Thứ trưởng Bộ Giao thông: Ứng dụng gọi xe phải là taxi

Nhiều khả năng các công ty cung cấp ứng dụng gọi xe công nghệ như Fast Go, Be, VATO... sẽ bị quản giống như taxi truyền thống.

Tại buổi góp ý kiến về dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 do Bộ Giao thông Vận tải chủ trì vừa tổ chức chiều 8-4 tại Hà Nội, nhiều chuyên gia trong ngành giao thông vận tải cũng như các quan chức năng liên quan đều đề xuất sẽ quản lý xe chở khách dưới 9 chỗ có ứng dụng phần mềm như Fast Go, Be... giống như taxi truyền thống.

Trong hơn 3 năm qua, sự tranh cãi về phần mềm đặt xe dưới 9 chỗ là taxi hay hợp đồng liên tục rơi vào trạng thái bế tắc kéo theo toàn bộ các loại hình kinh doanh vận tải chịu ảnh hưởng chung.

Phải thu đủ 10% thuế VAT

Theo nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải, nguyên nhân chính là do sự tranh cãi về phần mềm đặt xe dưới 9 chỗ, được xếp vào loại hình taxi hay hợp đồng. Chính sự tranh cãi này đang gây hệ lụy lớn cho trật tự quản lý hệ thống ngành vận tải toàn quốc, như chúng ta biết, ngành vận tải đường bộ đâu chỉ có mỗi mình xe dưới 9 chỗ sử dụng phần mềm đặt xe, tại sao bắt các loại hình kinh doanh vận tải khác phải liên lụy như: xe buýt, taxi, hợp đồng, xe du lịch, xe tuyến cố định, vận tải hàng hóa...

Ông Văn Công Điểm, đại diện công ty FUTA Bus Lines cho rằng số đông doanh nghiệp kinh doanh vận tải đều ủng hộ ''phương án quản lý xe chở khách dưới 9 chỗ có ứng dụng phần mềm đặt xe là xe Taxi'' (không có loại hình xe sử dụng hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ - như PA1 trong tờ trình của Bộ GTVT), tức doanh nghiệp kinh doanh có sử dụng phần mềm Ứng dụng Gọi xe cũng phải là loại hình xe Taxi nhằm sớm lặp lại trật tự kỷ cương trong ngành vận tải, lặp lại trật tự quản lý đô thị, tránh tối đa thất thu thuế.

Lý giải về quan điểm này, ông Điểm phân tích: Việc sử dụng xe nhàn rỗi để kinh doanh vận tải, cũng cần quy định rõ, không thể ngày nào cũng đưa xe ra kinh doanh, hàng ngày chạy vài chục cuốc xe mà gọi là xe nhàn rỗi được! Ít nhất Luật bắt buộc khi muốn chạy xe kinh doanh thu tiền thì phải đăng ký trở thành 1 thành viên chính thức của 1 Hợp tác xã vận tải nào nào đó rồi mới được chạy xe kinh doanh; đồng thời phải có nghĩa vụ đóng thuế đúng đủ mà trước nhất là phải nộp thuế VAT 10% trên tổng doanh thu vận tải từ mỗi cuốc xe chạy có phát sinh thu tiền của khách gọi xe.

Trước đó, đại diện Grab từng kiến nghị Thủ tướng phân loại phương tiện ô tô sử dụng dịch vụ kết nối vận tải là taxi, nhưng cần có sự phân biệt trong quy định giữa taxi kết nối qua ứng dụng trực tuyến (taxi công nghệ) và taxi sử dụng đồng hồ tính tiền meter (taxi truyền thống).

Thay vào đó, có thể yêu cầu lắp đặt bảng đèn LED gắn trong xe, ngay phía sau kính chắn gió. Các bảng đèn LED này phải được bật khi xe đang kinh doanh và có thể tắt đi khi xe không phục vụ; không được đón khách vãng lai trên đường mà không thông qua dịch vụ kết nối vận tải.

Trong khi Grab ngày càng lớn mạnh và phát triển ra nhiều mảng kinh doanh mới, thì doanh thu Vinasun đã xuống thấp nhất 8 năm và lợi nhuận xuống thấp nhất 10 năm.

Trong khi Grab ngày càng lớn mạnh và phát triển ra nhiều mảng kinh doanh mới, thì doanh thu Vinasun đã xuống thấp nhất 8 năm và lợi nhuận xuống thấp nhất 10 năm.

App gọi xe phải là taxi

Kết luận buổi góp ý, ông Lê Đình Thọ Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng: nếu các app vận tải chỉ hoạt động đơn thuần là cung cấp phần mềm dịch vụ thì chuyện đó không có gì để nói, cứ làm theo đúng như hợp đồng cam kết là được. Nhưng thực tế, các hãng này vừa cung cấp ứng dụng phần mềm gọi xe đồng thời vừa tham gia vào thị trường và điều tiết về giá cả thì khi đó nó dứt khoát đã trở thành doanh nghiệp kinh doanh vận tải”, ông Thọ nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho biết: Đến giờ đã là năm thứ 4 hoạt động đối với các hãng gọi xe bằng công nghệ rồi, việc thí điểm từng đấy năm đã quá đủ rồi, giờ không còn gì phải tranh cãi nữa mà phải khẳng định ngay rằng đây chắc chắn là loại hình kinh doanh dịch vụ vận tải. Xem xét về bản chất nền tảng công nghệ, thì các app gọi xe như hiện nay đang dùng trí tuệ nhân tạo để xác định vị trí và kết nối hành khách, quyết định mức giá tùy vào từng thời điểm. Vậy thì bản chất nó chính là taxi thời công nghệ 4.0”, ông Hùng nói.

Tương tự, đại diện hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam đặt câu hỏi: Với phần mềm đặt xe, gọi xe, tính tiền trên km vận chuyển, vậy bản chất hoạt động của Be, Go-Viet, VATO… có phải là taxi không? Do đó cần phải làm rõ khái niệm bản chất hoạt động của loại hình app vận tải. Để từ đó cần nhanh chóng đưa ra các quy định phù hợp, tạo môi trường kinh doanh công bằng giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải hành khách.

THÙY LINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/giao-thong/thu-truong-bo-giao-thong-ung-dung-goi-xe-phai-la-taxi-826582.html