Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn tham dự Tổng kết công tác đối ngoại năm 2019 tỉnh Thanh Hóa

Sáng 27/12, tại Thanh Hóa, UBND tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác đối ngoại năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Hội nghị. (Ảnh: Xuân Thông)

Tham dự Hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Thị Thìn cùng lãnh đạo các cục, vụ của Bộ ngoại giao, lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố.

Đối ngoại Thanh Hóa góp phần vào thành tựu chung

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn đã bày tỏ niềm vui, đánh giá cao sự phát triển ấn tượng về mọi mặt của Thanh Hóa trong những năm vừa qua, đảm bảo tốt an ninh chính trị xã hội, trở thành điểm thu hút đầu tư, du lịch quan trọng, đóng góp mạnh mẽ vào phát triển và tăng trưởng chung của cả nước. Thứ trưởng Thường trực cũng chúc mừng toàn thể các đồng chí Lãnh đạo, cán bộ, nhân dân tỉnh Thanh Hóa về những thành tích đã đạt được và chúc sức khỏe, thành công trong năm mới 2020.

Các đại biểu dự Hội nghị. (Ảnh: Xuân Thông)

Đánh giá về tình hình chung, Thứ trưởng Thường trực cho biết, năm 2019 vừa qua, cả nước đã đạt được những thành tựu quan trọng, trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh - đối ngoại, giáo dục, thể thao, xây dựng và chỉnh đốn Đảng…, là năm thứ hai liên tiếp đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu Quốc hội giao. Tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt trên 7%, thuộc hàng cao nhất thế giới và khu vực; kim ngạch xuất nhập khẩu lần đầu tiên cán mốc 500 tỷ USD, xuất siêu 11 tỷ USD. Quốc phòng - An ninh, trật tự - an toàn xã hội được đảm bảo. Đời sống nhân dân được từng bước nâng cao.

Ngành đối ngoại tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng cả về song phương và đa phương. Ta đã giữ được môi trường hòa bình, ổn định để tạo điều kiện cho phát triển, bảo vệ vững chắc được chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; triển khai đồng bộ các hoạt động đối ngoại, đưa quan hệ đi vào chiều sâu, nâng tầm đối ngoại đa phương, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.

Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đều khẳng định đối ngoại là một điểm sáng trong những thành tựu chung của đất nước. Đây là kết quả của những nỗ lực toàn thể hệ thống chính trị, các ban, bộ, ngành, địa phương, trong đó có Thanh Hóa. Lãnh đạo Bộ Ngoại giao và cá nhân Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn đánh giá cao và chân thành cảm ơn sự quan tâm hưởng ứng và tích cực hỗ trợ của tỉnh Thanh Hóa đối với công tác đối ngoại.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Giám đốc Sở Ngoại vụ Nguyễn Văn Biện. (Ảnh: Xuân Thông)

Những thành tích này càng có ý nghĩa trong bối cảnh quốc tế năm 2019 chứng kiến nhiều chuyển động mới, phức tạp và khó lường hơn, tác động trực tiếp đến môi trường an ninh và phát triển của ta như: kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm lại, dự báo cả năm 2019 chỉ đạt 3%, thấp nhất trong 10 năm qua; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, ngày càng mở rộng hơn về phạm vi, quyết liệt hơn về tính chất và nguy hiểm hơn về hệ lụy; xu thế bất ổn, phản kháng trong nội bộ nhiều nước trên thế giới nổi lên rõ hơn; các thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống, các điểm nóng tiếp tục diễn biến phức tạp.

5 đề xuất với tỉnh

Dự báo tình hình năm 2020 môi trường chiến lược của Việt Nam sẽ đứng trước nhiều khó khăn, thách thức hơn song cũng có cơ hội lớn. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, là nguyện vọng chung của toàn nhân loại; các đối tác lớn tiếp tục coi trọng, muốn tranh thủ vị thế quốc tế của Việt Nam.

Năm 2020 cũng có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với đất nước ta. Đây là năm ghi dấu son chặng đường 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Cả nước chuẩn bị tổ chức Đảng bộ các cấp, hướng tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Việt Nam đảm nhiệm trọng trách quốc tế Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thị Thìn trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. (Ảnh: Xuân Thông)

Để thực hiện nhiệm vụ nặng nề đó, dưới góc độ phối hợp giữa Bộ Ngoại giao và tỉnh Thanh Hóa, Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn đã nêu lên 5 đề xuất.

