Thứ trưởng Lê Tấn Dũng thăm, làm việc tại một số trường Cao đẳng nghề ở TP.HCM

Sáng ngày 13/10, Đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH do Thứ trưởng Lê Tấn Dũng làm trưởng đoàn đã thăm, làm việc với lãnh đạo Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng TP.HCM và Trường Cao đẳng nghề TP.HCM.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng làm việc với Trưởng Cao đẳng nghề TP.HCM.

Báo cáo với Thứ trưởng và đoàn công tác, ông Phạm Lộc Hữu, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng cho biết, Trường có 50 ngành nghề đào tạo với quy mô trên 16.000 sinh viên và hàng năm tuyển sinh trên 6.000 sinh viên. Sinh viên ra trường có việc làm 100%.

Trường đã được Bộ LĐ-TB&XH cho phép hợp tác với Cộng hòa Liên bang Đức đào tạo để cấp 2 bằng Việt Nam và Đức. Trường có 7 chương trình đào tạo nghề trọng điểm Quốc tế, ASEAN, Quốc gia và 12 chương trình đào tạo chất lượng cao.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng và Tổng Cục trưởng Tổng Cục GDNN Trương Anh Dũng dự Lễ trao tặng xe Mitsubishi phục vụ ngành đào tạo công nghệ ô tô cho Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng TP.HCM và làm việc về công tác đào tạo nghề tại trường.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng và Tổng Cục trưởng Tổng Cục GDNN Trương Anh Dũng dự Lễ trao tặng xe Mitsubishi phục vụ ngành đào tạo công nghệ ô tô cho Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng TP.HCM và làm việc về công tác đào tạo nghề tại trường.

Nhà trường đã ký kết với các doanh nghiệp để đào tạo chương trình song hành với doanh nghiệp trong và ngoài nước như chương trình Vinfast của công ty Vinfast và chương trình Intership của các công ty Nhật Bản. Trường có gần 1.000 doanh nghiệp phối hợp để nhận sinh viên thực tập và làm việc sau khi ra trường.

Sau khi dự lễ, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng và đoàn công tác đã đến kiểm tra trang thiết bị, cơ sở vật chất của nhà trường phục vụ trong công tác đào tạo nghề.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng chụp ảnh cùng ban giám hiệu Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng TP.HCM.

Sáng cùng ngày, Thứ trưởng và đoàn công tác đến thăm, làm việc với Trường Cao đẳng nghề TP.HCM.

Tại buổi làm việc, ông Trần Kim Tuyến, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề TP.HCM cho biết, hiện Trường Cao đẳng nghề TP.HCM đang đào tạo 14 ngành nghề.

Nhà trường đào tạo theo hình thức liên kết với các doanh nghiệp để rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo với thực tế sản xuất; gắn đào tạo với thực tiễn, với nghiên cứu - triển khai và khuyến khích hợp tác quốc tế nhằm phát huy khả năng tự học, phương pháp tư duy chủ động, rèn luyện kỹ năng khai thác, xử lý thông tin của sinh viên.

Bên cạnh đó, nhà trường luôn định hướng xây dựng đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất theo hướng trở thành một trường nghề chất lượng cao; đào tạo nhân lực không chỉ đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn trong nước mà còn đáp ứng những tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường nước ngoài.

Ông Trần Kim Tuyến, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề TP.HCM.

Qua nghe báo cáo, ông Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng Cục GDNN yêu cầu lãnh đạo nhà trường cần có chiến lược phát triển cụ thể, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ giảng viên để bứt phá trở thành trường đào tạo nghề chất lượng cao đầu tiên của TP.HCM.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng ghi nhận những kết quả mà Trường Cao đẳng nghề TP.HCM đã đạt được. Bên cạnh đó, Thứ trưởng yêu cầu Ban lãnh đạo nhà trường cần phải có tầm nhìn xa hơn, và có những bước đi vững chắc. Nhà trường phải xác định thế mạnh của trường trong tương lai là gì, thế mạnh này sẽ hướng tới 2025 như thế nào.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng và đoàn công tác kiểm tra trang thiết bị phục vụ cho công tác đào tạo nghề tại Trường Cao đẳng nghề TP.HCM.

XUÂN TRƯỜNG

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/thu-truong-le-tan-dung-tham-lam-viec-tai-mot-so-truong-cao-dang-nghe-o-tphcm-20201013140432917.htm