Thứ trưởng Bộ Tư pháp: 5 điều kiện cấu thành hành vi tội phạm của doanh nghiệp

Các doanh nghiệp không nên ác cảm với những quy định mới về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. Bởi lẽ theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Tiến Châu, về bản chất, nó ra đời chính là để bảo vệ những doanh nghiệp chân chính.

TS. Lê Tiến Châu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp

TS. Lê Tiến Châu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp

Như TheLEADER đã đưa tin trước đó, việc Bộ luật hình sự sửa đổi có hiệu lực từ đầu năm 2018 xuất hiện một chủ thể mới là pháp nhân thương mại với việc quy định rõ33 loại tội danh khiến nhiều doanh nghiệp "đứng ngồi không yên”.

Tuy nhiên, TS. Lê Tiến Châu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, với những quy định mới về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, các doanh nghiệp Việt Nam nên cảm thấy vui mừng mới đúng.

"Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi mang tới cho tôi rất nhiều cảm xúc. Vì đây là một trường hợp vô cùng hi hữu trong lịch sử ngành lập pháp của Việt Nam, khi một bộ luật chưa có hiệu lực đã bị mang ra sửa đổi. Bộ luật hình sự sửa đổi có hiệu lực đầu năm 2018 đã cơ bản định lượng tối đa tất cả những gì luật trước đây chỉ định tính", ông Châu cho biết.

Tuy nhiên, với sự phát triển như vũ bão của nền kinh tế thị trường, dù biết khó, song Nhà nước quyết tâm phải sửa đổi để phù hợp với thời cuộc đồng thời có công cụ chế tài xử phạt thích đáng những pháp nhân thương mại – doanh nghiệp gây nguy hại lớn cho môi trường xã hội.

Chia sẻ tại Chương trình Cà phê doanh nhân lần thứ 28 do Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM tổ chức, Thứ trưởng Lê Tiến Châu cho biết, hiện pháp nhân tại Việt Nam rất nhiều, nhưng trước mắt, Nhà nước chỉ tập trung vào pháp nhân thương mại, dựa vào pháp luật để hình sự hóa hành vi của pháp nhân thương mại.

Trước tiên, nó là công cụ nhằm bảo vệ những doanh nghiệp làm ăn chân chính, bài trừ những doanh nghiệp làm ăn trái pháp luật; sau đó, giúp lành mạnh hóa môi trường kinh doanh.

Trước năm 2018, có hai lĩnh vực mà các pháp nhân thương mại – doanh nghiệp hay vi phạm pháp luật nhất là môi trường và thuế.

Từ 2010 đến 2013, lực lượng Cảnh sát môi trường đã xử lý 25.000 vụ vi phạm, xử phạt hành chính 2.000 tỷ đồng, khởi tố trên 340 vụ với hơn 400 đối tượng. Năm 2016, có 7.000 vụ vi phạm pháp luật về môi trường, tăng 55,9% so với năm 2015. Thậm chí có những địa phương, đụng tới doanh nghiệp nào là doanh nghiệp đó vi phạm.

Tương tự, mỗi năm, các cục thuế trên cả nước đều phải truy thu và hoàn phạt các doanh nghiệp vài ngàn tỷ đồng. Trong đó, các doanh nghiệp FDI là những người hay vi phạm pháp luật về thuế nhất. Có địa phương, kiểm tra 16 công ty, tất cả đều không làm đúng pháp luật về thuế.

Riêng TP. HCM, có 164/193 doanh nghiệp FDI bị thanh tra vi phạm các hành vi khác nhau về thuế, giảm lỗ 870 tỷ đồng, truy thu 173 tỷ đồng.

"Theo luật, một tổ chức được xem là pháp nhân thương mại khi hội tụ đủ 3 yêu cầu sau: thành lập hợp pháp; cơ cấu tổ chức chặt chẽ; tài sản độc lập, tham gia giao dịch nhân danh mình", ông Châu cho biết.

Cũng theo ông Châu, chỉ khi pháp nhân thương mại đó có đủ 4 điều kiện cần và đủ sau mới phải chịu trách nhiệm hình sự trước pháp luật:

Thứ nhất, phải có hành vi phạm tội thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại, người đại diện có thể là lãnh đạo, người điều hành pháp nhân như giám đốc, chủ tịch, người được ủy quyền hợp pháp…

Thứ hai, hành vi phạm tội vì lợi ích của pháp nhân.

Thứ ba, hành vi phạm tội có sự điều hành, chỉ đạo, lên kế hoạch và được chấp nhận bởi pháp nhân thương mại.

Thứ tư, chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự do pháp luật quy định.

Theo đó, nếu một cá nhân thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật nhưng hành vi đó lại không hội đủ 4 điều kiện trên, thì chỉ một mình cá nhân đó chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Tuy nhiên, nhiều khi, để phán định một hành vi phạm tội trong thương mại thuộc trách nhiệm của cá nhân (lãnh đạo pháp nhân thương mại) hay pháp nhân thương mại không dễ. Điều kiện thứ 3 chính là thứ để quyết định nhận diện.

"Mối tương quan giữa pháp nhân thương mại và cá nhân: khi doanh nghiệp phạm tội thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm liên đới. Với những người đứng đầu pháp nhân, tất cả những người tham gia bàn bạc đều phải chịu trách nhiệm hình sự với người điều hành. Còn nếu không biết hoặc từng phản đối hành vi phạm tội đó, cá nhân sẽ không phải chịu trách nhiệm và được miễn trừ", ông Châu làm rõ hơn.

Bộ luật hình sự năm 2015 quy định 31 tội danh mà các pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự, Bộ luật hình sự sửa đổi năm 2018 có tăng thêm 2 tội danh nữa, thành 33.

Các doanh nghiệp nên chú tâm nhiên cứu những tội danh, mà nếu không chú ý, chúng ta sẽ rất dễ vô tình mắc phải: tội buôn lâu, tội trốn thuế, tội gây hại đến môi trường, buôn bán chất phụ gia nông nghiệp…

Quỳnh Như

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/thu-truong-bo-tu-phap-5-dieu-kien-cau-thanh-hanh-vi-toi-pham-cua-doanh-nghiep-20180205231907882.htm