Thu tiền tỉ từ cây dược liệu dưới tán rừng

Thực tiễn ở huyện miền núi Võ Nhai (Thái Nguyên) là minh chứng cho thấy nếu có chính sách, có hướng đi tốt để bảo tồn, phát triển, cây dược liệu có thể làm giàu.

Trồng 0,5 ha ba kích, thu 2 tỷ đồng

Bốn năm trước, HTX Thịnh Vượng, xóm Bản Chang, xã Nghinh Tường (Võ Nhai, Thái Nguyên) đột ngột chuyển ngược hướng sản xuất kinh doanh. Đang từ hoạt động xây dựng, giao thông thủy lợi trên địa bàn huyện vùng cao với không ít việc làm, HTX chuyển sang làm nông nghiệp với cây trồng chủ lực là cây dược liệu.

 Cây chè hoa vàng, một trong những cây dược liệu đang được HTX Thịnh Vượng mở rộng phát triển. Ảnh: Đ.V.T.

Cây chè hoa vàng, một trong những cây dược liệu đang được HTX Thịnh Vượng mở rộng phát triển. Ảnh: Đ.V.T.

Ông Hà Quốc Vượng (dân tộc Tày, Giám đốc HTX) lý giải: Năm 2013, HTX Thịnh Vượng trồng 2 nghìn cây ba kích dưới tán rừng trên diện tích khoảng 0,5 ha. Sau 4 năm, số ba kích này cho thu hoạch đạt sản lượng gần 8 tấn với giá trị gần 2 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, HTX còn lãi khoảng 1,5 tỷ đồng.

Nhận thấy tiềm năng từ cây dược liệu, ông Thịnh đã bàn với các anh em trong gia đình, hàng xóm và nhận được sự ủng hộ. HTX Thịnh Vượng có đăng ký kinh doanh mới được ra đời với số thành viên là 7 người. Tổng diện tích đất góp của các thành viên là 80 ha, trong đó 3 anh em ông Vượng là Hà Văn Tiệp, Hà Quốc Thịnh và Hà Quốc Vượng có 45 ha đất góp.

Xác định việc đầu tư trồng cây dược liệu cần phải có thời gian mới cho thu hoạch, để lấy ngắn nuôi dài, HTX đã chọn trồng chuối tây Thái và nghệ. Các loại cây dược liệu "dài hơi” được lãnh đạo HTX tìm hiểu ngọn ngành, liên kết bao tiêu với các đơn vị rồi mới triển khai trồng.

Lái xe ô tô bán tải vượt đèo, đưa chúng tôi vào vùng trồng dược liệu, ông Vượng cho biết, dưới những tán cây chuối tây Thái bây giờ là nhiều loại cây dược liệu như ba kích, chè hoa vàng, nghệ... (những cây ưa bóng).

Chỉ sang đồi cao bên phải, ông nói đó là đinh lăng, sa chi, cát sâm. Thống kê nhanh, HTX Thịnh Vượng có hơn 10 ha chuối, 5 ha nghệ, 2 ha cam quýt, 5 ha ba kích, 3 ha chè hoa vàng, 2 ha cát sâm, 2 ha đinh lăng, 1 ha sa chi... sơ sơ có khoảng gần 40 ha cây trồng đã sắp cho thu hoạch.

Có được diện tích dược liệu nói trên, HTX đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng mua giống, vật tư và tổ chức trồng cấy. Duy trì hoạt động sản xuất, ngoài các thành viên, HTX đã tạo việc làm thường xuyên cho hơn 30 lao động địa phương, với mức thu nhập bình quân đạt 5 triệu đồng/người/tháng.

Cây khôi nhung từng là cây mọc tự nhiên, đã được đưa về phục hồi trồng dưới tán rừng cho bà con huyện Võ Nhai (Thái Nguyên). Ảnh: Đ.V.T.

