Thủ trưởng trượt ngã, cấp dưới cũng 'vạ lây'

Tay đã 'nhúng chàm', họ không chỉ làm cho người thân, bạn bè khổ lây mà những người đồng chí, đồng nghiệp, nhân viên cấp dưới một thời cũng ít nhiều bị 'mang tiếng'.

Có lẽ chưa khi nào như thời gian gần đây, hàng loạt cán bộ cao cấp vướng vào vòng lao lý. Trong số đó có những người thời tuổi trẻ từng rèn luyện, tham gia chiến đấu, có nhiều thành tích, cống hiến, nhưng sau khi có được quyền cao chức trọng đã không chú ý tu dưỡng, giữ gìn phẩm giá đạo đức, tư cách của người cách mạng, nên dần trượt dài trên con đường tha hóa.

Sự trượt ngã đó không chỉ là nỗi đau, nỗi tủi hổ của người trong cuộc và người thân, gia đình, mà còn gây ra phiền toái không đáng có cho cả những người một thời là thuộc cấp của họ. Câu chuyện có thật dưới đây phần nào nói lên điều đó.

Cất bằng khen, danh hiệu vì thủ trưởng “trượt ngã”

Vô tình đến chơi nhà một người bạn hiện đang công tác tại một ngành quan trọng của tỉnh, tôi bắt gặp cậu ta đang chất đống hơn chục tấm bằng khen, giấy khen, danh hiệu lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua vào một đống củi rồi… đổ xăng đốt.

Thấy tôi ngạc nhiên, bạn giải thích với giọng vừa buồn phiền, vừa bức xúc: Vì tất cả những chứng nhận khen thưởng đó đều do một ông cán bộ lãnh đạo địa phương ký, nhưng ông này vừa bị kỷ luật rồi.

Anh giải thích, mỗi tấm bằng khen, danh hiệu mà anh có được là nhờ quá trình rèn luyện, phấn đấu miệt mài, nghiêm túc. Nên thà anh đốt chúng chứ không muốn hàng ngày phải nhìn thấy tên ông ta sừng sững trên đó!

“Mà không chỉ có tôi đâu nhé, ở địa phương này, biết bao nhiêu người tốt từng được ông khen thưởng, nay vô hình trung cũng bị phiền lụy bởi tiếng xấu của ông ta”.

Vốn là người am hiểu, từng trải, đọc nhiều sách đông tây kim cổ, bạn tôi bày tỏ, dân gian có câu “hổ chết để da, người chết để tiếng”. Làm cán bộ lãnh đạo mà không suy nghĩ trước sau, không tính đến những hậu quả của những việc mình làm thì không những ảnh hưởng đến cá nhân mình, mà còn liên lụy đến tập thể và rất nhiều người khác.

Ví như ông lãnh đạo ở địa phương anh, thời gian đầu đương chức thì luôn tỏ ra sốt sắng, trách nhiệm với công việc chung của tập thể. Nhưng về sau, ông ta đã bị quyến rũ rồi gục ngã trước những “viên đạn bọc đường” của một số “doanh nhân ảo” và “nhà đầu tư khống”.

Có những cán bộ bị quyến rũ rồi gục ngã trước những “viên đạn bọc đường”, trở nên suy thoái biến chất. Ảnh minh họa

Có những cán bộ bị quyến rũ rồi gục ngã trước những “viên đạn bọc đường”, trở nên suy thoái biến chất. Ảnh minh họa

Bạn tôi giải thích thêm: “Doanh nhân ảo” tức là những người gắn mác “doanh nhân” mà không có thực lực về vốn liếng, tài sản nhưng vẫn làm liều, lợi dụng kẽ hở của pháp luật để làm ăn phi pháp. Còn “nhà đầu tư khống” tức là những nhà đầu tư chỉ vẽ dự án trên giấy hòng kiếm chác lợi nhuận từ các dự án “quy hoạch treo” ở địa phương. Kết cục là, các “doanh nhân ảo”, “nhà đầu tư khống” khi bị ánh sáng pháp luật vạch rõ “chân tướng” cũng là lúc “chân tướng” của ông “bảo kê” lộ nguyên hình!

Đừng để quýt làm, cam… vạ lây

Dừng lại ngẫm ngợi giây lát, người bạn nói tiếp: Không phải ngẫu nhiên mà cách đây mấy ngàn năm, Khổng Tử đã nói về “Cửu tư” (chín điều phải suy xét) đối với các bậc quân tử - tức là chỉ tầng lớp trên của xã hội phong kiến thuở ấy.

Chín điều phải suy xét, đó là: “Thị tư minh” (Nhìn phải minh bạch), “Thính tư thông” (Nghe phải rõ ràng), “Sắc tư ôn” (Mặt phải ôn hòa), “Mạo tư công” (Sắc phải đoan trang), “Ngôn tư trung” (Lời phải trung thực), “Sự tư kính” (Việc phải cung kính), “Nghi tư vấn” (Ngờ phải hỏi han), “Phẫn tư nạn” (Khi giận phải nghĩ đến điều tai hại), “Kiến đắc tư ngôn” (Thấy điều lợi phải nhớ đến nghĩa).

Từ thời xưa, người ta đã đòi hỏi các bậc quân tử - những người được ăn học tử tế, được nhà vua trao cho “mũ cao áo dài” để tham gia “trị quốc, bình thiên hạ” phải có những tư cách cần thiết để xứng đáng với vị thế của mình.

Thời nay, trình độ dân trí đã phát triển hơn, tinh thần dân chủ được coi trọng, ý thức pháp quyền được đề cao, cán bộ không phải là những ông quan “cai trị” dân như xưa, mà là “công bộc, đầy tớ” của dân nên càng phải có những phẩm chất ngang tầm của một người lãnh đạo, quản lý.

Nhưng tiếc thay, thời gian qua, ở nơi này nơi khác đã xuất hiện một bộ phận cán bộ lãnh đạo tự cho mình cái quyền sống “trên dân”, không tự nghiêm khắc với bản thân. Chỉ vì tham danh, háo lợi, họ dần trượt dài trên con đường thoái hóa, biến chất. Một khi tay đã “nhúng chàm”, họ không chỉ làm cho gia đình, những người thân phải sống trong mặc cảm, ân hận, khổ đau, mà những người đồng chí, đồng nghiệp, nhân viên cấp dưới một thời của họ cũng ít nhiều bị “mang tiếng”.

Đúng như người bạn tôi nói, nếu ông cán bộ lãnh đạo kia chỉ cần nhớ và thực hiện đến nơi đến chốn một trong chín điều phải suy xét của người quân tử là “Thấy điều lợi phải nghĩ đến nghĩa” (Kiến đắc tư ngôn) thì có lẽ sẽ không đến nỗi bị Đảng chê, dân ghét. Và nếu thế thì chắc chắn bạn tôi cũng không phải làm “cái việc bất đắc dĩ” là hủy những tấm bằng khen thưởng, danh hiệu mà ông thủ trưởng nhúng chàm từng ký, từng trao.

Có thể câu chuyện của bạn tôi chỉ là cá biệt, nhưng dẫu thế nào cũng sâu sắc và mang tính cảnh báo rất thực tế để cảnh tỉnh bất cứ cán bộ nào, nhất là những người đang nắm giữ quyền lực có thể làm “khuynh đảo” cả một tổ chức, cơ quan, đơn vị suy nghĩ nghiêm túc, thấu đáo.

Thiện Văn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/dachieu/thu-truong-truot-nga-cap-duoi-cung-va-lay-511715.html