Thủ tục đăng ký hoạt động cho tàu, thuyền du lịch

Qua Hệ thống Tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Công ty TNHH Du lịch THP (Đà Nẵng) hỏi: Thuyền, cano có sức chở dưới 10 người, máy nổ dưới 5hp dùng để chở khách du lịch trong vịnh, ao hồ có cần lập hồ sơ thiết kế không, đăng ký hoạt động ở cơ quan nào và thủ tục như thế nào?

Về vấn đề này, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải trả lời như sau:

Điều kiện kinh doanh vận tải hàng khách theo tuyến cố định, điều kiện kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng chuyến và điều kiện kinh doanh vận chuyển khách du lịch được quy định tại Nghị định số 128/2018/NĐ-CP ngày 24/9/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực đường thủy nội địa.

Phương tiện phải có giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với phương tiện thuộc diện đăng kiểm), phải bảo đảm còn niên hạn sử dụng; phải có đủ chỗ cho người ngồi cân bằng trên phương tiện và có đủ áo phao hoặc dụng cụ cứu sinh cho số người được phép chở trên phương tiện.

Các phương tiện của Công ty TNHH Du lịch THP là loại phương tiện có động cơ công suất dưới 5 sức ngựa, sức chở dưới 10 người. Theo Luật Giao thông đường thủy nội địa thì phương tiện phải đăng ký.

Trình tự, thủ tục đăng ký phương tiện được quy định tại Thông tư số 75/2014/TT-BGTVT ngày 19/12/2014 của Bộ Giao thông vận tải quy định về đăng ký phương tiện thủy nội địa. Hiện nay, công tác đăng ký phương tiện thủy nội địa được phân cấp về Sở Giao thông vận tải, do đó đề nghị Công ty TNHH Du lịch THP liên hệ với Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng để thực hiện đăng ký phương tiện theo quy định.

Các phương tiện của Công ty TNHH Du lịch THP là loại phương tiện có động cơ công suất dưới 5 sức ngựa, sức chở dưới 10 người. Theo Luật Giao thông đường thủy nội địa thì phương tiện được phân thành 2 loại như sau:

- Phương tiện có động cơ công suất dưới 5 sức ngựa, sức chở dưới 5 người: Phương tiện loại này được quy định tại Khoản 3 Điều 24 Luật Giao thông đường thủy nội địa, không thuộc diện đăng kiểm.

- Phương tiện có động cơ công suất dưới 5 sức ngựa, sức chở từ 5 người đến dưới 10 người: Phương tiện loại này được quy định tại Khoản 2 Điều 24 của Luật Giao thông đường thủy nội địa, thuộc diện phải đăng kiểm. Trình tự, thủ tục đăng kiểm phương tiện được quy định tại Thông tư số 48/2015/TT-BGTVT ngày 22/9/2015 của Bộ Giao thông vận tải quy định về đăng kiểm phương tiện thủy nội địa.

Người điều khiển phương tiện phải có bằng hoặc giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn phù hợp với chức danh, loại phương tiện quy định tại Thông tư số 56/2014/TT-BGTVT ngày 24/10/2014 quy định thi, kiểm tra, cấp, cấp lại, chuyển đổi GCNKNCM, CCCM thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa và đảm nhiệm chức danh thuyền viên phương tiện thủy nội địa và Thông tư số 02/2017/TT-BGTVT ngày 20/1/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 56/2014/TT-BGTVT ngày 24/12/2014; Thông tư số 47/2015/TT-BGTVT ngày 14/9/2015 quy định phạm vi trách nhiệm của thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa và định biên an toàn tối thiểu trên phương tiện thủy nội địa và Thông tư số 04/2017/TT-BGTVT ngày 20/1/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 47/2015/TT-BGTVT ngày 14/9/2015.

Chinhphu.vn

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/tra-loi-cong-dan/thu-tuc-dang-ky-hoat-dong-cho-tau-thuyen-du-lich/357401.vgp