Thu tiền thật từ 'sống ảo'

Nhờ xu hướng thích 'sống ảo' của một bộ phận không nhỏ du khách, nhất là giới trẻ, thời gian gần đây, tại Đà Lạt đã xuất hiện hàng loạt điểm check in khá thú vị, thu hút lượng lớn du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Hơn 2 năm trước, “Cánh đồng hoa cẩm tú cầu” (tổ Lộc Quý, xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt) nổi lên là địa điểm được rất nhiều bạn trẻ nhất định phải check in khi đi du lịch Đà Lạt. Ban đầu, nhiều người cho rằng khu vườn trồng hoa cẩm tú cầu rộng 2ha chỉ là điểm tham quan tự phát, sẽ sớm đóng cửa. Tuy nhiên, hiện nay trung bình mỗi ngày khu vườn đón hơn 300 khách tham quan, cuối tuần đón 500 - 700 khách, những ngày lễ đón hơn 1.000 lượt khách. Từ một cánh đồng trồng hoa cẩm tú cầu chuyên cắt cành bán, gia đình anh Nguyễn Văn Trung (44 tuổi, chủ nhân khu vườn) quyết định mở thành điểm tham quan. Anh Trung nhớ lại: “Thời điểm năm 2017, giá hoa cẩm tú cầu cắt cành bấp bênh, thị trường không ổn định, có lúc cả khu vườn rộng lớn nở rộ hoa nhưng không ai mua. Sau đó một số nhiếp ảnh gia, ê kíp chụp ảnh cưới đi ngang qua thấy đẹp ngỏ ý xin chụp nên chúng tôi để mọi người vào tham quan”.

Khu vườn cẩm tú cầu tại Đà Lạt được cải tạo để đón khách tham quan. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Chỉ một thời gian ngắn, du khách từ khắp nơi tìm đến để chiêm ngưỡng vẻ đẹp tự nhiên của khu vườn cẩm tú cầu. Lúc này gia đình anh Trung quyết định thu phí và giữ lại toàn bộ hoa tại vườn để khách chụp ảnh, không cắt bán. “Ban đầu chỉ rải rác một vài nhóm khách lẻ nhưng sau đó các tour tham quan từ trung tâm cũng đăng ký đưa khách đến khu vườn như một điểm cố định trong hành trình nên chúng tôi quyết định đầu tư 2 bãi đậu xe, 10 nhà vệ sinh và cả phòng thay đồ cho du khách”, anh Trung chia sẻ. Ngoài ra, khu vườn còn giữ nguyên hiện trạng nhà vườn Đà Lạt bằng lối đi đất, vườn giật cấp bậc thang và giữ lại căn nhà gỗ nghỉ ngơi trước kia. Nhờ trào lưu check in mà năm qua gia đình anh Trung thu về hơn 2 tỷ đồng tiền bán vé, vừa ổn định thu nhập lại cao hơn trồng hoa cắt cành.

Một cái tên mới nổi khác là: “Hồ vô cực Đà Lạt”, nằm trong khuôn viên khu du lịch đường hầm điêu khắc (hồ Tuyền Lâm, Đà Lạt). Đại diện chủ đầu tư cho biết, sau một thời gian du khách đã quen với những công trình tái hiện về một Đà Lạt thu nhỏ, nhưng từ khi hồ vô cực hoàn thành, du khách sẵn sàng bỏ ra 60.000 đồng/lượt để quay lại khu du lịch chỉ để được chụp ảnh với hai bức tượng mô phỏng mặt người quay vào nhau, bao quanh là hồ nước nhỏ không có điểm dừng. Bạn Hoài Hương (25 tuổi, nhân viên công sở tại TPHCM) bị nghiện đi Đà Lạt, khoảng 2 - 3 tháng là phải tập hợp nhóm để đi Đà Lạt. “Tôi từng ghé thăm đường hầm điêu khắc nhưng lần này quay lại chỉ để được chụp ảnh với hai bức tượng giữa hồ”, Hoài Hương chia sẻ.

Du khách tìm đến những điểm check in nhiều người quan tâm để chụp ảnh

Nằm trên cung đường đèo Tà Nung (nối Đà Lạt với huyện Lâm Hà), Khu du lịch Hoa Sơn Điền Trang (phường 5, TP Đà Lạt) tạo được ấn tượng với với du khách bởi “bàn tay Phật” (cây rừng bện lại hình bàn tay ngửa). Anh Dương Hải Đăng, Giám đốc Khu du lịch Hoa Sơn Điền Trang, cho biết, xu hướng du khách đến tham quan chụp ảnh để “sống ảo” chưa có dấu hiệu dừng lại nhưng dự báo đến thời điểm nào đó sẽ bão hòa. Ngoài việc thay đổi liên tục hình ảnh, các tiểu cảnh để thu hút một bộ phận khách thì quan trọng nhất vẫn là đầu tư một cách bài bản trong các dự án từ hạ tầng, dịch vụ đi kèm và con người. Có như thế du lịch mới phát triển bền vững được.

Ngoài ra, còn có thể kể đến hàng loạt địa điểm check in khá nổi tiếng khác tại Đà Lạt như: cầu lên thiên đường, cà phê đường hầm, cổng trời Đà Lạt, đồi chè Cầu Đất, đồi hoa Fresh Garden, F - Cánh đồng hoa Đà Lạt. Hay để có được bức ảnh “triệu view” du khách nhất định phải ghé thăm các quán cà phê như: Up, Sunshine, Là Việt, Cổng trời Bali, Panorama, tiệm bánh Cối xay gió…
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Lâm Đồng, cho rằng, mỗi điểm check in có những ý tưởng sáng tạo khác nhau, góp phần thu hút lượng khách không nhỏ đến địa phương. Trong xu hướng hiện nay, không thể để du khách chỉ đến tham quan tại các khu du lịch, điểm tham quan thuần túy, có từ lâu, không tạo ra nhiều sự mới mẻ. Đối với nhiều du khách, chỉ cần một tấm ảnh đẹp, một điểm tham quan lạ là người ta sẵn sàng vượt qua chặng đường dài để đến với Đà Lạt. Ngành quản lý văn hóa, du lịch cũng phối hợp với UBND TP Đà Lạt khuyến khích, hỗ trợ những đơn vị, cá nhân trong xây dựng, phát triển giao thông, hướng dẫn, vận hành một cách chuyên nghiệp để người dân phát huy tối đa những ưu thế sẵn có, đặc biệt là sáng tạo trong cách làm du lịch với điều kiện phải đảm bảo được các tiêu chí về an toàn, đúng quy định của pháp luật.

Một du khách đến từ TPHCM phải thốt lên rằng: “Nể đầu óc kinh doanh của các bạn trẻ, người dân ở Đà Lạt, chỉ vài miếng gỗ cũ kỹ với thanh vịn bằng cây cừ tràm; mấy trái hồng, bắp khô với 1 cái bong bóng bằng nhựa trong, thế mà họ thu hút được rất nhiều bạn trẻ đến chụp hình. Mà vé vào tới 20.000 đồng/lượt”.

ĐOÀN KIÊN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/thu-tien-that-tu-song-ao-642408.html