Thu thuế Uber, Grab: 'Nóng hổi và rất khó'

Thừa nhận chuyện thu thuế loại hình kinh tế chia sẻ như Uber, Grab là vấn đề 'nóng hổi và rất khó', Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, khi đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm, các nước đều đưa ra lời khuyên nên có phương thức thỏa thuận giữa Nhà nước và doanh nghiệp (DN) công nghệ…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Ngày 12/11, Quốc hội (QH) thảo luận ở tổ về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công.

Không nên can thiệp quá mạnh

Cho ý kiến về dự Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Đại biểu (ĐB) QH Huỳnh Thành Chung (đoàn tỉnh Bình Phước) đề cập đến câu chuyện thu thuế các công ty đa quốc gia kinh doanh tại Việt Nam như Uber, Grab...

Theo ông Chung, cần có công thức tính thuế trên giao diện để vừa giám sát tốt, vừa tạo ra sự bình đẳng với các đối tượng kinh doanh, chống thất thu thuế, đồng thời khuyến khích được các giải pháp công nghệ ứng dụng phục vụ cuộc sống.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, đây là vấn đề “nóng hổi và rất khó". “Hiện nay, các nước cũng đang chưa rõ về loại hình này. Nước thì phạt, nước thì cấm, nước thì đánh thuế kiểu này, nước đánh thuế kiểu kia”, ông Dũng nói.

Theo ông Nguyễn Chí Dũng, khi đi nghiên cứu kinh nghiệm, đa phần các nước khuyên không nên can thiệp quá mạnh vì đây là loại hình mới, phát triển và thay đổi rất nhanh.

“Nếu chúng ta ủng hộ loại hình truyền thống thì chúng ta không khuyến khích công nghệ phát triển và không khuyến khích kinh tế chia sẻ, không ủng hộ số đông là người tiêu dùng có lợi. Nhưng, nếu ủng hộ công nghệ thì ảnh hưởng đến kinh doanh truyền thống”, Bộ trưởng bày tỏ.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, từ thực tế khó quản lý và không đánh thuế được loại hình này, các nước đưa ra lời khuyên nên có phương thức thỏa thuận giữa nhà nước và doanh nghiệp (DN) công nghệ trong vấn đề thu thuế. Theo đó, ấn định DN phải đóng mức thuế bao nhiêu một cách linh hoạt. Như thế, sẽ có tác dụng hơn trong việc khuyến khích DN hoạt động.

“Ngay như trong vụ tranh chấp giữa Grab và Vinasun, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình có hỏi ý kiến tôi và tôi cho rằng nên tạm dừng vụ kiện lại, phải nghiên cứu thêm. Tôi thiên về hướng hòa giải giữa hai bên bởi kiện nhau cũng không có pháp lý để xử”, ông Nguyễn Chí Dũng chia sẻ và nhấn mạnh thêm, ông nghiêng về việc khuyến khích nguồn thu thay vì quản lý, tận thu.

Ở góc độ quản lý trực tiếp ngành Thuế, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, các phương thức kinh doanh trong bối cảnh kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử… rất khó nhận dạng để thu thuế. Pháp luật cũng chưa quy định, nhưng thực tiễn vẫn phải xử lý.

Vừa qua, cơ quan thuế đã rất cố gắng rà soát hàng trăm nghìn tài khoản kinh doanh trên mạng như Facebook, Google... và vận động, gửi thư thuyết phục họ nộp thuế.

Cán bộ thuế không được tư vấn doanh nghiệp trốn thuế

Đề cập tới dự thảo Luật quản lý thuế (sửa đổi) quy định, khi có yêu cầu, ngân hàng thương mại cung cấp thông tin tài khoản khách hàng cho cơ quan thuế, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay, đề xuất này vấp phải phản ứng từ phía ngân hàng. Song, “thực tế không thể không làm, vì nếu không kiểm soát được thu nhập, dòng tiền thì khó thu được thuế. Chưa kể kinh tế của chúng ta là nền kinh tế tiền mặt”, ông giải thích.

Vị trưởng ngành tài chính cũng bày tỏ tâm tư trước "văn hóa kinh doanh của ta rất có vấn đề" khi ở các nước nộp thuế là vinh quang, nghĩa vụ cao cả, còn ở nước ta “không có mấy người tự giác nộp thuế”. Cho nên, muốn quản lý được thì các khâu khác phải kết hợp đồng bộ, gắn với tiêu chí phân loại rủi ro.