Thứ nhất, nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc là nhiệm vụ chung của toàn hệ thống chính trị và xã hội, đặc biệt là 28 tỉnh thành có biển, trong đó có tỉnh Thanh Hóa. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước và Bộ Ngoại giao đánh giá rất cao sự phối hợp của tỉnh Thanh Hóa trong công tác biên giới lãnh thổ và mong tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con ngư dân ra khơi bám biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền trên biển của Tổ quốc. Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật cho ngư dân, tránh vi phạm vùng biển các nước bạn, qua đó góp phần “gỡ thẻ vàng”, “tránh thẻ đỏ” của EU.

Thứ hai, “đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, nhất là các nước láng giềng, khu vực, các nước lớn, các đối tác quan trọng” là một chủ trương quan trọng của Đảng và Nhà nước. Tỉnh Thanh Hóa tiếp giáp với nước bạn Lào. Đây là điều kiện vô cùng thuận lợi để củng cố thêm quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam-Lào.

Thứ ba, hội nhập quốc tế, nhất là tranh thủ cơ hội mà các FTA Việt Nam tham gia và đang đàm phán để thu hút đầu tư, tái cơ cấu nền kinh tế. Với tiềm năng, vị trí kinh tế quan trọng - cửa ngõ vào Nam ra Bắc và cũng là điểm dừng chân trên đường hàng hải quốc tế, Thanh Hóa có nhiều điều kiện để hưởng lợi từ hội nhập. Thời gian qua, nhằm hỗ trợ các địa phương nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng, Bộ Ngoại giao đã tổ chức nhiều hoạt động như: Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc; Tọa đàm “Gặp gỡ Đại sứ”; Tọa đàm gặp gỡ giữa “Địa phương - Ngoại giao đoàn”; Tọa đàm/Gặp song phương giữa địa phương và Đại sứ quán, Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, đối tác nước ngoài; Tọa đàm tư vấn địa phương; Ký kết các Thỏa thuận hợp tác với các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài nhằm thúc đẩy hợp tác với các địa phương... Tuy nhiên, cũng cần lưu lý khi thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA), phải tính rất sát các yếu tố tác động tới người dân, doanh nghiệp. Bộ Ngoại giao sẵn sàng hỗ trợ Thanh Hóa thúc đẩy các hoạt động kinh tế đối ngoại, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Thứ tư, công tác ngoại vụ địa phương tiếp tục được quan tâm. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh từng nói, công tác ngoại vụ địa phương có ý nghĩa hết sức quan trọng, là “trái tim của hội nhập”. Trong thời gian vừa qua, Bộ Ngoại giao và tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp hết sức hiệu quả trong triển khai công tác ngoại vụ địa phương. Bên cạnh các hoạt động hỗ trợ, kết nối kinh tế đối ngoại, Bộ Ngoại giao đã tích cực hỗ trợ địa phương đào tạo bồi dưỡng cán bộ làm công tác đối ngoại, trong đó có tỉnh Thanh Hóa.

Thứ năm, công tác ngoại giao văn hóa cần tiếp tục được chú trọng và thúc đẩy. Thanh Hóa có 1.535 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được thống kê, phân loại xếp hạng. Đây sẽ là “vốn liếng” hết sức quan trọng, đóng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là du lịch. Thời gian qua, Bộ Ngoại giao và tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp rất chặt chẽ để thực hiện công tác quan trọng này. Với sự hỗ trợ tích cực của Bộ Ngoại giao, Ủy ban và Ban Thư ký Quốc gia UNESCO Việt Nam trong công tác vận động các quốc gia thành viên Ủy ban Di sản thế giới, Thành Nhà Hồ đã được công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Trong thời gian tới mong tỉnh tiếp tục phối hợp với Bộ Ngoại giao để quảng bá hình ảnh, thu hút khách du lịch đến địa phương.

Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn bày tỏ tin tưởng với thế và lực mới của đất nước, sức mạnh, ý chí thống nhất của toàn Đảng, toàn dân, với sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả của các cơ quan liên quan, sự ủng hộ của nhân dân và bạn bè quốc tế, Việt Nam sẽ đảm nhiệm thành công các trọng trách đối nội và đối ngoại, đóng góp quan trọng vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực và quốc tế. Toàn thể cán bộ, nhân dân tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục đạt được những thành tích đáng tự hào, xứng đáng với truyền thống của mảnh đất địa linh, nhân kiệt, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đối ngoại đóng vai trò quyết định cho phát triển của Thanh Hóa

Đồng chí Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Xuân Thông)

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn và giúp đỡ của Bộ Ngoại giao đối tới tỉnh Thanh Hóa trong năm qua, đặc biệt là trong công tác đối ngoại, xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư…

