: Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên: Di sản là tài sản, là nguồn lực, động lực để phát triển

Chỉ tính riêng với các Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới, số liệu thống kê đã chỉ ra sự đóng góp to lớn của các di sản trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của quốc gia và địa phương kể từ khi được UNESCO ghi danh. Như Quần thể di tích Cố đô Huế (năm 1993) và Vịnh Hạ Long (năm 1994) từ khi mới được ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới chỉ có vài chục nghìn khách du lịch, đến nay đã thu hút tới hàng triệu khách tới tham quan, nghiên cứu. Đặc biệt Quần thể danh thắng Tràng An, khi thống kê số liệu khách du lịch trong thời gian lập hồ sơ đề cử vào năm 2012 chỉ có trên 1 triệu lượt khách, đến năm 2017 (sau 03 năm được UNESCO ghi danh) đã thu hút 6,1 triệu lượt khách tới tham quan, nghiên cứu. Nhờ đó, riêng nguồn thu hằng năm từ tiền bán vé tham quan của những di sản này đã lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Một trong những hoạt động cơ bản để bảo vệ và phát huy giá trị di sản là việc nhận diện giá trị, lập hồ sơ xếp hạng, ghi danh ở trong nước, quốc tế và đặt chúng dưới sự bảo hộ của pháp luật. Ở Việt Nam, năm 1962 là thời điểm bắt đầu quá trình xếp hạng di tích, kể từ đó tới nay, trên cả nước đã có trên 4 vạn di tích đã được kiểm kê; trong đó có gần 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố; 3.463 di tích quốc gia; 95 di tích quốc gia đặc biệt, 08 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới được UNESCO ghi danh.

Ngoài ra, Theo Chương trình Ký ức Thế giới của UNESCO, tính đến nay, Việt Nam đã có 7 Di sản Tư liệu được UNESCO ghi danh (gồm 3 Di sản Tư liệu Thế giới và 4 Di sản Tư liệu Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương).

Di sản đã trờ thành nguồn lực, động lực, mục tiêu của phát triển cho nhiều địa phương cũng như cả nước.

+ Với tiềm năng lớn như vậy, nhưng thực tế đã chứng minh, không phải địa phương nào cũng làm tốt công tác bảo tồn và phát huy. Theo Thứ trưởng, làm thế nào để xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển?

- Di sản văn hóa Việt Nam đã trở thành tài sản vô giá của Việt Nam được trao truyền qua các thế hệ, đã trở thành nguồn lực, động lực, mục tiêu của phát triển cho nhiều địa phương cũng như cả nước. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, bên cạnh những mặt tích cực, còn bộc lộ hạn chế, khó khăn. Trong đó nổi cộm nhất là giữa công tác bảo tồn và phát triển luôn luôn đặt ra những vẫn đề cần giải quyết trong thực tiễn hiện nay. Bảo tồn nhưng cần phát triển, Bộ VHTTDL cũng như UNESCO luôn khuyến cáo: trong quá trình phát triển phải xác định giá trị nổi bật của các di tích đó, trên cơ sở đó để bảo tồn những giá trị nổi bật, những nét cơ bản nhất để làm tốt phát triển.

Clip Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên:

Tại Hội nghị Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững một lần nữa, Bộ VHTTDL cùng với các địa phương tập trung đánh giá cho được những kết quả nổi bật trong 10 năm triển khai thực hiện Luật Di sản Văn hóa và cũng chỉ ra những vấn đề còn tồn tại trong quá trình bảo tồn và phát triển. Cùng với đó, cũng đặt ra những nhiệm vụ để chúng ta tập trung vào làm tốt hơn công tác bảo tồn và phát huy di sản. Điều mà tôi tâm đắc nhất trong Hội nghị ngày hôm nay là chúng ta đã nhận thức được một cách đầy đủ về giá trị của di sản văn hóa, đây là nguồn lực, là động lực, là tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam và đây cũng là nguồn lực trong sự phát triển bền vững của đất nước, nhất là với các địa phương. Để làm tốt công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa này, không chỉ cần sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, điều quan trọng nhất là chúng ta phải tạo được sự đồng thuận của cộng đồng, nơi mà di sản đó đang được cộng đồng dân cư nuôi dưỡng hàng ngày, cộng đồng là người sáng tạo ra di sản, chính cộng đồng là người nuôi dưỡng và phát huy di sản cho sự phát triển bền vững của đất nước.

+ Bộ VHTTDL sẽ có giải pháp gì để công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản Việt Nam một cách bền vững trong giai đoạn mới, thưa Thứ trưởng ?

- Chính phủ đã ban hành Nghị định 109/2017/NĐ-CP ngày 21/9/2017 Quy định về bảo vệ và quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam. Trong Nghị định này nói rõ mục đích, yêu cầu, thẩm quyền, những nội dung cần thực hiện và cũng nêu rõ những nguồn lực, trách nhiệm của cộng đồng đối với công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa ở Việt Nam.

UNESCO cũng đã khuyến nghị Việt Nam một số vấn đề, trong đó có vấn đề là ban quản lý các di sản này hiện nay chưa thống nhất. Mặc dù trong Nghị định 109 đã quy định rất rõ, tuy nhiên, trên thực tế, một số di sản chưa thực hiện đúng như Nghị định. Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị, sau Hội nghị, các tỉnh, thành thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị. Chúng tôi cũng đề nghị các tỉnh, thành chủ động triển khai thực hiện một cách nghiêm túc Nghị định 109 của Thủ tướng Chính phủ.

+ Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Biên tập: Hà An

Ảnh: Nam Nguyễn

Thiết kế: Minh Trang

Nguồn Bộ VHTTDL: http://cinet.vn/cua-so-van-hoa/longform-thu-truong-dang-thi-bich-lien-di-san-la-tai-san-la-nguon-luc-dong-luc-de-phat-trien-355971.html