Thứ trưởng Lê Văn Thanh thăm, tặng quà các thương binh, bệnh binh

Kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2020), sáng 21/7, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh đã tới thăm, động viên, tặng quà các thương, bệnh binh đang được chăm sóc, điều dưỡng tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Kim Bảng và Trung tâm điều dưỡng thương binh Duy Tiên (Hà Nam). Cùng đi có bà Đỗ Thị Hồng Hà, Phó Cục trưởng Cục Người có công.

Thay mặt lãnh đạo Bộ, Thứ trưởng Lê Văn Thanh đã chúc sức khỏe các thương bệnh, binh tại 2 Trung tâm, đồng thời bày tỏ tình cảm trân trọng, lòng biết ơn sâu sắc đối với các anh hùng liệt sĩ, các Mẹ Việt Nam anh hùng, thương bệnh binh và người có công trên toàn quốc – những người đã không tiếc xương máu chiến đấu, hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh thăm hỏi, động viên, tặng quà các thương, bệnh binh đang được chăm sóc, điều dưỡng tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Kim Bảng và Trung tâm điều dưỡng thương binh Duy Tiên (Hà Nam)

Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh, trở về đời thường với những vết thương trên cơ thể, các bác thương, bệnh binh vẫn tiếp tục khắc phục khó khăn, thực hiện lời dạy của Bác Hồ "Thương binh tàn nhưng không phế", để tiếp tục đóng góp cho xã hội và là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ và con cháu noi theo...

Thứ trưởng khẳng định: Không một đất nước nào cuộc đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc lại kéo dài như ở Việt Nam. Những gì đất nước có được ngày hôm nay đều có xương máu của những người đã ngã xuống, những người đang mang thương tật trên thân thể. Vì vậy, việc chăm sóc người có công luôn được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các cấp chính quyền quan tâm thực hiện bởi đây là đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây của dân tộc ta.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ "Thương binh tàn nhưng không phế", để tiếp tục đóng góp cho xã hội và là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ và con cháu noi theo.

Là cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ trực tiếp chăm lo đời sống người có công, trong những năm qua Bộ LĐ -TB&XH đã không ngừng hoàn thiện chính sách ưu đãi người có công, nhằm chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống người có công để phần nào bù đắp những hy sinh, mất mát của các thế hệ cha anh cho độc lập dân tộc, đồng thời giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay.

"Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã dành nhiều sự quan tâm tới các đối tượng người có công. Những chính sách ưu đãi đã thể hiện sự quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước chăm sóc tới đời sống vật chất và tinh thần của người có công. Mặc dù vậy, so với những hy sinh, cống hiến cũng chỉ bù đắp phần nào, làm vơi đi một phần những mất mát, hy sinh to lớn đó..." – Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh cũng ghi nhận công lao, đóng góp to lớn của các thương, bệnh binh.

Thứ trưởng cũng ghi nhận công lao, đóng góp to lớn của Ban lãnh đạo, cán bộ, viên chức, người lao động của 2 Trung tâm điều dưỡng thương binh Kim Bảng và Duy Tiên đã ngày đêm không quản khó khăn, chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ cho các thương, bệnh binh, coi các chú, các bác thương bệnh, binh như người nhà của mình - đó vừa là tình cảm, song vừa là nghĩa vụ và trách nhiệm được Đảng và Nhà nước giao phó.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh mong rằng các cán bộ, nhân viên, y, bác sĩ tiếp tục nâng cao trách nhiệm, làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc, điều dưỡng các thương, bệnh binh, để các bác thương, bệnh binh có cuộc sống vui vẻ, yên tâm điều trị, nâng cao sức khỏe và sống trường thọ…

Thay mặt các thương, bệnh binh đang điều trị tại đây, các thương binh đã cảm ơn sự quan tâm, động viên của Thứ trưởng và cán bộ, công chức, viên chức Bộ LĐ-TB&XH, đó là món quà tinh thần quý báu đối với các thương, bệnh binh. Đồng thời tâm nguyện sẽ luôn cố gắng, phấn đấu giữ gìn và phát huy bản chất anh bộ đội cụ Hồ, yên tâm điều trị, điều dưỡng, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đoàn kết, xây dựng Trung tâm trở thành ngôi nhà chung vui vẻ, ấm áp, nghĩa tình.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh mong rằng các cán bộ, nhân viên, y, bác sĩ tiếp tục nâng cao trách nhiệm, làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc, điều dưỡng các thương, bệnh binh.