Đánh giá cao kết quả công tác đối ngoại của tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Sở dĩ thời gian qua, Thanh Hóa đạt được những kết quả đáng mừng là có sự đóng góp rất lớn của công tác đối ngoại, trong một số lĩnh vực, nhất là về kinh tế, công tác đối ngoại đóng vai trò rất quan trọng. Tính đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã thu hút được 13,8 tỷ USD vốn FDI, 10 tỷ USD vốn trong nước. Để có được kết quả trên, trong nhiều năm qua, tập thể lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã tập trung rất cao cho kinh tế đối ngoại, với tinh thần kiên trì, bền bỉ, xác định rõ đường hướng, đối tượng, lĩnh vực ưu tiên, tập trung vào một số quốc gia phát triển, có tiềm năng, tiềm lực. Do đó, tỉnh Thanh Hóa đã thu hút được các dự án lớn đầu tư vào địa bàn, nổi bật nhất là dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn, nhiệt điện Nghi Sơn và nhiều dự án quan trọng khác. Tốc độ tăng thu ngân sách của Thanh Hóa hiện cao nhất cả nước khi năm 2010, thu ngân sách của tỉnh mới cân đối được 29%, đến 2018 Thanh Hóa cân đối được 84%, và đến năm 2019, Thanh Hóa đã thu được 27.359 tỷ đồng, cân đối trên 90% thu, chi trên địa bàn, tăng 6,51 lần năm 2010.

Đáng chú ý là thu nội địa của tỉnh đã đạt trên 17.400 tỷ đồng, cho thấy nội lực nền kinh tế của tỉnh ngày càng mạnh. Đến nay, quy mô kinh tế của Thanh Hóa đã đứng thứ 8 cả nước, thu hút FDI đứng top đầu cả nước. Vị thế của Thanh Hóa ở trong nước và trong khu vực không ngừng được nâng cao. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho rằng: Năm 2019, công tác đối ngoại của Thanh Hóa tiếp tục đạt được nhiều thành công và toàn diện trên các mặt công tác. Nhận thức về công tác đối ngoại đã được nâng lên.Thanh Hóa đã thực hiện rất tốt công tác đối ngoại với các nước láng giềng, truyền thống cũng như các đối tác mới, tranh thủ được tối đa các nguồn vốn để phát triển kinh tế - xã hội.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến nhấn mạnh, năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, các địa phương, đơn vị trong tỉnh vừa phải nỗ lực, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020, vừa phải chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025; nên yêu cầu công tác đối ngoại phải phát huy tốt nhất kết quả đạt được, bảo vệ vững chắc biên giới hải đảo, tập trung cao nhất phát triển kinh tế - xã hội nhanh, mạnh và bền vững hơn để nâng cao hình ảnh, vị thế của Thanh Hóa.

Hội nghị cũng đã nghe một loạt các tham luận của các đại biểu từ các ngành và địa phương nêu lên thực tiễn triển khai công tác đối ngoại và các kiến nghị cụ thể.

Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn trao đổi với các đại biểu. (Ảnh: Xuân Thông)

Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu. (Ảnh: Xuân Thông)

Một số thành tựu đối ngoại của Thanh Hóa

- Năm 2019, công tác đối ngoại của tỉnh Thanh Hóa được triển khai đồng bộ, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, mở ra những cơ hội mới trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài, hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế. Trong đó, nổi bật là hoạt động hợp tác quốc tế được triển khai ngày càng sâu rộng. Thanh Hóa không ngừng củng cố, nâng cao mối quan hệ hợp tác với một số địa phương có nhiều tiềm năng của các nước như tỉnh TULA, thành phố Saint Petersburg (Liên bang Nga); thành phố Seongnam, thành phố Gapyeong (Hàn Quốc); Vùng Mittelsachsen, (Cộng hòa Liên bang Đức); đang tiếp tục thực hiện hợp tác với thành phố Oyabe (Nhật Bản), các đối tác của Kuwait…

- Công tác ngoại giao kinh tế, xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch được tăng cường. Thanh Hóa tiếp tục kêu gọi được một số dự án FDI, ODA lớn, có sức tan tỏa, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế như: Dự án dầu khí của Tập đoàn Exxon Mobile, Dự án sản xuất điện tử của Tập đoàn FOXCOOM. Tỉnh Thanh Hóa luôn đứng trong TOP đầu về vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài. Đến nay, có 59 tổ chức Phi Chính phủ nước ngoài đã được cấp giấy đăng ký hoạt động và đang thực hiện 49 chương trình, dự án viện trợ tại Thanh Hóa, giá trị giải ngân năm 2019 đạt hơn 7 triệu USD. Có 1,7 triệu lượt người được hưởng lợi từ các chương trình, dự án phi chính phủ, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, phòng tránh - giảm nhẹ rủi ro thiên tai - ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn.

Xuân Thông

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thu-truong-bui-thanh-son-tham-du-tong-ket-cong-tac-doi-ngoai-nam-2019-tinh-thanh-hoa-106936.html