Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp phản hồi về đề xuất thay đổi giờ làm việc

Trước những tranh luận trái chiều về đề xuất thay đổi giờ làm việc bắt đầu từ 8 giờ 30, nghỉ trưa 60 phút và kết thúc vào lúc 17 giờ 30, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp cho rằng có rất nhiều chuyện cần phải bàn.

Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi đưa ra hai phương án (PA) về thời gian làm việc của trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.

PA 1, bổ sung vào Bộ luật Lao động quy định: “Giao Chính phủ quy định thống nhất thời điểm bắt đầu và kết thúc làm việc của các cơ quan hành chính trên cả nước”. Thời gian làm việc sự kiến là từ 8 giờ 30 đến 17 giờ 30, nghỉ trưa 60 phút (trừ những đơn vị hoặc bộ phận phải thường trực 24/24 giờ để đảm bảo liên thông công việc hoặc trực tiếp giải quyết công việc đối với người dân).

PA 2, giữ nguyên như hiện hành, thời gian làm việc không được quy định trong Bộ luật Lao động mà được quy định tại các văn bản hành chính (Đối với các bộ do Thủ tướng quyết định, đối với UBND và các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định).

 Bộ LĐTB&XH đang đề xuất công chức, viên chức, người lao động làm việc từ 8 giờ 30. Ảnh: internet

Bộ LĐTB&XH đang đề xuất công chức, viên chức, người lao động làm việc từ 8 giờ 30. Ảnh: internet

Trả lời báo Tổ Quốc về việc thiên về PA nào, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho rằng, với sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật, việc thống nhất làm việc theo một thời gian quy định không còn quá quan trọng. Nhiều quốc gia quy định thời gian làm việc linh hoạt, miễn sao hiệu quả. Do đó, chúng ta không nhất thiết phải thống nhất giờ làm việc cụ thể. Nhưng vì trong quá trình xây dựng dự thảo đã có những ý kiến nên Bộ LĐTB&XH mới đưa ra 2 phương án trên.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho rằng, có rất nhiều chuyện phải bàn. Quốc hội sẽ thảo luận và thấy quy định thời gian làm việc như hiện tại là tốt thì phải giữ nguyên.

Trước những ý kiến cho rằng đối tượng của cơ quan hành chính là người dân, cần công khai giờ làm việc thống nhất để người dân và DN biết, Thứ trưởng Diệp trả lời: DN các tỉnh phía Nam (TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương....) thời giờ làm việc 8 giờ 30 là quá muộn. Với các tỉnh miền núi phía Bắc như Hà Giang... hay các tỉnh vùng sâu xa, kết thúc giờ làm việc lúc 17 giờ 30 là quá tối. Do đó, điều này để Quốc hội cân nhắc và quyết định.

Đối với Hà Nội, Thứ trưởng Diệp cho rằng quy định thống nhất giờ làm việc phải được xem xét, đánh giá nhiều mặt vì Thủ đô Hà Nội là nơi tập trung đông cơ quan hành chính nhà nước, có rất đông người dân sinh sống và làm việc.

Hơn nữa, giờ làm việc của các cơ quan nhà nước cũng liên quan đến đơn vị sự nghiệp như trường học... vì thế cần phải sắp xếp thế nào để phù hợp giữa giờ làm việc của bố mẹ và thời gian đến trường của các con, giờ đón con về nhà...

Oanh Trần

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/thu-truong-doan-mau-diep-phan-hoi-ve-de-xuat-thay-doi-gio-lam-viec-342386.html