Thứ trưởng Bộ TT&TT: Thu gọn các báo, tạp chí nếu thấy không cần thiết

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo, sẽ kiên quyết xử lý, thu gọn các báo, tạp chí, ấn phẩm, chương trình giải trí xét thấy không cần thiết.

Ngày 10/8, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn công tác chủ quản báo chí.

Đại diện lãnh đạo một số cơ quan chủ quản báo chí bộ, ngành, tổ chức, đoàn thể Trung ương; đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo, Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố, cán bộ làm công tác tham mưu, chỉ đạo, quản lý báo chí thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tham dự Hội nghị.

Toàn cảnh của hội nghị

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến tháng 6/2017, cả nước có 832 cơ quan báo, tạp chí in, trong đó có 193 báo (Trung ương: 86 và địa phương 107), 639 tạp chí (Trung ương 525, địa phương 114); có 150 cơ quan báo điện tử đã cấp phép (trong đó có 125 cơ quan báo in thực hiện loại hình báo điện tử); có 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương.

Hiện nay, cả nước có trên 18.000 nhà báo được cấp thẻ và khoảng trên 5.000 phóng viên đang làm việc tại cơ quan báo chí nhưng chưa đủ điều kiện cấp thẻ nhà báo. Số người làm việc trong lĩnh vực báo chí khoảng trên 35.000 người.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh: “Về cơ bản, các cơ quan báo chí đã thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, thông tin nhanh nhạy, đầy đủ, toàn diện về mọi diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội ở trong nước và quốc tế, là diễn đàn thực sự tin cậy của người dân.

Báo chí đã chủ động khai thác, tuyên truyền, phản ánh đậm nét các giải pháp điều hành kinh tế- xã hội của Chính phủ nhằm phát triển kinh tế, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần nâng cao niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ.

Đặc biệt, báo chí đã tích cực phát hiện, cổ vũ nhân tố mới, điển hình tiên tiến, thành tựu công cuộc đổi mới; kiến nghị, đề xuất giải pháp, hướng đi thiết thực, đấu tranh kiên quyết với những hành vi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực xã hội; tham gia giám sát, phản biện xã hội, phát huy quyền làm chủ của người dân”.

“Nhiều cơ quan báo chí tiếp tục phát huy được tính năng động, tích cực đấu tranh bảo vệ chủ quyền, đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước và cầu nối Việt Nam với bạn bè thế giới” - ông Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo

Ông Hoàng Vĩnh Bảo cũng chỉ ra nhiều thiếu sót, khuyết điểm của báo chí, như: Thông tin không đúng với tôn chỉ, mục đích, không đúng đối tượng phục vụ được quy định trong giấy phép. Một số ấn phẩm đăng tải quá nhiều tin tiêu cực, giật gân, câu khách, trái thuần phong mỹ tục, miêu tả tỉ mỉ, chi tiết các hành vi tội ác, thông tin mê tín dị đoan, chuyện thần bí không có cơ sở khoa học… gây phản cảm cho công chúng.

Thông tin thiếu nhạy cảm về chính trị, không phù hợp với lợi ích của đất nước, của nhân dân, không phù hợp định hướng thông tin, gây ra những tác động xấu đến dư luận xã hội, làm tổn hại đến lợi ích đất nước, lợi ích chính đáng của tổ chức, là kẽ hở để báo chí nước ngoài, các trang tin điện tử của các thế lực chống đối lợi dụng để xuyên tạc.

Một số cơ quan báo chí có hiện tượng coi nhẹ quy trình biên tập, duyệt bài, chưa coi trọng đúng mức trách nhiệm xã hội của báo chí. Không ít cơ quan báo chí (nhất là báo điện tử) khai thác thông tin từ truyền thông xã hội, nhưng lại buông lỏng hoặc bỏ qua khâu thẩm định nguồn tin nên đã cho đăng tải thông tin không chính xác, hoặc sai sự thật, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Về công tác phối hợp giữa cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí với cơ quan chủ quản báo chí trong việc chỉ đạo, quản lý cơ quan báo chí trực thuộc, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo nhận định, còn chưa chủ động, chạy theo sự vụ; cơ chế phối hợp liên cơ quan, trung ương và địa phương chưa gắn kết, còn nhiều hạn chế. Sự phối hợp giữa cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí còn chưa chặt chẽ, kịp thời.

Ông Hoàng Vĩnh Bảo cho hay, trên cơ sở những định hướng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác báo chí, các cơ quan chủ quản cần tiến hành rà soát chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan báo chí, sản phẩm báo chí, từ đó khẩn trương xây dựng đề án đổi mới, sắp xếp lại các cơ quan báo chí, sản phẩm báo chí của cơ quan, đơn vị, ngành mình theo hướng tinh gọn, thiết thực và hiệu quả. Kiên quyết xử lý, thu gọn các báo, tạp chí, ấn phẩm, chương trình giải trí xét thấy không cần thiết, hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ hoặc để sai phạm kéo dài.

Đồng thời, chú trọng việc thực hiện đầy đủ và có hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chủ quản báo chí theo quy định tại Điều 15 Luật Báo chí 2016.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến của đại biểu đã chỉ ra những khó khăn, thách thức trong quản lý, chỉ đạo báo chí và đã thảo luận “nóng” về các vấn đề: tiếp tục thực hiện quy hoạch báo chí như thế nào; tận dụng ưu thế của mạng xã hội để định hướng thông tin ra sao; tăng cường vai trò của các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý báo chí để xử lý vấn đề vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật hiện đang có dấu hiệu gia tăng…/.

Thu Thủy/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/thu-truong-bo-tttt-thu-gon-cac-bao-tap-chi-neu-thay-khong-can-thiet-657578.vov