Thu tiền một đằng, làm một nẻo!

Đây cũng là những sai phạm chính xảy ra trong công tác cấp đất giãn dân tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn. Đồng thời là nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện đông người kéo dài suốt hơn 10 năm qua trên địa bàn huyện Sóc Sơn và TP Hà Nội.

Hàng chục năm qua người dân thôn Cộng Hòa, xã Phù Linh vẫn chưa được giải quyết quyền lợi chính đáng trong công tác cấp đất giãn dân. Ảnh: QĐ

Hàng chục năm qua người dân thôn Cộng Hòa, xã Phù Linh vẫn chưa được giải quyết quyền lợi chính đáng trong công tác cấp đất giãn dân. Ảnh: QĐ

Ngày 31/12/2002, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 9096/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch sử dụng 10.000m2 đất tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn để cấp cho 73 hộ gia đình thuộc xã.

Trong đó, riêng thôn Cộng Hòa được 10 suất đất giãn dân.

Ngoài danh sách 10 hộ được cấp đất, thời điểm từ năm 2002 - 2003, cán bộ thôn Cộng Hòa còn tự ý thu thêm 50 suất. Tự ý đặt ra mức thu mỗi suất là 4,8 triệu đồng. Tổng số tiền thu sai là gần 276 triệu đồng.

Để thu được số tiền này, các cán bộ thôn Cộng Hòa, xã Phù Linh thời điểm 2002 - 2003 đã sử dụng tuyệt chiêu “nhân bản” các tờ Thông báo nộp tiền sử dụng đất rồi gửi tới các hộ dân.

Được cán bộ gửi Thông báo nộp tiền, những người dân quê nghèo vùng đất bán sơn địa Sóc Sơn vốn thật thà chân chất không mảy may nghi ngờ đã chạy vạy, vay mượn để đóng đủ tiền cho cán bộ thôn và nhận lại phiếu thu tiền.

Còn đất giãn dân thì chỉ là miếng “bánh vẽ” do cán bộ tạo dựng lên!

Số tiền thu sai của người dân gần 276 triệu đồng trong suốt 17 năm qua đã đi đâu? Cán bộ thôn Cộng Hòa thu sai rồi sử dụng vào việc gì?

Thanh tra huyện Sóc Sơn đã vào cuộc truy tìm số tiền số này.

Theo Kết luận số 72/KL-TT ngày 18/2/2006 của Thanh tra huyện Sóc Sơn, thôn Cộng Hòa đã dùng số tiền thu sai trên để làm đường bê tông nông thôn.

Ông Vũ Văn Đức (một người dân cư trú tại thôn Cộng Hòa, xã Phù Linh, Sóc Sơn) cho biết: “Lý giải trên của cán bộ thôn Cộng Hòa là hoàn toàn bất hợp lý, thu tiền một đằng làm một nẻo. Bởi những người dân trong thôn chúng tôi đóng tiền theo Thông báo nộp tiền sử dụng đất với mục đích là để các chính quyền cấp đất giãn dân làm nhà ở, chứ không phải để làm đường bê tông”.

“Liên quan đến tiền để xây dựng đường bê tông nông thôn, cũng trong năm 2002, thôn Cộng Hòa có 2230 khẩu, theo quy định mỗi khẩu đã phải nộp 90 nghìn đồng cho thôn. Cùng với đó là gần 59 triệu đồng tiền tự nguyện đóng góp xây dựng quê hương của các gia đình, anh em con cháu xa quê gửi về. Nên không thể tùy tiện lấy tiền thu từ cấp đất giãn dân sang làm đường bê tông” - ông Vũ Văn Đức chia sẻ.

Từ những việc làm sai phạm trên, Thanh tra huyện Sóc Sơn kết luận cán bộ thôn Cộng Hòa cùng một số cá nhân liên quan: “Đã lợi dụng lòng tin của nhân dân trong thôn, cố ý làm trái các quy định của Nhà nước, của huyện, gây thiệt hại lớn lớn cho ngân sách Nhà nước và tiền đóng góp của nhân dân”.

Vi phạm mang tính nghiêm trọng, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước là những dấu hiệu của một vụ án hình sự cần phải chuyển Cơ quan Điều tra xem xét xử lý.

Vậy nhưng, không hiểu lý do gì Kết luận số 72/KL-TT ngày 18/2/2006, Thanh tra huyện Sóc Sơn chỉ dừng lại ở mức độ kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm cán bộ để xảy ra sai phạm?

Và phần thiệt thì hiện vẫn đang thuộc về những người dân thôn Cộng Hòa. Trong suốt 17 năm qua khi vừa mất tiền vừa phải mua thêm bức xúc mang gửi khiếu kiện gửi khắp các cấp từ Trung ương đến địa phương, nhưng kết quả giải quyết quyền lợi chính đáng cho đến nay vẫn chỉ là con số 0 tròn trĩnh!

Đến thời điểm này, UBND huyện Sóc Sơn đã có chỉ đạo giao xã Phù Linh thống kê danh sách các hộ đã nộp tiền cho thôn và xã qua các thời kỳ để huyện tìm phương án giải quyết.

Đến bao giờ quyền lợi chính đáng của người dân thôn Cộng Hòa sẽ được giải quyết triệt để? Câu trả lời chỉ có khi có sự chỉ đạo rốt ráo, kiên quyết từ các cấp chính quyền thành phố, sự vào cuộc cầu thị của lãnh đạo huyện Sóc Sơn.

Quang Đông

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/phap-luat/dieu-tra-qua-don-thu/thu-tien-mot-dang-lam-mot-neo_t114c39n149594