Thủ tục, chi phí vẫn làm khó doanh nghiệp

Chính phủ đang cố gắng và nỗ lực đưa ra nhiều phương án cắt giảm thủ tục cho người dân, DN hướng tới một nền hành chính phục vụ. Song thực tế theo phản ánh của DN, tình trạng 'tham nhũng vặt', 'chi phí không chính thức' vẫn đang là gánh nặng đè người dân và DN gây nhức nhối, bức xúc trong xã hội.

Doanh nghiệp làm thủ tục tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Doanh nghiệp làm thủ tục tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Doanh nghiệp vẫn kêu vướng
Nội dung đáng chú ý được đề cập tại Chỉ thị 10/CT-TTg về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, DN trong giải quyết công việc. Theo đó, nhằm ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, DN trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính, Chỉ thị 10 quy định sau khi tiếp nhận hồ sơ, các cơ quan Nhà nước không được yêu cầu DN, người dân bổ sung hồ sơ, tài liệu quá một lần.

TTHC giải quyết qua một cửa, nhưng thực tế vẫn còn nhiều cửa, nên cốt lõi của cải cách là yếu tố con người và công nghệ. Phát triển Chính phủ điện tử, triển khai dịch vụ công trực tuyến phải ở cấp độ 4 chứ hiện nay mới đề ra cấp độ 3 trở lên.
Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) Phan Đức Hiếu đánh giá, chi phí TTHC được xem là một gánh nặng đối với DN và người dân. Theo Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ TTHC năm 2018 (APCI 2018) được Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC công bố, DN Việt Nam đang mất khá nhiều thời gian và tiền bạc để thực hiện các thủ tục này. APCI 2018 cũng chỉ ra, trong 5 bước tính toán thực hiện TTHC thì bước chuẩn bị hồ sơ và chi phí cho nộp hồ sơ chiếm đến 55%. Tiếp đó, DN dành hơn 17% thời gian để chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ theo yêu cầu của cơ quan chức năng. “Như vậy, có thể thấy việc chuẩn bị hồ sơ của DN đang rất vất vả” - ông Hiếu ví dụ với người dân là thủ tục rườm rà, nhiêu khê trong xin thuê đất, xây dựng, làm sổ đỏ…; với DN thì thủ tục đầu tư dự án mới. Ông Hiếu cho rằng, cần nâng cao chất lượng văn bản pháp luật, tập trung cải cách TTHC bằng việc bãi bỏ các thủ tục không cần thiết, trùng lặp; đơn giản yêu cầu hồ sơ, giấy tờ; giảm tần suất thực hiện thủ tục…Trong Chỉ thị 10/CT- TTg, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan thực thi ở các bộ, ngành, địa phương cần rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục, đúng hẹn; ngăn chặn các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu… Thực hiện phải đi đôi với giám sátTheo phản ánh của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện tỷ lệ DN bị kiểm tra chồng chéo, trùng lặp, đặc biệt là kiểm tra của các bộ, vẫn còn khá nhiều. “Có nhiều cơ quan cùng quản lý một DN và nhiều quy định phức tạp chồng chéo không rõ ràng gây khó khăn cho DN và tạo điều kiện cho "tham nhũng vặt" phát triển. Cán bộ xuống DN không giúp đỡ DN thực hiện đúng pháp luật mà chỉ để hạch sách, nhũng nhiễu DN. Có những việc nên kiểm tra theo nhiệm vụ chuyên môn thì họ không làm mà chủ yếu "vạch lá tìm sâu". Ví dụ, với DN sản xuất, việc kiểm tra xuất xứ hàng hóa, đánh giá chất lượng, hóa đơn chứng từ thì cứ ra thị trường kiểm tra; phát hiện DN nào sai thì lập đoàn liên ngành kiểm tra DN chứ không cần đến DN mới kiểm tra được những vấn đề đó” - Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn bức xúc. Ông Tuấn kiến nghị năm 2019 và những năm tới, cần làm bài bản hơn trong việc rà soát các điều kiện gây khó khăn, cản trở thị trường.

Để góp sức cải cách TTHC, DN cần chủ động, tích cực tham gia, cần nói "không" với lót tay. Nếu DN vẫn đưa “phong bì” trong quá trình giải quyết TTHC, thì tác động tiêu cực đến tư tưởng, tinh thần của cán bộ Nhà nước.
Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam Nguyễn Văn Thân

Theo Tổng cục Thống kê, trong năm 2018, số DN tạm ngừng hoạt động lên tới 90.651, tăng 49,67% so với năm 2017. 3 tháng đầu năm 2019, lại có thêm 30.000 DN phải tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng hoạt động chờ giải thể. Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ khu vực DNNVV. Gần đây nhất, Bộ Tài chính đã công bố dự thảo một số chính sách giảm thuế thu nhập DN để hỗ trợ DNNVV. Theo đó, DNNVV có thể được giảm thuế suất thuế TNDN xuống còn 15 -17% (từ mức 25% áp dụng trước 1/7/2013, và 20% từ 1/7/2013). Trước đó, Bộ KH&ĐT đã đưa ra hàng loạt chính sách, đề án hỗ trợ DNNVV ở nhiều mặt, tập trung vào những nội dung thiết thực như phí, thuế, hỗ trợ tư vấn, pháp lý, sở hữu trí tuệ, đào tạo nhân lực. Tuy vậy, DN vẫn kêu khó khăn và các chính sách hỗ trợ hiện tại vẫn thiếu hiệu quả.Năm 2018, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) đã đánh giá phạm vi và mức độ thực hiện các chính sách hỗ trợ DNNVV của các nước ASEAN. Theo đó, Việt Nam thấp hơn mức trung bình của ASEAN trong 7 trên 8 cấu phần. Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung cho rằng, việc thực thi chính sách cần được đẩy mạnh, cần có thêm sự tham gia, tiếng nói và công sức của nhiều chủ thể khác như: Mặt trận Tổ quốc, các hiệp hội DN, tổ chức tài chính, chính quyền địa phương bao gồm cả người dân, DN và quan trọng nhất là người đứng đầu các đơn vị. “Công khai địa chỉ đường dây nóng, hộp thư điện tử và tổ chức tiếp nhận, xử lý, giải quyết kịp thời các phản ánh… Đặc biệt xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị thiếu trách nhiệm, để cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý trực tiếp có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà đối với người dân, DN; xử lý ngay người đứng đầu có biểu hiện bao che, dung túng nhân viên dưới quyền có hành vi sai trái” - Đây là điểm quan trọng trong Chỉ thị 10 của Thủ tướng và ông Cung cho rằng phải làm rất quyết liệt.

Nguyên Anh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/thu-tuc-chi-phi-van-lam-kho-doanh-nghiep-341822.html