Thủ thuật lừa chiếm đất vàng quân đội của Út 'trọc'

Có được thông tin Quân chủng Hải quân (QCHQ) có chủ trương chuyển mục đích sử dụng khu đất số 7-9 Tôn Đức Thắng, Đinh Ngọc Hệ (Út 'trọc') đã dùng mọi chiêu, lập công ty, ký liên danh, sửa đổi hợp đồng, nhằm chiếm đoạt khu đất có giá trị trên 500 tỉ đồng.

Khu đất 7-9 Tôn Đức Thắng là khu đất đắc địa với hai mặt tiền đường Tôn Đức Thắng và đường Ngô Văn Năm, có diện tích 3.531m2.

“Dựng” công ty để liên doanh

Theo cáo trạng của VKS Quân sự Trung ương, trong vụ án sai phạm đất đai liên quan đến cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến, thì Đinh Ngọc Hệ (Út “trọc”) và Vũ Thị Hoan, Phạm Văn Diệt bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quyền sử dụng khu đất 7-9 Tôn Đức Thắng, TP.HCM.

Năm 2005, Đinh Ngọc Hệ nhờ Vũ Thị Hoan (cháu gọi Hệ bằng cậu) sinh viên năm thứ nhất hệ cao đẳng trường ĐH Công nghiệp TP HCM đứng tên Giám đốc với vốn điều lệ 1,7 tỉ đồng, gồm 2 thành viên đứng tên góp vốn là Vũ Thị Hoan và Đỗ Văn Trưởng (Trưởng là bảo vệ của Công ty Đức Bình). Vũ Thị Hoan làm Giám đốc nhưng không có thực quyền, mọi việc Hoan đều làm theo chỉ đạo, điều hành của Đinh Ngọc Hệ.

Có được thông tin Quân chủng Hải quân (QCHQ) có chủ trương chuyển mục đích sử dụng khu đất số 7-9 Tôn Đức Thắng (quận 1, TP.HCM, thuộc quyền quản lý của QCHQ) sang làm kinh tế, năm 2006, dù công ty mới thành lập, chưa có cơ cấu tổ chức, nhân sự... nhưng Hệ chỉ đạo nhân viên lập tờ trình để Hoan ký, gửi QCHQ xin liên kết đầu tư xây dựng và khai thác tòa nhà cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại tại khu đất số 7-9.

 Đinh Ngọc Hệ bị truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Đinh Ngọc Hệ bị truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Ngày 15/5/2006, Vũ Văn Khánh, nguyên Giám đốc Công ty Hải Thành (thuộc QCHQ) và Vũ Thị Hoan, Giám đốc Công ty Yên Khánh - ký hợp đồng nguyên tắc liên doanh liên kết thực hiện dự án tại khu đất trên.

Khu đất số 7-9 Tôn Đức Thắng chưa được chuyển đổi sang đất làm kinh tế nhưng các bị can Bùi Như Thiềm (lúc đó là Trưởng phòng kinh tế QCHQ) và cá nhân khác đã tham mưu cho bị can Nguyễn Văn Hiến (nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) ký ủy quyền giao cho Bùi Văn Nga (Giám đốc Công ty Hải Thành thay ông Khánh) ký hợp đồng liên doanh làm kinh tế với Công ty Yên Khánh tại khu đất trên.

Ngày 4/9/2006, hai bên đã ký hợp đồng liên doanh, thành lập Công ty liên doanh Yên Khánh Hải Thành để thực hiện dự án xây dựng và vận hành cao ốc đa chức năng tại khu đất số 7-9 Tôn Đức Thắng, thời hạn 49 năm. Vốn điều lệ của công ty liên doanh là 320 tỉ đồng.

Mặc dù thời điểm này, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã có ý kiến chỉ đạo các đơn vị "không được góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất và tài sản trên đất". Thế nhưng do Nguyễn Văn Hiến không kiểm tra đôn đốc và các bị can không nghiêm túc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng nên Bùi Văn Nga vẫn ký hợp đồng góp vốn với Công ty Yên Khánh Hải Thành, xác định Công ty Hải Thành góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất tại khu đất trên là 503 tỉ đồng.

“Thủ thuật” thay tên đổi chủ quyền sử dụng đất

Sau khi nhận bàn giao khu đất số 7-9 Tôn Đức Thắng từ Công ty Hải Thành, ngày 24/12/2007, Công ty Yên Khánh đã đem cho thuê mặt bằng khu đất này từ năm 2009-2019 và thu về số tiền gần 32 tỉ đồng. Công ty Yên Khánh Hải Thành đã chuyển cho Công ty Hải Thành 16,5 tỉ đồng.

Ngày 7/7/2009, Đoàn Mạnh Thảo (nguyên Trưởng phòng tài chính QCHQ) trình cho Nguyễn Văn Hiến ký công văn gửi cơ quan chức năng TP.HCM cho phép Công ty Hải Thành chuyển thẳng số tiền khi chuyển mục đích sử dụng đất cho QCHQ và được chấp thuận. Sau đó, UBND TP.HCM đã ra quyết định cho Công ty Hải Thành được chuyển mục đích sử dụng khu đất số 7-9 Tôn Đức Thắng để đầu tư xây dựng dự án.

Khu đất vàng hiện vẫn bỏ trống, làm bãi giữ xe.

Tới tháng 2/2010, Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng khu đất trên mang tên Công ty Hải Thành.

