơ sở này chủ yếu kinh doanh trên nền tảng TMĐT.

Theo đó, lực lượng QLTT đã thu giữ khoảng 40 tấn hàng gồm 123.425 sản phẩm mang dấu hiệu vi phạm. Cụ thể, tại địa bàn Hưng Yên, hàng hóa chủ yếu được tiêu thụ qua các nền tảng TMĐT, đặc biệt là livestream bán hàng qua các fanpage “Chego Shop - Thế giới hàng Nhật”, “Chego hàng Nhật EU” và giao dịch thông qua các ứng dụng trên điện thoại như Zalo, Viber.

Tăng cường các biện pháp chống gian lận qua thương mại điện tử

Để chủ động phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm, góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho thương mại phát triển bền vững, ông Lê Thanh Hải - Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã ban hành Kế hoạch tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động TMĐT.

“Công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động TMĐT là một nhiệm vụ mới, phức tạp, đòi hỏi các cơ quan chức năng nhận thức rõ bản chất của TMĐT, cũng như nhận diện các hành vi vi phạm, để có giải pháp phòng ngừa, xử lý hiệu quả. Đồng thời, đối với người tiêu dùng, cần bỏ thói quen sử dụng hàng nhái, hàng giả, vì biết là hàng giả, hàng nhái mà vẫn mua là tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật, cũng như làm giàu cho những người kinh doanh bất chính”- ông Hải nêu quan điểm.

Ông Lê Đức Anh - Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục TMĐT và Kinh tế số - Bộ Công thương) cũng cho biết, hiện nay các cơ quan chức năng cũng như doanh nghiệp đang chung tay kiểm soát chặt hàng giả, hàng lậu trên môi trường TMĐT, nhưng tình trạng vi phạm vẫn diễn ra phổ biến.

Thời gian qua, Tổng cục Quản lý thị trường cũng như Cục TMĐT và Kinh tế số đã phối hợp và triển khai được rất nhiều vụ thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trên các sàn TMĐT và thấy được, các đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng nhái có nhiều thủ đoạn rất tinh vi. Các đối tượng có thể khởi tạo gian hàng và chỉ chạy trong một đợt, sau đó sẽ có những chương trình giảm giá đặc biệt như giá 1.000 đồng, giá 0 đồng…; nhưng khi hết chương trình, họ đóng gian hàng và cũng biến mất luôn.

Để phòng ngừa vi phạm, ông Lê Đức Anh cho biết thêm, hiện nay tất cả các sàn TMĐT khi đăng ký website TMĐT với Bộ Công thương đều phải có chứng minh thư, căn cước công dân hoặc mã số thuế. Tuy nhiên, số lượng người bán lẻ trên các sàn TMĐT sử dụng chứng minh thư, căn cước công dân giả rất nhiều.

Cục TMĐT và Kinh tế số đang tiến hành ký thỏa thuận hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân (Bộ Công an) nhằm hợp tác triển khai ứng dụng liên quan đến công nghệ để có thể định danh một chủ thể khi tham gia bán hàng trên sàn TMĐT. Từ đó, từng bước kiểm soát, ngăn chặn, xử lý kịp thời những đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng nhái trên các sàn TMĐT.

Bên cạnh đó, Cục TMĐT và Kinh tế số cũng đang làm việc với Ngân hàng Nhà nước triển khai nền tảng liên quan đến hệ thống đảm bảo giao dịch với đối tác, phối hợp các trung tâm thanh toán để giải quyết bài toán hạn chế tỷ lệ lừa đảo, giúp môi trường TMĐT tốt hơn./.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/buon-lau-gian-lan-tren-moi-truong-thuong-mai-dien-tu-ngay-cang-tinh-vi-99208.html