Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ bác tin tìm cách bãi nhiệm Tổng thống Trump

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ, ông Rod Rosenstein lập tức bác bỏ thông tin ông bàn chuyện bãi nhiệm Tổng thống Donald Trump bằng cách vận dụng Điều khoản 25 của Hiến pháp Mỹ và bí mật ghi âm các phát biểu của chủ nhân Nhà Trắng.

Bộ trưởng DOJ Sessions (trái) với Thứ trưởng Rosenstein - Ảnh: Getty Images

Theo báo New York Times ngày 21.9, hồi năm 2017 đã có những cuộc họp kín giữa ông Rosenstein với các quan chức cấp cao Cục điều tra liên bang (FBI) về khả năng vận dụng Điều khoản 25 để bãi nhiệm Tổng thống Mỹ và bí mật ghi âm những phát biểu của ông Trump.

Thông tin ông Rosenstein gợi ý vận dụng Điều khoản 25 được đưa ra, sau khi Times đăng một bài xã luận của một quan chức chính phủ giấu tên, cho biết các quan chức chính phủ bàn chuyện vận dụng điều khoản này để bãi nhiệm ông Trump.

Phó Tổng thống Mike Pence lập tức phủ nhận rằng ông không là tác giả.

Điều khoản 25 trong Hiến pháp Mỹ được thông qua năm 1967, sau khi Tổng thống Mỹ John Kennedy bị ám sát, mang nội dung “nếu phó tổng thống và đa số thành viên nội các đều có thể bãi nhiệm tổng thống, bằng cách gởi tuyên bố viết tay gởi đến lãnh đạo thượng-hạ viện Mỹ, nêu rõ tổng thống không thể đảm đương quyền hạn, chức vụ được giao. Phó tổng thống sẽ lập tức nhận lãnh quyền hạn và trách nhiệm của một tổng thống tạm quyền”.

Vị Thứ trưởng bất mãn Tổng thống đuổi Giám đốc FBI

Theo AP, không thể rõ ông Rosenstein có quyết tâm vận dụng Điều khoản 5 hay không, vì ông chỉ mới làm Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) được hai tuần lúc ông được cho là đã có những phát biểu kể trên.

Times đưa tin ông Rosenstein từng nói với cựu Phó Giám đốc Cục điều tra liên bang (FBI) Andrew McCabe rằng, ông có thể thuyết phục Bộ trưởng DOJ Jeff Sessions và ông John F. Kelly (nay là Chánh văn phòng Nhà Trắng) để vận dụng Điều khoản 25.

Times dẫn các nguồn tin giấu tên thuộc DOJ và những biên bản ghi nhớ của các quan chức cấp cao FBI dự các cuộc họp kín này, gồm ông McCabe ghi lại những phát biểu và hành xử của ông Rosenstein.

Ông Trump đã đuổi việc ông McCabe hồi tháng 3, vài ngày trước khi ông về hưu. Trong một tuyên bố, luật sư của ông McCabe nói ông đã nghỉ việc từ cuối năm 2017, không biết vì sao giới truyền thông lại có các biên bản ghi nhớ.

Tuyên bố còn nêu tất cả các biên bản ghi nhớ của ông McCabe đều đã được chuyển cho Công tố viên đặc biệt Robert Muller, người chỉ huy FBI điều tra hai nghi án Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016 và nhóm tranh cử của ông Trump thông đồng với các quan chức Nga.

Biên bản ghi nhớ ngày 12.5 của ông McCabe cho rằng ông Rosenstein “thất vọng, bị bất ngờ và phẫn nộ”, sau khi ông Trump sa thải Giám đốc FBI James Comey hồi tháng 5. Bài báo nêu ông Rosenstein ước ông Comey vẫn được lãnh đạo FBI.

Tờ báo Mỹ nêu ông Rosenstein còn lo ngại Tổng thống đã tuồn thông tin mật cho người Nga, ông Trump còn đòi ông Comey phải trung thành và yêu cầu DOJ kết thúc điều tra một trợ lý cấp cao của ông.

Ông Rosenstein còn bị bất ngờ khi biết Tổng thống Mỹ lấy cớ đuổi việc ông Comey bằng cách dùng một biên bản mà ông chỉ trích việc ông Comey xử lý vụ điều tra cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton (thời Tổng thống Barack Obama) dùng tài khoản thư điện tử cá nhân để xử lý việc công.

Ông Trump từng bất mãn ông Rosenstein

Ông Rosenstein nói bài báo “không chính xác” và các nguồn tin vô danh đứng sau vụ này “tự thúc đẩy chương trình hành động của họ và chống lại cơ quan chủ quản”.

Ông khẳng định: “Hãy để tôi nói rõ chuyện này. Từ quan hệ làm việc giữa tôi với Tổng thống, không có cơ sở nào để vận dụng Điều khoản 25”.

Khuya 21.9, ông Rosenstein lại mạnh mẽ phủ nhận: “Tôi chưa bao giờ cho phép hoặc áp dụng biện pháp ghi âm Tổng thống hoặc bất kỳ gợi ý rằng tôi ủng hộ bãi nhiệm Tổng thống là hoàn toàn sai”.

Người phát ngôn DOJ cung cấp một tuyên bố của một quan chức có mặt khi ông Rosenstein gợi ý đeo thiết bị ghi âm cho một cuộc gặp giữa ông với chủ nhân Nhà Trắng. Quan chức này được giấu tên, thuật rằng ông Rosenstein nói sự gợi ý này một cách mỉa mai.

Các nhà phân tích nói nếu ông Trump đuổi việc ông Rosenstein thì có thể gây hại nhiều hơn cho cuộc điều tra nghi án Nga can thiệp hơn là loại bỏ ông Muller.

Thứ trưởng DOJ Rosenstein hiện giám sát hai cuộc điều tra Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016. Vì Bộ trưởng DOJ Sessions tự rút khỏi cuộc điều tra này, nên nếu ông Rosenstein phải ra đi, Công tố viên đặc biệt Muller sẽ báo cáo kết quả điều tra với Tổng Biện lý sự vụ DOJ Noel Francisco, người thường chỉ trích chính phủ Mỹ nhúng tay can thiệp vào các vụ tham nhũng chính trị.

Theo AP, một số người thuộc đảng Dân chủ sợ ông Trump sẽ dùng thông tin để có lý do chính đáng sa thải ông Rosenstein, người luôn bị ông Trump chỉ trích và từ lâu có tin đồn vị Thứ trưởng DOJ sẽ bị đuổi việc.

Ông Trump từng bất mãn ông Rosenstein, nói ông là “kẻ nhu nhược”, và năm ngoái ông cáo buộc vị Thứ trưởng DOJ là đảng viên Dân chủ, dù ông Rosestein là đảng viên Cộng hòa như ông Trump.

Thượng nghị sĩ Charles E. Schumer thuộc đảng Dân chủ, nói nếu ông Rosenstein bị đuổi việc, thì có thể xem đấy là nỗ lực của ông Trump để cuộc điều tra của Công tố viên đặc biệt Muller, bằng cách cài một quan chức sẽ giúp ông Trump can thiệp vào cuộc điều tra này.

Ông Schumer còn nói: “Các tướng Kelly, Mattis, nhiều quan chức chính phủ và Nhà Trắng đều không bị đuổi việc, sau khi có tin họ đã có lời chỉ trích Tổng thống”, ý nói Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis.

Trung Trực (theo AP, Guardian)

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/thu-truong-bo-tu-phap-my-bac-tin-tim-cach-bai-nhiem-tong-thong-trump-97164.html