Tuy nhiên Phạm Văn Diệt (khi đó là Giám đốc Công ty Yên Khánh) đã chỉ đạo nhân viên đến Công ty Hải Thành nhận giấy giới thiệu và đi nộp 500 triệu đồng tiền lệ phí trước bạ để nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Sau đó, Diệt nộp hồ sơ chuyển quyền sử dụng khu đất trên từ Công ty Hải Thành sang Công ty Yên Khánh Hải Thành. Đến ngày 18/3/2010, Sở Tài nguyên và môi trường cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Yên Khánh Hải Thành.

Sửa hợp đồng, thế chấp đất quân đội để vay vốn

Sau khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Hệ (Út trọc)! đã chỉ đạo Diệt, Hoan lập hồ sơ thế chấp quyền sử dụng khu đất số 7-9 Tôn Đức Thắng và dùng giấy tờ giả để bảo lãnh cho Công ty Yên Khánh vay 52 tỉ đồng của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín.

Hệ đã sử dụng số tiền vay được mua 2 căn nhà ở Q.2, TP.HCM cho người vợ đã ly hôn và con ở, mua cổ phiếu của Công ty Tân Cảng Hiệp Phước. Các khoản vay trên Công ty Yên Khánh đã giải chấp cuối năm 2013.

Sau khi giải chấp tài sản thế chấp là khu đất số 7-9 tại Ngân hàng Việt Nam Thương Tín, bằng thủ đoạn trên Đinh Ngọc Hệ và Phạm Văn Diệt tiếp tục chỉ đạo Vũ Thị Hoan thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng khu đất số 7-9 vay vốn của Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV) cho các công ty của Đinh Ngọc Hệ.

Tru sở Cty Hải Thành của Quân chủng Hải quân.

Trong quá trình làm hồ sơ vay vốn ngân hàng, các bị can còn sửa các điều khoản trong hợp đồng liên doanh số 07 đã ký với Công ty Hải Thành. Với nội dung từ việc Công ty Yên Khánh Hải Thành không được thế chấp QSD đất số 7-9 thành Công ty Yên Khánh Hải Thành có quyền thế chấp QSD đất, đồng thời được phép phát mại chuyển nhượng QSD đất không cần điều kiện trong 49 năm. Theo đó, BIDV và các công ty của Hệ thố nhất xác định giá trị khu đất số 7-9 là 717 tỉ đồng.

Các công ty vay tiền của ngân hàng thế chấp bằng giá trị khu đất số 7-9, gồm: Công ty cổ phần Xăng dầu Thái Sơn B.QP; Công ty Yên (mua quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương); Công ty cổ phân thương mại nước giải khát Khánh An; Công ty Thái Sơn Bộ Q.P; Công ty cổ phần BOT cầu Việt Trì (là công ty liên doanh giữa Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 1, Công ty CP phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P và Công ty Yên Khánh) thực hiện dự án xây dựng cầu Việt Trì mới theo hình thức BOT; Công ty cổ phần An Hiền; Công ty TNHH BOT và BT Quốc lộ 20 (là công ty liên doanh giữa Tổng Công ty 319 Bộ Quốc phòng và Công ty Yên Khánh, Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P); Công ty cổ phần tập đoàn Đức Bình.

Bằng các thủ đoạn gian dối nêu trên, Đinh Ngọc Hệ, Phạm Văn Diệt và Vũ Thị Hoan đã chiếm đoạt quyền sử dụng khu đất số 7-9 đường Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM của Quân chủng Hải quân có giá trị tại thời điểm tháng 02/2010 là 525 tỉ đồng.

Năm 2006, Công ty Hải Thành và Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sản xuất Yên Khánh ký hợp đồng cùng khai thác dự án thương mại 7-9 Tôn Đức Thắng (Quận 1, TP.HCM) có diện tích 3.531 m2.

Liên doanh Công ty TNHH Yên Khánh Hải Thành được thành lập 3 năm sau đó với vốn điều lệ 320 tỉ đồng, trong đó Yên Khánh chiếm tới 90%, thành viên Quân chủng Hải quân chỉ sở hữu 10%.

Liên doanh Yên Khánh Hải Thành tháng 3/2010 được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với khu đất 7-9 Tôn Đức Thắng. Tuy nhiên dự án suốt nhiều năm sau đó không triển khai.

Tháng 11/2013, Vũ Thị Hoan với chức danh Tổng Giám đốc Công ty Yên Khánh Hải Thành đã thế chấp quyền sử dụng đất số 7-9 Tôn Đức Thắng tại Ngân hàng BIDV chi nhánh Thành Đô (Hà Nội) để đảm bảo cho 7 nghĩa vụ tài chính phát sinh cho công ty người nhà của bà Hoan, với tổng giá trị là 717 tỉ đồng.

Có thông tin, Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cuối năm 2016 đã ký thỏa thuận nguyên tắc thuê 15.000 m2 sàn văn phòng tại dự án 7-9 Tôn Đức Thắng để làm trụ sở trong 49 năm, với số tiền bỏ ra dự kiến gần 1.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên giữa năm 2017, Sabeco đã rút khỏi dự án trên và chấp nhận bồi thường thiệt hại vì phá vỡ hợp đồng với Yên Khánh Hải Thành.

Hà Nhân

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cong-to-kiem-sat-tu-phap/truy-to/thu-thuat-lua-chiem-dat-vang-quan-doi-cua-ut-troc-84957.html