Thư từ Mỹ: Bỏ phiếu qua thư có dễ gian lận?

Cho tới lúc này, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 vẫn chưa phân định được thắng thua do chưa kiểm đếm xong phiếu bầu. Một phần lý do nằm ở chỗ người dân bỏ phiếu qua thư tăng vọt khiến việc kiểm đếm mất thời gian.

Nhiều người cứ nghĩ bầu qua thư ở Mỹ là in cái phiếu rồi điền tên gửi đi là xong. Thực sự không phải vậy.

Sau đây là quy cách bầu qua thư:

1. Phải đăng ký, xuất trình giấy tờ chứng minh là công dân Mỹ và cung cấp chữ ký lưu hồ sơ.

2. Khoảng vài tuần trước ngày bầu cử, phiếu bầu sẽ được gửi đến nhà với tên, địa chỉ, mã vạch (hay QR) trên phiếu cho từng người. Sau khi chọn ứng viên xong sẽ dán lại, ký lên phiếu và gửi đi.

Mẫu lá phiếu bầu qua thư trong cuộc bầu cử Mỹ năm 20202. Ảnh: Khoa Vũ

Mẫu lá phiếu bầu qua thư trong cuộc bầu cử Mỹ năm 20202. Ảnh: Khoa Vũ

3. Sau khi phiếu được gửi tới phòng kiểm phiếu, nhân viên sẽ xác minh trước nhất là chữ ký có trùng khớp với tên, địa chỉ in trên phiếu và chữ ký trong dữ liệu đăng ký trước đó hay không. Tiếp đó, họ kiểm tra xem người này đã bầu chưa và có gửi đúng thời hạn không (tùy từng bang sẽ có quy định ngày giờ khác nhau). Những phiếu nào không đáp ứng đủ yêu cầu sẽ bị bỏ riêng ra.

4. Bước kế tiếp, nhân viên phòng phiếu tháo niêm phong và đưa vào máy scan và máy đọc phiếu. Nhân viên xử lý ký tên xác nhận các bước trên đã được thực hiện.

5. Các phiếu đã kiểm xong sẽ được đưa vào hội đồng kiểm duyệt lại 1 lần nữa trước khi chính thức cho vào dữ liệu. Những ai đã vào dữ liệu 1 lần rồi thì sau này có gửi thêm hay đi bầu trực tiếp sẽ không được chấp nhận.

Đây là lý do tại sao quá trình đếm phiếu qua thư mất rất nhiều thời gian. Trong suốt quá trình sẽ có luật sư của 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa giám sát, nhân viên đều làm việc trong không gian trong suốt, có camera theo dõi (có bang còn livestream) 24/24.

Phân loại phiếu bầu qua thư tại Wilkes Barre, bang Pennsylvania hôm 4-11. Ảnh: NYTIMES

Nói thêm về những phiếu không hợp lệ, tùy luật từng bang, họ sẽ bỏ luôn phiếu hoặc liên hệ với cử tri để xác nhận, hoặc cho họ có cơ hội ký đơn khiếu nại trong trường hợp phiếu bị mất cắp, giả chữ ký.

Phía cơ quan bầu cử cũng so sánh số phiếu gửi đi và số phiếu thu về phải trùng khớp hoặc nhỏ hơn. Quy trình chặt chẽ như vậy cho nên nguy cơ gian như những tin đồn "bỏ 100.000 phiếu thêm trong đêm" vào phòng phiếu là không thể có. Có chăng là 1 vài người đăng ký rồi chuyển đi hoặc qua đời và người khác có thể giả chữ ký để gửi đi. Tuy nhiên, những trường hợp như vậy rất ít và không có khả năng thay đổi kết quả.

Khoa Vũ (Từ bang California - Mỹ)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/thu-tu-my-bo-phieu-qua-thu-co-de-gian-lan-20201106080248949.htm