Trong khi đó, theo ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) ý, hiện tượng trốn thuế, nợ thuế kéo dài dai dẳng làm ảnh hưởng đến ngân sách và có chuyện cán bộ thuế tư vấn hướng dẫn DN trốn thuế.

ĐB Phan Nguyễn Như Khuê (đoàn TP Hồ Chí Minh) nhắc lại thừa nhận của Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng từ kỳ họp thứ 4 là không loại trừ việc cán bộ thuế thỏa hiệp với DN để xác định không đúng tiền thuế, trốn thuế.

"Trong cuộc họp HĐND TP, khi báo cáo lại nội dung này, Cục trưởng Cục thuế TP cũng thừa nhận không loại trừ trong ngành có cán bộ tiếp tay, góp phần làm thất thoát nguồn thu", ông Khuê nói.

Vì vậy, các ĐB đề nghị, dự luật Quản lý thuế sửa đổi lần này bổ sung thêm nội dung "quyền và nghĩa vụ của cán bộ ngành thuế" để đáp ứng tình hình thực tiễn.

"Cán bộ ngành thuế phải có nghĩa vụ tận tâm hướng dẫn DN nộp thuế đầy đủ, nhanh chóng, tiện lợi", ông Nghĩa nói và cho hay, hiện rất nhiều DN mong muốn điều này, nhất là DN vốn đầu tư nước ngoài.

“Quy trình, thủ tục rót vốn đầu tư công hiện quá dài, rườm rà”

Thảo luận về dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi), theo Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, phần lớn khó khăn vướng mắc khi triển khai các dự án đầu tư công đến từ khâu thủ tục kéo dài, rườm rà.

Ông Thể dẫn chứng, năm 2015, QH thống nhất chủ trương xây dựng dự án đầu tư cảng hàng không quốc tế Long Thành. Sau đó, quay lại Bộ GTVT lập hồ sơ, thẩm định, thống nhất rồi trình lên Chính phủ, Ủy ban Thường vụ QH. Cuối cùng QH mới phê duyệt dự án.
"Quy trình hiện nay quá nhiều giai đoạn và cuối cùng là dự án triển khai rất chậm", Bộ trưởng nhấn mạnh và cho rằng, với một quy trình "lòng vòng" như hiện nay, "chúng ta sẽ mất nhiều thứ, trước hết là mất thời gian, và quan trọng hơn là mất tiền do đội giá, trượt giá".

Vì vậy, theo Bộ trưởng, cần phải xem xét rút gọn các thủ tục trong Luật Đầu tư công. Nếu không thay đổi thì chắc chắn các dự án đầu tư công sẽ chậm gấp 2-3 lần so với dự án tư nhân.

Cũng nhấn mạnh cần đơn giản hóa thủ tục, nhưng theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh, thẩm quyền quyết định phải đủ sức chịu trách nhiệm. Cho nên, nếu dự thảo quy định giao cho thường trực HĐND quyết định đầu tư công sẽ “đẻ” ra hệ lụy làm cho chính quyền địa phương, nhất là UBND địa phương chủ quan.

"Đề nghị Quốc hội cân nhắc, về hình thức có vẻ thuận lợi, vì thường trực có thể triệu tập họp bất cứ lúc nào, còn triệu tập HĐND thì không phải dễ. Nhưng phải có cái nhìn tổng thể để cân đối để quyết định đầu tư", bà Tâm nói.

Nhiều ĐB cũng bày tỏ “xót xa” khi nhiều công trình dở dang, đắp chiếu. Cũng có công trình chờ vốn mòn mỏi cả năm trời nhưng tới cuối năm mới được giải ngân.

"Có doanh nghiệp, đơn vị 12giờ đêm 30 Tết vẫn ngồi chờ ở kho bạc để được giải ngân vốn. Tại sao lãnh đạo nhìn thấy, địa phương nhìn thấy, Trung ương nhìn thấy nhưng vẫn cứ đến thời điểm đó mới phân bổ vốn", ĐB Trần Thị Hiền (đoàn Hà Nam) tâm tư và đề nghị, phân bổ nguồn vốn đúng thời điểm, tốt nhất là vào đầu năm.

Hương Giang

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/chinh-tri/doi-noi/thu-thue-uber-grab-nong-hoi-va-rat-kho_t114c67n141098