Là một HTX ở vùng cao, tiềm lực có hạn, những khoản đầu tư trong quá trình chờ thu hoạch cây dược liệu dài ngày đã được ban quản trị tính toán từ trước. Theo đó, 10 ha chuối tây Thái với thu nhập hàng ngày chính là nguồn để chi trả nhân công. Thêm vào đó là hàng chục tấn nghệ củ mỗi năm cũng mang lại nguồn thu đáng kể.

Điều đáng quý là ông Giám đốc HTX người Tày không dấu giếm triển vọng của các loại cây dược liệu mà HTX đang trồng. HTX sẵn sàng thẩm định năng lực của các hộ dân để liên kết sản xuất. Trước mắt, HTX tổ chức việc trồng cây đạt 100% diện tích đã có, đồng thời hình thành khu chế biến, chế xuất thành phẩm để cung ứng cho các đơn vị bao tiêu cũng như thị trường.

Ông Hà Văn Quyển, Bí thư Đảng ủy xã Nghinh Tường (huyện Võ Nhai) cho biết, HTX Thịnh Vượng được lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở kỳ vọng sẽ là đơn vị đi đầu trong việc khai phá tiềm năng kinh tế từ cây dược liệu ở vùng đất miền núi khó khăn này.

Hầu hết các loại cây trồng dược liệu của HTX Thịnh Vượng đều hợp đất, sinh trưởng, phát triển tốt và hứa hẹn cho năng suất, sản lượng cao.

Đơn cử như cây chè hoa vàng, sau 3 năm, cây đã cao tới 1,5 - 1,7 mét. Hay cây ba kích, bước sang năm thứ tư, các gốc đã cho trọng lượng củ đạt 4 - 5 kg, có gốc đạt tới 8 - 9 kg. Ông Vượng nhẩm tính, giá giống của cây chè hoa vàng là 35.000 đồng/cây nhưng hiện nay, nhiều người đã đồng ý trả cho HTX cả triệu đồng/cây lớn.

Với cây ba kích, chỉ cần tính trung bình 5 kg/gốc. HTX có 5 ha nhân với 4000 gốc/ha thì sản lượng thu hoạch là 100 tấn. Nếu bán với giá hiện tại là 200.000 đồng/kg thì giá trị của 5 ha ba kích đã là 20 tỷ.

100 ha cây dược liệu tập trung

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Võ Nhai cho biết, Võ Nhai có nguồn dược liệu khá phong phú và đa dạng, nhiều loại dược liệu quý hiếm được tìm thấy tại các khu rừng đặc dụng, khu bảo tồn loài và sinh cảnh.

Cây sachi mới được du nhập vào trồng tại một số HTX trồng cây dược liệu tại huyện Võ Nhai (Thái Nguyên). Ảnh: Đ.V.T.

Xác định được tiềm năng, lợi thế đó, địa phương đã khuyến khích, hỗ trợ các chương trình, dự án phát triển cây dược liệu. Vì vậy, Võ Nhai là địa phương có diện tích cây dược liệu lớn nhất của tỉnh Thái Nguyên.

Ngoài hàng trăm ha cây dược liệu theo các chương trình đầu tư, dân tự trồng, mới đây, UBND huyện đã phát triển vùng dược liệu tập trung có quy mô 100 ha. Địa bàn được chọn để xây dựng vùng dược liệu tập trung chủ yếu là các xã nằm trong vùng lõi của khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng thuộc các xã như Cúc Đường, Nghinh Tường, Dân Tiến, Phú Thượng, Lâu Thượng, La Hiên, Phương Giao. Kinh phí thực hiện ước tính 7 tỷ đồng, trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 2,8 tỷ đồng; ngân sách huyện hỗ trợ 1 tỷ đồng, còn lại là huy động vốn đối ứng.

Ông Nguyễn Quang Lịch, Giám đốc Ban quản lý (BQL) Rừng đặc dụng, rừng phòng hộ tỉnh Thái Nguyên cho biết, từ năm 2012, BQL đã phối hợp thực hiện mô hình trồng cây ba kích tại khu vực rừng đặc dụng, phòng hộ với triển vọng tìm hướng đi mới tạo sinh kế bền vững cho người dân.

