Thu Thuế tài sản ở Tp.HCM, đại gia bất động sản nơi khác thì sao?

Nếu Luật Thuế tài sản đối với nhà, đất chỉ thí điểm ở Tp.HCM thì các đại gia bất động sản ở địa bàn khác không phải nộp loại thuế này, nhưng người dân ở thành phố thì phải nộp.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai băn khoăn về thuế tài sản nếu được thí điểm tại Tp.HCM

Đó là băn khoăn được đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) đặt ra trong phiên thảo luận sáng 20/11 về thí điểm cơ chế, chính sách phát triển Tp.HCM.

Tính công bằng bị ảnh hưởng

Theo dự thảo nghị quyết của Quốc hội thì Chính phủ trình Quốc hội quyết định ban hành Luật Thuế tài sản đối với nhà đất và thực hiện thí điểm trên địa bàn Tp.HCM.

Nhấn mạnh nguyên tắc của chính sách thuế là công bằng, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng nếu chỉ áp dụng Thuế tài sản với Tp.HCM thì sẽ ảnh hưởng đến tính công bằng trong thực thi chính sách. Việc thí điểm sẽ dẫn đến có sự khác biệt giữa người nộp thuế, khi mà các đại gia bất động sản ở địa bàn khác không phải nộp còn người dân thành phố phải nộp thì cần cân nhắc thêm, theo đại biểu.

Cũng đồng ý là đã đặc thù thì phải khác biệt, song bà Mai cho rằng nếu khác biệt đó ảnh hướng lớn đến tâm lý của người dân thì phải được cân nhắc thêm.

Mặt khác, đại biểu Mai phân tích, mục tiêu quan trọng của việc cho phép thí điểm cơ chế chính sách đặc thù là tăng cường tính hấp dẫn của môi trường đầu tư, nếu đánh thuế tài sản với bất động sản thì chỉ số cạnh tranh của thành phố sẽ bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, nếu tính về điều kiện cần và đủ để thí điểm loại thuế mới này, đại biểu cũng còn băn khoăn. Vì những nơi áp dụng thuế tài sản thường có cơ sở dữ liệu chuẩn xác về bất động sản, được cập nhật liên tuc về biến động, có hệ thống đo đạc và định giá bất động sản khoa học hợp lý, có hệ thống chứng minh thu nhập và nguồn gốc tài sản...

Việc chuẩn bị tâm lý, theo đại biểu cũng cần có thời gian, vì với nhiều người dân, khái niệm thuế tài sản chưa thực sự dễ hiểu.

Lẽ ra phải sớm hơn

Còn băn khoăn về một số quy định cụ thể, song các ý kiến tham gia thảo luận đều tán thành sự cần thiết ban hành nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho Tp.HCM.

Theo đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) thì thời điểm để ban hành đã chín muồi. Hơn 30 năm đổi mới cơ chế chính sách tương tự như các địa phương khác đã bộc lộ hạn chế, kìm hãm không tạo điều kiện cho thành phố phát triển.

Ông Học cũng đề nghị cần rà soát lại xem nội dung nào cũng cần áp dụng cho Hà Nội để hài hòa, tránh khác biệt trong thu nhập cũng như thu hút đầu tư.

Đồng tình với đại biểu Học, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) phân tích, nếu không có cơ chế, chính sách đặc thù thì tăng trưởng kinh tế của thành phố giai đoạn 2021-2025 dự kiến là 6,72% và giai đoạn 2026-2030 là 6,36%. Nếu có cơ chế đặc thù thì khả năng tăng trưởng kinh tế của thành phố giai đoạn 2021 - 2025 là 8,13% và giai đoạn 2026 - 2030 là 8,67%. Theo đó giai đoạn 2021 - 2030 thành phố sẽ có đóng góp thêm cho ngân sách nhà nước 632.910 tỷ đồng, tương đương 57% tổng thu ngân sách cả nước vào năm 2016 là 1.101.377 tỷ đồng.

Cho rằng lẽ ra cần ban hành chính sách đặc thù cho Tp.HCM sớm hơn, song đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) bày tỏ là bà còn rất băn khoăn về thí điểm thuế tài sản và cho phép tăng một số loại thuế khác.

Theo đại biểu thì nếu cần tăng thuế thì tại sao Chính phủ không trình Quốc hội sửa luật để mà quy định thẳng vào luật về cơ chế đặc thù cho Tp.HCM. Nếu cứ ban hành chính sách khác luật thì Hiến pháp và hệ thống pháp luật có giá trị như thế nào, bà Hương băn khoăn.

Vị đại biểu này cho rằng, nếu nhất định phải ban hành chính sách đặc thù về thuế thì cần minh bạch trình tự thủ tục, báo cáo đánh giá tác động phải được thực hiên theo luật. Đồng thời nếu cho phép tăng thuế tăng phí thì cần quy định minh bạch tỷ lệ được tăng, tránh tác dụng ngược tránh để dân phải chịu chi phí quá đắt đỏ.

Nguyên Vũ

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/thu-thue-tai-san-o-tphcm-dai-gia-bat-dong-san-noi-khac-thi-sao-20171120132740172.htm