Thủ tục cho làm con nuôi nước ngoài: Chặt chẽ thủ tục để tạo sự bình đẳng

Đây là nội dung xuyên suốt dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi do Bộ Tư pháp đang xây dựng, đưa ra lấy ý kiến.

Lễ giao nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài.

Sau hơn 6 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, theo Bộ Tư pháp, việc thực hiện Nghị định số 19/2011/NĐ-CP đã bộc lộ những bất cập, hạn chế nhất định trong bối cảnh các văn bản quy phạm pháp luật trong nước mới được ban hành và Việt Nam đã trở thành thành viên của Công ước La Hay số 33 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế.

Phó Cục trưởng Cục Con nuôi (Bộ Tư pháp) Phạm Thị Kim Anh cho biết, một số quy định không phù hợp với thực tiễn, gây cản trở công tác giải quyết việc nuôi con nuôi. Cụ thể: Khoản 1 Điều 3 quy định quy định một số bệnh ở dạng nhẹ (thoát vị rốn, bụng, bẹn) và không rõ mức độ (bệnh về máu) được giải quyết đích danh, dẫn đến hiện tượng lạm dụng để giải quyết cho làm con nuôi nước ngoài, không bảo đảm trẻ em có cơ hội được nhận làm con nuôi trong nước. Quy định tại Điều 4 về hỗ trợ nhân đạo cho việc nuôi dưỡng trẻ em chưa phù hợp với thực tiễn và chưa quy định cụ thể về hình thức hỗ trợ khác. Trên thực tế ít phát sinh các hình thức hỗ trợ nhân đạo bằng chương trình, dự án, mà chỉ phát sinh các khoản hỗ trợ nhân đạo một lần, riêng lẻ dưới dạng tiền hoặc hiện vật.
Quy định tại Điều 11 về chỉ định cơ sở nuôi dưỡng cho trẻ em làm con nuôi người nước ngoài dẫn đến thực trạng phân biệt giữa cơ sở nuôi dưỡng công lập và cơ sở nuôi dưỡng ngoài công lập (do trên thực tế UBND cấp tỉnh rất ít khi chỉ định cơ sở nuôi dưỡng ngoài công lập) và hạn chế quyền được nhận làm con nuôi của trẻ em sống ở các cơ sở không được chỉ định. Do đó, Dự thảo Nghị định đã sửa đổi, bổ sung Điều 3 theo hướng bãi bỏ những loại khuyết tật, bệnh tật dễ bị lạm dụng, quy định rõ một số bệnh về máu để đảm bảo chỉ những trẻ em bị khuyết tật hoặc mắc bệnh thực sự nặng mới được giải quyết cho làm con nuôi nước ngoài theo diện đích danh, ưu tiên giải quyết việc nuôi con nuôi trong nước đối với trẻ em khuyết tật, mắc bệnh thông thường, thể nhẹ.
Bên cạnh đó, Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung Điều 6 theo hướng không giao cho cơ sở nuôi dưỡng dựa trên tình hình sức khỏe của trẻ em mà chỉ giao trên thực tế nhu cầu cần tìm gia đình thay thế của trẻ em, lập và gửi cơ quan chủ quản danh sách và hồ sơ trẻ em để tìm gia đình thay thế. Cơ quan chủ quản gửi danh sách và hồ sơ trẻ em cho Sở Tư pháp để tạo cơ chế chia sẻ thông tin về trẻ cần tìm gia đình thay thế.
Bãi bỏ Điều 11 để bảo đảm không phân biệt giữa cơ sở nuôi dưỡng công lập và ngoài công lập, đồng thời bảo đảm sự bình đẳng về cơ hội được nhận làm con nuôi đối với trẻ em sống ở các cơ sở nuôi dưỡng khác nhau. Bãi bỏ quy định này không đồng nghĩa với việc giải quyết cho nuôi con nuôi một cách ồ ạt, không kiểm soát được nguồn gốc. Ngược lại, dù trẻ em sống ở bất kỳ cơ sở nuôi dưỡng nào thì công tác tiếp nhận cũng phải đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật và việc giải quyết cho làm con nuôi nước ngoài phải được thực hiện theo quy trình chặt chẽ.

Tuấn Phong

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/thu-tuc-cho-lam-con-nuoi-nuoc-ngoai-chat-che-thu-tuc-de-tao-su-binh-dang-325350.html