Thu tiền dân 300.000 đồng/hộ tổ chức lễ đâm trâu!

Nhiều người dân ở xã Hồng Tiến, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế đang bất bình về việc đóng góp 300.000 đồng/hộ để tổ chức lễ hội đâm trâu truyền thống.

Đời sống còn nhiều khó khăn nhưng nếu không đóng tiền thì lo bị xã làm khó dễ về sau này.

Hồng Tiến là xã vùng núi của thị xã Hương Trà, có 347 hộ dân, trong đó có 46 hộ nghèo. Ông Lê Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã, xác nhận việc này do các già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong cộng đồng đề xuất lên.

Tập tục đâm trâu truyền thống của người dân tộc thiểu số ở xã đã tổ chức vào năm 2008. Vào thời điểm đó, các già làng, trưởng bản dự kiến sau 5 năm tổ chức lại nhưng không tổ chức được. "Giờ tròn 10 năm, có một số già làng, trưởng bản đã qua đời, người khác kế cận và họ đề xuất lên Đảng ủy, UBND xã xin được tổ chức vào tháng 11 năm nay với mục đích cầu an cho bà con" - ông Hòa nói.

Lễ hội đâm trâu được tổ chức ở huyện Tây Giang (Quảng Nam) vào năm 2007 và nay đã xóa bỏ

Lễ hội dự kiến tổ chức vào ngày Đại đoàn kết toàn dân tộc, 18-11, kéo dài khoảng 1,5 ngày, quy mô triển khai cả 5 thôn bao gồm đồng bào dân tộc Cơ Tu, Pa Hi, Tà Ôi và kể cả người Kinh.

Xã giao nhiệm vụ các trưởng thôn vận động mỗi hộ dân đóng tiền 300.000 đồng. Đến nay, nhiều người không tham gia; có khoảng 50 người ủng hộ, chủ yếu là các vị lão thành, con em trong xã.

"Đóng góp được bao nhiêu thì tổ chức bấy nhiêu thôi. Nếu ai đóng góp thì mời, không thì thôi, chẳng bắt buộc gì... Nếu kinh phí nhiều thì tổ chức đâm trâu, các lễ hội đi kèm như truyền thống đồng bào từ trước, còn kinh phí ít thì mua dê thay thế" - ông Hòa nói.

Về việc dư luận có ý kiến loại bỏ tập tục man rợ như đâm trâu, ông Hòa cho rằng có nhiều địa phương vẫn làm bình thường, là truyền thống, tập tục của người dân nên vẫn tổ chức.

Ông Nguyễn Xuân Thạnh, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin thị xã Hương Trà, cho biết vừa mới nghe thông tin và chưa nhận được báo cáo từ xã. "Quy ước văn hóa các thôn nêu rõ không tổ chức các hủ tục trái thuần phong mỹ tục. Các văn bản hướng dẫn của ngành lại chưa nói rõ quy định về các lễ hội này. Đây mới là kế hoạch vừa mới manh nha, nếu địa phương báo cáo xin chủ trương thì chúng tôi sẽ xin ý kiến từ Sở Văn hóa - Thể thao và sẽ vận động, đề nghị họ thay đổi lễ nghi bởi thời gian qua xã hội lên án đây là lễ hội mang tính man rợ" - ông Thạnh nói.

Trong khi đó, ông Cao Chí Hải, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế, khẳng định sẽ cho kiểm tra việc tổ chức lễ hội đâm trâu của UBND xã Hồng Tiến. Theo ông Hải, việc tổ chức lễ hội đâm trâu với nhiều hình ảnh man rợ, bạo lực trái với chủ trương của ngành văn hóa hiện nay. Trước đây, ở 2 huyện miền núi A Lưới và Nam Đông cũng tồn tại tập tục này nhưng sau nhiều nỗ lực vận động của các ban - ngành, lễ hội đâm trâu đã không còn. Về việc thu tiền của người dân để tổ chức, ông Hải bảo rằng sai và sẽ cho kiểm tra để có cách xử lý.

Bài và ảnh: QUANG NHẬT

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/thu-tien-dan-300000-dong-ho-to-chuc-le-dam-trau-20180828225532992.htm