Thứ trưởng Lê Quang Mạnh: Nguồn nhân lực là chìa khóa cho sự bền vững dài hạn

Theo thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để bảo đảm bền vững trong dài hạn, việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng và phù hợp là chìa khóa của thành công. Điều này đặc biệt đúng trong môi trường khoa học công nghệ thay đổi liên tục và sự ảnh hưởng của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0

Hiện nay, phát triển bền vững bao hàm không chỉ sự phát triển về kinh tế mà còn gắn liền với việc giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường. Trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế tiến triển ngày càng nhanh và mạnh mẽ, mang lại những cơ hội phát triển, nhưng đồng thời cũng đi kèm với những thách thức về môi trường, xã hội và mô thức phát triển bền vững sẽ dần trở thành lựa chọn phổ biến của các quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

Việt Nam, trong hơn 30 năm đổi mới đã có những diện mạo mới; đời sống người dân được cải thiện, tỷ lệ nghèo đói giảm mạnh, Việt Nam đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình và hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

Phát biểu tại Diễn đàn Bền vững 2019 do Học viện Chính sách và Phát triển phối hợp với Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu tổ chức sáng nay, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh cho rằng, đến nay, tầm vóc, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế từng bước cải thiện, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Đạt được kết quả này là nhờ sự nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị, của cả xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và sự hợp tác, hỗ trợ hiệu quả của cộng đồng quốc tế, nhất là các đối tác phát triển. Nền kinh tế Việt Nam những năm tới hứa hẹn cả những thách thức và cơ hội đan xen.

Theo Thứ trưởng, Việt Nam nhận thức rằng, thúc đấy tăng trưởng kinh tế và xã hội toàn diện phục vụ phát triển bền vững là mục tiêu kép cho phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở đó, từ năm 2004 Việt Nam đã ban hành Chương trình nghị sự 21 với định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam gắn với ba lĩnh vực: kinh tế, xã hội và môi trường.

"Giai đoạn 2011 – 2020, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đã xác định ba khâu đột phá mang tính chiến lược, tạo tiền đề cấu trúc lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và phát triển theo hướng bền vững. Phát triển bền vững đã trở thành một phương thức phát triển tổng hợp đa ngành, liên ngành, thành chương trình hành động với nhiều tiêu chí ngày càng được cụ thể và rõ nét. Phát triển bền vững, vì vậy, mang tính tất yếu và là mục tiêu cao đẹp nhất của quá trình phát triển", Thứ trưởng Mạnh nói.

Cũng theo Thứ trưởng Lê Quang Mạnh, để chính sách phát triển bền vững đi vào cuộc sống cần sự tham gia tích cực và có trách nhiệm của mọi người dân, doanh nghiệp, cơ quan tổ chức và chính quyền. Các giải pháp, những cách làm tốt nhất đến từ kinh nghiệm trong và ngoài nước cần được chia sẻ, thảo luận và đưa vào thực tiễn.

Do vậy, chính sách phát triển bền vững của Việt Nam cần có các giải pháp đủ mạnh trong các lĩnh vực mang tính quyết định như Nguồn nhân lực; Chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu; Nông nghiệp thông minh; Giải pháp về môi trường và Công nghiệp 4.0.

Đồng quan điểm với Thứ trưởng Lê Quang Mạnh, GS. Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) – đơn vị đồng tổ chức Diễn đàn cho biết, về lâu dài, tăng trưởng nhanh và bền vững phụ thuộc rất nhiều vào số lượng và chất lượng nguồn lực con người, nhất là khi khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò chủ đạo trong sản sinh giá trị gia tăng.

Ông Khương chỉ rõ, con người là nhân tố quyết định đến năng suất lao động, năng suất vốn và năng suất các yếu tố tổng hợp. Một chiến lược tập trung vào chất lượng "vốn con người" sẽ giúp Việt Nam tiếp cận thành công với xu thế phát triển bền vững và chuyển đổi số. Thiếu con người tốt và thiếu đầu tư vào "vốn con người" sẽ đưa đến thua thiệt trong hội nhập, cạnh tranh, bỏ lỡ cơ hội từ CMCN 4.0, và khó có thể bứt phá, ngay cả khi có bộ máy tốt và nhiều ý tưởng kinh doanh hay.

Cũng tại Diễn đàn, ông Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển nhận định, chúng ta đang sống ở một thời đại mà tất cả các quốc gia đều chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chịu sự cạnh tranh khốc liệt trong các quan hệ quốc tế. Sự tác động của khoa học và công nghệ sẽ kéo theo sự tác động về chính trị, văn hóa và xã hội. Tác động này sẽ bỏ lại phía sau các quốc gia chậm phát triển.

"Nói cách khác, để phát triển thịnh vượng đất nước cần chú trọng chính sách bền vững, phát triển hài hòa nhiều yếu tố, từ quản trị đất nước, trình độ khoa học công nghệ quốc gia, chất lượng nguồn nhân lực", ông Hùng đánh giá.

Anh Trung

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thu-truong-le-quang-manh-nguon-nhan-luc-la-chia-khoa-cho-su-ben-vung-dai-han-d94254.html