Thứ trưởng Công an: Bắt thêm đối tượng vụ Hà Văn Thắm

"Vụ Hà Văn Thắm đang kết luận giai đoạn hai và sẽ làm triệt để, không có vùng cấm trong các vụ án hình sự, nhất là các đại án".

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 25/10, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết đã bắt thêm một số đối tượng liên quan tới vụ án Hà Văn Thắm và những sai phạm ở OceanBank.

Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an

Ông Vương khẳng định, "Vụ Hà Văn Thắm đang kết luận giai đoạn hai và sẽ làm triệt để, không có vùng cấm trong các vụ án hình sự, nhất là các đại án".

Theo ông Vương, vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương là một trong 6 đại án mà Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã có chỉ đạo dự kiến xét xử trong tháng 12 tới.

Theo Thứ trưởng Bộ Công, những vụ án như thế này điều tra rất vất vả. Cụ thể vụ án Hà Văn Thắm có sự tham gia của nhiều người, dưới sự chỉ đạo của một nhóm lợi ích, cá nhân chỉ đạo một nhóm thông qua hoạt động ngân hàng. Trong đó, thủ đoạn chính là lập các công ty con, có quy mô trên thị trường, chuyển tiền lòng vòng giữa công ty này công ty kia, mua bán bất động sản,… Nguy hiểm nhất là các công ty này đầu tư không đúng với hoạt động của doanh nghiệp, trái ngành nghề, dễ dẫn đến sụp đổ.

"Vì vậy khi điều tra, nhà chức trách phải thu thập tài liệu chứng minh chủ trương chỉ đạo từ trên như thế nào, HĐQT ra sao, điều hành của tổng giám đốc rồi đến các công ty con, phải qua hệ thống kế toán mới làm rõ được chi tiết. Không chỉ mấy trang hồ sơ, như vụ Huỳnh Thị Huyền Như, cơ quan công an phải chuyển mấy tạ hồ sơ để tòa án nghiên cứu", ông Vương nói.

Nhìn nhận hoạt động của hệ thống ngân hàng dưới góc độ pháp luật, Thứ trưởng Công an đề cập đến vấn đề “lợi ích nhóm” hay còn gọi là “sân sau”. Một cá nhân đồng thời với thành lập ngân hàng là thành lập hàng loạt công ty, chuyển tiền lòng vòng, mua bán bất động sản, đầu tư không đúng dẫn đến xung đột lợi ích. Trong khi đó, ngân hàng ở Việt Nam chủ yếu huy động tiền gửi của dân, không kỳ hạn hoặc có kỳ hạn, rồi dùng tiền đó cho tổ chức, cá nhân vay, khoản vay hợp pháp nhưng lên đến 5 năm, 10 năm.

"Lấy ngắn hạn đầu tư dài hạn thì rất rủi ro”, ông Vương nói. Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, kinh nghiệm các nước cho thấy cần phát triển thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn chủ yếu, có nhiều nước tiền gửi ngân hàng lãi suất bằng không hoặc không đáng kể.

Do đó, theo vị lãnh đạo ngành Công an thì Việt Nam cần đổi mới mô hình quản lý hệ thống ngân hàng.

Đại án 9.000 tỷ: Chuyện Hà Văn Thắm, bà Hứa Thị Phấn

Liên quan tới vụ việc, trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã kết luận điều tra, đề nghị truy tố Hà Văn Thắm (44 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Dương Oceanbank) và 16 đồng phạm nằm trong vụ án kinh tế xảy ra tại Oceanbank. Ông Thắm và nhóm người liên quan bị đề nghị truy tố về các tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”; “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng”; “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Kết luận điều tra còn cho biết, các bị can đã khởi xướng, thống nhất về chủ trương chi tiền ngoài lãi suất huy động đối với khách hàng thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam gửi tiền tại ngân hàng này vượt trần lãi suất, gây thiệt hại hơn 544 tỷ đồng…

An An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/phap-luat/phap-dinh/thu-truong-cong-an-bat-them-doi-tuong-vu-ha-van-tham-3321580/