Thu thuế các loại hình kinh tế chia sẻ: Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói gì?

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc lộ trình thông quan đề án kinh tế chia sẻ sẽ được triển khai thế nào trong năm nay cũng như giải pháp thế nào thu thuế của các loại hình kinh tế chia sẻ, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2019, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh cho biết Bộ Kế hoạch & Đầu tư được Chính phủ giao chủ trì xây dựng đề án về kinh tế chia sẻ để trình Chính phủ trong thời gian trước tháng 6 năm nay.

“Đến giờ phút này thì chúng tôi có thể khẳng định là chúng tôi sẽ hoàn thành kịp tiến độ thời hạn để trình Thủ tướng Chính thủ xem xét, phê duyệt sớm. Nhìn chung, qua đánh giá, qua nghiên cứu khảo sát với kinh nghiệm các quốc gia cũng như từ nhiều cơ quan bộ, ngành thì thấy rằng chúng ta phải xác định kinh tế chia sẻ là một cơ hội mới về thay đổi phương thức kinh doanh từ sở hữu tài sản sang sử dụng tài sản mà không cần sở hữu. Nó là một hình thức kinh doanh phi truyền thống nhưng về nguyên tắc thì chúng ta phải công nhận nó là tất yếu.

Do vậy quan tâm của đề án là các biện pháp để thúc đẩy, khuyến khích bên cạnh các công cụ quản lý để làm sao chúng ta đảm bảo sự công bằng là thứ yếu hơn so với mục tiêu tranh thủ cơ hội mới trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 để đưa các đổi mới sáng tạo cũng như các hình thức kinh doanh mới vào trong nền kin tế chúng ta một cách mạnh mẽ hơn và nâng cao được sức cạnh tranh, sự sáng tạo của nền kinh tế”, ông nói.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc xây dựng đề án đưa ra những quan sát về khó khăn, vướng mắc hiện nay.

Tựu chung, theo ông có 3 nhóm vướng mắc. Thứ nhất là về hình thức pháp lý, liên quan đến một loại hình kinh doanh, lĩnh vực kinh doanh mới, phi truyền thống chưa có trong các quy định pháp lý, chưa có các nội hàm ý nghĩa một cách chính xác để đảm bảo các hoạt động đăng ký hay quản lý cấp phép. Ngay cả trong phân ngành kinh tế hiện nay cũng phải sắp xếp lại.

Vướng mắc thứ hai theo ông Mạnh, đó là hệ thống pháp luật về thương mại điện tử đã được xây dựng rất sớm tuy nhiên đối với hình thức này còn chưa thật đồng bộ và cũng còn những điểm chưa thống nhất nên cần phải có những điều chỉnh về mặt pháp lý liên quan đến thương mại điện tử.

Vấn đề thứ ba là những vướng mắc trong các hành lang pháp lý về quản lý kê khai thuế và thu thuế đối với hoạt động kinh doanh kinh tế chia sẻ.

Ông Mạnh cho hay bên cạnh các biện pháp chung của Chính phủ để đẩy mạnh các hoạt động xây dựng chính phủ điện tử hay tạo ra các hệ sinh thái cho đổi mới sáng tạo, các thanh toán điện tử thì quan trọng nhất, vai trò của Chính phủ ở đây là phải xây dựng được một khuôn khổ pháp lý mới phù hợp với bối cảnh thay đổi này, với loại hình này.

“Chúng tôi có đưa ra dự kiến một số khuyến nghị đối với người dân, nhà cung cấp, người tiêu dùng, doanh nghiệp… như đề cao trách nhiệm cũng như kiến thức của người tiêu dùng trong việc tự bảo vệ mình khi sử dụng những dịch vụ này”, ông nói.

Cũng theo vị Thứ trưởng, các nhà cung cấp cũng phải có những bộ quy tắc, quy chuẩn để đảm bảo an toàn cũng như dịch vụ cho hoạt động kinh doanh của mình.

Thứ nhất là làm sao giảm thiểu hoặc bảo vệ, bảo đảm được quyền lợi của người tiêu dùng khi sử dụng các dịch vụ kinh tế chia sẻ. Thứ hai là tạo ra các cơ chế chính sách cũng như các quy định của pháp lý mới có tính chất khuyến khích đổi mới sáng tạo cũng như khuyến khích các hoạt động của kinh tế chia sẻ có dư địa, có điều kiện phát triển.

Cái thứ ba là việc xây dựng hệ thống pháp luật liên quan đến thu, quản lý thuế cũng như các quy định của nhà nước thì chúng tôi cố gắng đưa ra một số khuyến nghị chính sách đảm bảo sự công bằng giữa các mô hình kinh doanh truyền thống và mô hình kinh doanh của kinh tế chia sẻ này, tránh sự xung đột cũng như không đảm bảo được sự công bằng giữa các hoạt động kinh doanh”, vị Thứ trưởng nói.

Anh Phan

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/thu-thue-cac-loai-hinh-kinh-te-chia-se-bo-ke-hoach-va-dau-tu-noi-gi-20180504224220322.htm