Báo cáo với Thứ trưởng Lê Văn Thanh và đoàn công tác, tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Kim Bảng, bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Trung tâm cho biết: Hơn 44 năm qua, đơn vị đã điều trị, phục hồi chức năng cho hơn 800 lượt thương, bệnh binh. Trung tâm đã điều trị ổn định và đưa 88 đồng chí thương, bệnh binh nặng về an dưỡng tại gia đình.

Hiện nay, Trung tâm đang nuôi dưỡng, điều trị 114 đối tượng của 20 tỉnh, thành từ Quảng Ngãi trở ra... Trong đó, có 81 thương, bệnh binh nặng hạng đặc biệt, mất 81% sức khỏe trở lên; 33 đối tượng hưu trí, viên chức mất sức, thân nhân người có công… Do đặc thù bệnh tật của các thương bệnh binh đang điều trị, điều dưỡng tại Trung tâm là bệnh tâm thần mãn tính, sa sút trí tuệ nên việc thăm, khám, theo dõi, điều trị chăm sóc của y, bác sĩ hiện còn gặp nhiều khó khăn.

Trung tâm luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước.

Mặc dù sức khỏe yếu, gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày, nhưng với sự chăm sóc chu đáo, tận tình của cán bộ, nhân viên Trung tâm, các thương, bệnh binh vẫn luôn vui tươi, lạc quan, kiên trì, bền bỉ khắc phục khó khăn, chiến thắng bệnh tật, ổn định cuộc sống, luôn là tấm gương sáng cho con cháu và các thế hệ noi theo. Đặc biệt, Trung tâm luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương nên đời sống của thương, bệnh binh ngày càng được cải thiện.

Còn tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Duy Tiên, báo cáo khái quát kết quả công tác chăm sóc thương, bệnh binh tại đơn vị, bà Mã Thị Bích Nhạn, Giám đốc Trung tâm cho biết: Trung tâm được thành lập năm 1957, thời kỳ Trung tâm nuôi dưỡng đông nhất là 600 thương, bệnh binh.

Hiện Trung tâm được Bộ giao nhiệm vụ tiếp nhận, nuôi dưỡng, điều trị, phục hồi chức năng và giải quyết chính sách cho 56 thương bệnh binh nặng từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước, thương binh có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

Thương binh đang đang điều trị tại Trung tâm có tới 80% bị liệt cột sống; số còn lại là thương binh tổng hợp như vết thương sọ não, hỏng 2 mắt, cụt 2 chi… Người có tuổi thọ cao nhất là 89, thấp nhất là 53 tuổi.

Nhiều năm trở lại đây, Trung tâm thường xuyên tổ chức các buổi đi tham quan dã ngoại, những chuyến đi về nguồn, về thăm chiến trường xưa… Từ đó đã làm cho đời sống tinh thần của thương binh, bệnh binh ngày càng được nâng cao, giúp các bác, các chú yên tâm điều dưỡng. Đồng thời, công tác chăm sóc sức khỏe cho thương, bệnh binh tại tuyến cơ sở và các tuyến trên ngày càng chú trọng, chất lượng khám, chữa bệnh cho thương bệnh binh ngày càng được nâng cao…

MẠNH DŨNG

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/thu-truong-le-van-thanh-tham-tang-qua-cac-thuong-binh-benh-binh-20200721120712877.htm