Thứ trưởng Bộ NN và PTNT kiểm tra sản xuất nông nghiệp tại Nghệ An

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh yêu cầu Nghệ An cần tiếp tục tổ chức bám sát đồng ruộng, dự tính dự báo kịp thời, khoanh vùng sớm không để bệnh hại lan rộng, bảo vệ tốt diện tích, năng suất và sản lượng lúa vụ xuân.

Sáng 17/4, Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và PTNT do đồng chí Thứ trưởng Lê Quốc Doanh dẫn đầu đã đi kiểm tra tình hình sinh vật gây hại lúa đông xuân trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Cùng đi và làm việc với đoàn, về phía tỉnh Nghệ An có đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT.

Đoàn công tác đánh giá cao thành công của dự án sản xuất lúa gạo quốc gia của Bộ NN và PTNT tại huyện Yên Thành. Ảnh: Phú Hương

Đoàn công tác đánh giá cao thành công của dự án sản xuất lúa gạo quốc gia của Bộ NN và PTNT tại huyện Yên Thành. Ảnh: Phú Hương

Đoàn đã đi kiểm tra tại một số huyện trọng điểm trồng lúa của tỉnh như Quỳnh Lưu, Yên Thành và Diễn Châu, đánh giá thành công của dự án sản phẩm lúa gạo quốc gia đang triển khai tại xã Khánh Thành, huyện Yên Thành. Đến thời điểm hiện tại, Yên Thành có 11.000/12.500 ha lúa xuân đã trổ, Quỳnh Lưu 4.650/7.500 ha và Diễn Châu 2.500/9.200 ha.

Trên đồng ruộng, các loại sâu bệnh hại như đạo ôn lá, khô vằn, bạc lá - đốm sọc vi khuẩn đã xuất hiện, tuy nhiên sau khi được phòng, trừ, hiện tại diện tích đang bị sâu bệnh phát sinh và gây hại không đáng kể. Đồng thời nhờ chủ động trích ngân sách hỗ trợ diệt chuột ngay từ đầu vụ nên hạn chế việc chuột phát sinh gây hại nặng.

Hiện các địa phương đang tiếp tục tổ chức phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông và các loại bệnh khác như lem lép hạt, khô vằn…

Đoàn kiểm tra lúa xuân bị hại ở Quỳnh Lưu. Ảnh: Phú Hương

Làm việc với đoàn, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu thông tin: Vụ xuân 2020 Nghệ An gieo cấy 92.017 ha lúa, (đạt 102,2%). Đến nay, tổng diện tích lúa đã trổ trên 40.000 ha. Toàn tỉnh có trên 2.000 ha nhiễm bệnh đạo ôn lá, trên 50 ha đã nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông. Ngoài ra, bệnh khô vằn, lem lép hạt, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, sâu cuốn lá và rầy các loại cũng đã phát sinh, gây hại trên nhiều diện tích. Có trên 3.000 ha bị chuột gây hại, trong đó có 290 ha bị hại nặng và gần 20 ha có nguy cơ thiệt hại trên 70%.

Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tập trung tổ chức phòng trừ tốt các đối tượng sâu bệnh hại. Tuy nhiên, dự báo từ nay đến cuối vụ thời tiết sẽ diễn biến khó lường, có thể xuất hiện các đợt không khí lạnh, trời âm u, có mưa, ẩm độ cao, sương mù kéo dài,... thuận lợi cho các đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại.

Đến nay, Diễn Châu có trên 2.500 ha lúa đã trổ. Ảnh: Phú Hương

Trước tình hình đó, Nghệ An đã và đang tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo và tham mưu chỉ đạo phòng trừ dịch hại cây trồng, đặc biệt lưu ý như đạo ôn cổ bông, lem lép hạt, rầy cuối vụ,...Dự kiến tình hình lúa trổ để theo dõi và điều tra, dự tính và đề ra biện pháp phòng trừ. Theo đó, ngoài 40.000 ha đã trổ, từ nay đến 20/4 sẽ có thêm 15.000 ha lúa trổ, từ 21 - 25/4 là 27.000 ha và diện tích trổ sau 25/4 là 10.000 ha.

Đồng chí Thứ trưởng Lê Quốc Doanh ghi nhận Nghệ An là một trong những địa phương đã làm tốt nhất công tác dự tính dự báo và phòng, trừ sâu bệnh hại, diện tích lúa xuân sinh trưởng và phát triển rất tốt.

"Trong thời điểm dịch bệnh hiện nay, đảm bảo an ninh lương thực càng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, vì thế Nghệ An cần tiếp tục tổ chức bám sát đồng ruộng, dự tính dự báo kịp thời, khoanh vùng sớm không để bệnh hại lan rộng, bảo vệ tốt diện tích, năng suất và sản lượng lúa vụ xuân” - Thứ trưởng yêu cầu.

Phú Hương

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/thu-truong-bo-nn-va-ptnt-kiem-tra-san-xuat-nong-nghiep-tai-nghe-an-265966.html