Thứ trưởng Bộ Ngoại giao: Hà Nội nên mạnh dạn xác định mục tiêu trở thành thành phố mang tính toàn cầu về đối ngoại

Sáng 23/6, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý của các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trung ương vào Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Hà Nội sẽ báo cáo Bộ Chính trị vào tháng 9/2020

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố được xây dựng trên cơ sở 8 đề tài nghiên cứu thuộc Chương trình số 20-CTr/TU ngày 13/2/2018 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về Chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm thành phố Hà Nội “Những luận cứ khoa học để đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố (2015 - 2020), định hướng phát triển Thủ đô giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị.

Dự thảo lần này được đưa ra lấy ý kiến tại hội nghị là dự thảo lần 2, phiên bản thứ tám và đã được Ban Thường vụ Thành ủy thông qua. Về lộ trình theo kế hoạch, Dự thảo Báo cáo chính trị sẽ được trình Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố tại Hội nghị lần thứ hai mươi tư diễn ra vào tháng 7 tới. Vào tháng 9, Thành ủy sẽ báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị để trình Đại hội vào cuối tháng 10/2020.

Cũng theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, Dự thảo Báo cáo chính trị sử dụng số liệu đến hết năm 2019 là con số thực. Số liệu năm 2020 đều là dự tính hoặc do Tổng cục Thống kê công bố nhưng chưa được đánh giá lại. Đến tháng 9/2020, trước khi trình Bộ Chính trị, khi thành phố đã có số liệu quý III, Tiểu ban Văn kiện sẽ cập nhật số liệu năm 2020.

Phát triển thị trường bất động sản bảo đảm công khai, minh bạch

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho rằng, Dự thảo cần làm rõ thêm yêu cầu đẩy mạnh công tác quy hoạch gắn với có kế hoạch thực hiện quy hoạch, chương trình phát triển đô thị làm căn cứ tăng cường quản lý đô thị; nên bổ sung thêm các chỉ tiêu về phát triển nhà ở.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu tại hội nghị

Theo đó, Hà Nội phát triển nhà ở thương mại rất hiệu quả, nhưng cần đánh giá kỹ hơn về kết quả phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ; đồng thời nên có giải pháp về phát triển thị trường bất động sản bảo đảm công khai, minh bạch.

Đánh giá cao mục tiêu tổng quát trong Dự thảo Báo cáo Chính trị của Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang đề nghị, cần xác định lộ tình cụ thể trong việc thực hiện mục tiêu, xây dựng Thủ đô xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, xây dựng TP thông minh.

Đặc biệt, cần phải xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp nhằm tăng cường tiềm lực quốc phòng an ninh. Trong bất cứ hoàn cảnh nào giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Xây dựng thế trận lòng dân, kiên quyết đấu tranh làm thất bại các hoạt động chống phá của các thế lực xấu, thù địch.

Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh đánh giá, Dự thảo Báo cáo chính trị của Hà Nội đã được chuẩn bị nghiêm túc, trí tuệ, kết cấu chặt chẽ; nội dung có hàm lượng thông tin cao, đánh giá khá toàn diện kết quả thực hiện, thể hiện tầm quan trọng, vai trò lãnh đạo của Đảng, Thành ủy Hà Nội đối với kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ qua. Các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã thể hiện được khát vọng phát triển rất cao của thành phố.

Hà Nội có 5 cái nhất về đối ngoại

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đề nghị thành phố Hà Nội đánh giá sâu sắc hơn kết quả lĩnh vực tài chính, ngân sách. Hà Nội là một trong những địa phương hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu tài chính ngân sách đặt ra; điều hành ngân sách hợp lý, an toàn; là địa phương đóng góp cao nhất cho sự ổn định về tài chính, ngân sách quốc gia trong 5 năm qua.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn

Về các nội dung định hướng nhiệm kỳ 2020 - 2025, Thứ trưởng Bộ Tài chính đề nghị thành phố đưa cải cách thể chế trở thành khâu đột phá thứ nhất, vì đây vẫn là giải pháp chính để khắc phục những bất cập, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy phát triển trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, dự thảo cẩn phải đánh giá kỹ hơn về kết quả công tác đối ngoại của thành phố. Theo đó, Hà Nội đã đi đầu về đối ngoại, là bức tranh thu nhỏ thành công đối ngoại của cả nước, có nhiều cách làm sáng tạo, thực chất.

"Hà Nội có 5 cái nhất về đối ngoại so với các tỉnh, thành phố khác, đó là: Nơi có nhiều hiệp định ngoại giao nhất; nhiều danh hiệu của UNESCO nhất; có nhiều thành phố kết nghĩa nhất; thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất và diễn ra giao lưu văn hóa đối ngoại nhiều nhất" - Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh.

Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ đề nghị, thời gian tới, Hà Nội nên mạnh dạn xác định mục tiêu trở thành thành phố mang tính toàn cầu về đối ngoại; đặt đối ngoại ở vị trí cao hơn, coi là động lực phát triển, trên cơ sở đó xây dựng chiến lược phát triển đối ngoại, xây dựng nền ngoại giao vì người dân và doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên

Về lĩnh vực môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên cho rằng, bên cạnh mục tiêu về tăng trưởng kinh tế thì vấn đề môi trường là chiến lược để đảm bảo phát triển bền vững.

"Thành phố cũng cần quy hoạch, có diện tích hợp lý cho cây xanh, mặt nước, nhất là những vùng phát triển mới ngoài vành đai 3, vành đai 4. Cùng với đó, Hà Nội cần khai thác hiệu quả hơn nguồn lực tài nguyên, nhất là quỹ đất ven sông Hồng" - ông Kiên nhấn mạnh.

Thế Công

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/thu-truong-bo-ngoai-giao-ha-noi-nen-manh-dan-xac-dinh-muc-tieu-tro-thanh-thanh-pho-mang-tinh-toan-cau-ve-doi-ngoai-20200623152519179.htm