Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ khảo sát tình hình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới tại TPHCM

Sáng 18-3, đoàn công tác của Bộ GD-ĐT do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ dẫn đầu đã đến thăm và làm việc tại Trường Tiểu học Phong Phú 2 (huyện Bình Chánh, TPHCM) về triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018.

Đi cùng đoàn có Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Xuân Thành và Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu; cùng đại diện các phòng chuyên môn của Sở GD-ĐT TPHCM.

Buổi làm việc có sự tham dự của lãnh đạo UBND huyện Bình Chánh, phòng GD-ĐT và hiệu trưởng 37 trường tiểu học, 18 trường THCS trên địa bàn.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ thăm và dự giờ tiết học môn Toán tại lớp 1/3, Trường Tiểu học Phong Phú 2, huyện Bình Chánh

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ thăm và dự giờ tiết học môn Toán tại lớp 1/3, Trường Tiểu học Phong Phú 2, huyện Bình Chánh

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Trí Dũng, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh cho biết, hàng năm tỷ lệ dân số tăng cơ học toàn huyện khá cao (13,66%) dẫn đến tổng số học sinh tăng thêm ở các cấp học, bậc học trên 4.000 học sinh. Do đó, sĩ số học sinh/lớp, số lớp/trường còn khá cao so với quy định, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày còn thấp ở cấp tiểu học và THCS.

Đặc biệt, tại hai xã Vĩnh Lộc A (dân số trên 140.000 người), Vĩnh Lộc B (dân số trên 130.000 người) gặp khó khăn về giải quyết chỗ học cho người dân. Hàng năm, địa phương đều có kế hoạch quy hoạch trường, lớp nhưng vẫn còn tình trạng thiếu chỗ học, học sinh chưa được học 2 buổi/ngày ở các khu vực này.

Trong năm học 2020-2021, toàn huyện có 1.320 lớp với 47.903 học sinh (tỷ lệ 36,3 học sinh/lớp) ở bậc tiểu học. Trong đó, khối 1 có 207/295 lớp với 7.174/10.436 học sinh toàn huyện được học 2 buổi/ngày (đạt tỷ lệ 70,2%).

Tính đến tháng 3-2021, huyện Bình Chánh còn 7 trường tiểu học tổ chức dạy học trên 5 buổi/tuần do không đủ phòng học vì dân số tăng cơ học nhanh, tập trung chủ yếu ở các xã Phạm Văn Hai, Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B.

Trưởng phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh nhận định, năm học 2020-2021 là năm đầu tiên triển khai CT GDPT 2018 nên SGK đến tay phụ huynh trễ hơn so với mọi năm, sự hợp tác của phụ huynh với nhà trường còn hạn chế. Hiện nay, các trường tiểu học trên địa bàn huyện sử dụng 2 bộ SGK khác nhau, 3 sách tiếng Anh đối với lớp 1 gây khó khăn cho học sinh khi chuyển trường trong và ngoài huyện.

Về đội ngũ giáo viên thực hiện chương trình, SGK lớp 1, lãnh đạo phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh cho biết, công tác tuyển dụng giáo viên tiếng Anh gặp nhiều khó khăn do không có giáo viên tham gia ứng tuyển hoặc bỏ nhiệm sở sau một thời gian công tác. Năm học 2020-2021, toàn huyện còn thiếu 42 giáo viên tiếng Anh và 17 giáo viên Tin học cấp tiểu học, 17 giáo viên tiếng Anh cấp THCS.

Tới đây, để tiếp tục triển khai CT GDPT 2018 đối với lớp 2 và lớp 6, địa phương sẽ đưa vào sử dụng 1 trường tiểu học mới, chỉ đạo các trường tiếp tục rà soát, tuyển dụng bổ sung, bố trí sử dụng đội ngũ giáo viên lớp 1, 2 đáp ứng yêu cầu thực hiện CT GDPT 2018.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ (ngoài cùng bên phải) và Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu trao đổi với học sinh sau khi kết thúc tiết học

Phát biểu tại buổi làm việc, cô Nguyễn Thị Thu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Lộc 2 (xã Vĩnh Lộc A) cho biết, do khó khăn về giải quyết chỗ học nên trường phải tổ chức dạy học cả vào thứ bảy, dạy học 1 buổi/ngày gây khó khăn trong tổ chức hoạt động.

Chia sẻ về kinh nghiệm triển khai CT GDPT 2018 đối với lớp 1, thầy Dương Quang Anh Vũ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Nhựt 6 cho biết, nhà trường đã chủ động sắp xếp thời khóa biểu, không để học sinh học quá nhiều âm, vần trong một tuần, ngoài ra phân nhóm trình độ học sinh, dạy học theo phân hóa đối tượng, không đặt ra yêu cầu cần đạt chung đối với tất cả học sinh trong lớp.

Cô Trang Phạm Vũ Hạ, giáo viên chủ nhiệm lớp 1/3, Trường Tiểu học Phong Phú 2 chia sẻ, qua hơn một học kỳ triển khai CT GDPT 2018, thực tế cho thấy so với chương trình cũ, học sinh học CT GDPT 2018 hoàn thiện các kỹ năng đặt câu, hiểu biết về cấu tạo số tốt hơn. Tuy nhiên, đối với học sinh chậm tiếp thu, nhà trường phải tổ chức thêm các buổi phụ đạo vào thứ bảy nhằm giúp các em theo kịp chương trình.

Qua lắng nghe báo cáo tình hình thực tế tại địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ bày tỏ, CT GDPT 2018 đã có quá trình chuẩn bị và xây dựng trong 6 năm trời với mục tiêu đem lại hiệu quả giảng dạy thực chất cho học sinh. Để triển khai chương trình, các địa phương đã có sự chuẩn bị kỹ càng, triển khai nghiêm túc, bài bản.

Sau khi kết thúc năm học 2020-2021, Bộ GD-ĐT sẽ có tổng kết, đánh giá lại kết quả triển khai chương trình để chia sẻ kinh nghiệm, làm cơ sở tiếp tục triển khai đối với lớp 2 và lớp 6.

Trước đó, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đã thăm và dự giờ một tiết học của học sinh lớp 1/6, Trường Tiểu học Phong Phú 2. Giờ học môn Toán do cô giáo Võ Thị Thu Hồng phụ trách với bài học “Bảng các số từ 1 đến 100 (tiết 3)”.

Tiết học diễn ra sôi nổi với nhiều hoạt động như tổ chức cho học sinh làm việc theo nhóm, trò chơi đóng vai nhằm giúp học sinh tìm hiểu về mối quan hệ, thứ tự sắp xếp dãy số cho trước.

Kết thúc tiết học, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá, giáo viên và học sinh đã bắt nhịp được chương trình mới. Tiết học được tổ chức với nhiều hoạt động, tạo được hứng thú cho học sinh.

THU TÂM

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/thu-truong-bo-gddt-nguyen-huu-do-khao-sat-tinh-hinh-trien-khai-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-tai-tphcm-719464.html