Nhân rộng mô hình, BQL chọn các hộ có khả năng đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật, vị trí thuận tiện cho việc tham quan, trao đổi kinh nghiệm với các vùng lân cận, nhất là cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, mang lại thu nhập cho người dân. Qua đó tạo tiền đề cho phát triển, nhân rộng ra các xã khác.

Khi dược liệu được thu hoạch, BQL kết nối đơn vị thu mua, công ty dược phẩm hướng dẫn người dân sơ chế, bảo quản và bao tiêu sản phẩm. Có thể nói đây là hướng phát triển kinh tế bền vững cho đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng lõi, vùng đệm. Qua đó, giảm áp lực đối với việc xâm hại rừng, góp phần tích cực bảo vệ Khu bảo tồn thiên nhiên

Thay đổi tư duy người dân

Đưa chúng tôi thăm mô hình trồng cây khôi nhung ở xã Sảng Mộc (huyện Võ Nhai), anh Hà Mậu Hiệp, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Nghinh Tường cho biết, ban đầu, dân bản vốn chỉ quen với tra ngô, trồng sắn.

Được sự khích lệ, cùng với các chính sách, hướng dẫn kỹ thuật cụ thể nên khi trồng dược liệu, đồng bào đã thực hiện rất đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật.

Võ Nhai đã có những chính sách, nguồn lực hỗ trợ kịp thời cho việc bảo tồn, phát triển cây dược liệu gắn với nghề rừng. Ảnh: Đ.V.T.

Trước kia, cây khôi nhung mọc tự nhiên, phổ biến dưới tán rừng Sảng Mộc nhưng do khai thác tự do nên đã cạn kiệt. Bí thư Đảng ủy xã Sảng Mộc, ông Nông Quý Dương là người đã đưa ra ý tưởng phục hồi cây khôi nhung.

Ông Dương tính toán, 1 ha rừng có thể trồng khoảng 4.000 cây khôi nhung dưới tán. Sau 1 năm trồng, diện tích này có thể cho thu hoạch khoảng 2 tấn lá khô, đạt giá trị khoảng 400 triệu đồng, chắc chắn lợi nhuận sẽ đạt khoảng 300 triệu đồng.

“Đây có thể là mô hình giúp người dân thoát nghèo bởi chi phí đầu tư phù hợp, thời gian sinh trưởng ngắn và quan trọng là người dân vừa kết hợp việc phát dọn dây leo, đồng thời trồng cây dược liệu dưới tán rừng”, ông Dương nhận định.

Dự án trồng cây khôi nhung do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Võ Nhai triển khai dang hứa hẹn triển vọng thu nhập tốt cho người dân.

Cùng với các chương trình, dự án, việc phát triển cây dược liệu tại huyện vùng cao Võ Nhai hiện đã thu hút không ít người dân, doanh nghiệp tham gia. Các HTX cây dược liệu đã được thành lập như HTX Thịnh Vượng (xã Nghinh Tường với quy mô 80 ha), HTX phát triển dược liệu Võ Nhai, Công ty Dược liệu La Hiên...

Ngoài cây dược liệu bản địa, còn có các loại cây dược liệu được du nhập mới đinh lăng, hà thủ ô, chè hoa vàng, cát sâm, cà gai leo, ba kích, nghệ, khôi nhưng, ca chi, đàn hương...

Bà Bùi Thị Sen (Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai) cho biết, quy mô diện tích trồng dược liệu trên địa bàn huyện Võ Nhai đang từng ngày được mở ộng. Tuy nhiên vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế.

Tín hiệu đáng mừng là các loài cây dược liệu được đưa vào sản xuất trên địa bàn đều phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, sinh trưởng, phát triển tốt, hứa hẹn năng suất, sản lượng đạt cao.

Huyện Võ Nhai coi đó là hướng kinh tế đặc trưng và sẽ có cơ chế chính sách để thúc đẩy sự phát triển mang lại hiệu quả ngày càng cao.

Đồng Văn Thưởng - Nguyễn Toán

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/thu-tien-ti-tu-cay-duoc-lieu-duoi-tan-rung-d289253.html