'Người Hà Nội không ăn thịt chó' và chuyện 'thú thịt, thú cưng'

Chẳng phải đợi khi chính quyền thành phố Hà Nội khuyến khích người dân không ăn thịt chó, những cuộc tranh luận đã diễn ra liên tục bất tận giữa hai phe: phe nghiền thịt chó và phe coi con chó là thú cưng, vật nuôi trong nhà.

Khi viết "Món ngon Hà Nội", nhà văn Vũ Bằng từng ưu ái dành riêng hẳn một chương dài để viết về thịt chó. Điều gì khiến Vũ Bằng cùng nhiều nhà văn khác dành tình cảm với quê hương qua những trang viết về ẩm thực, trong đó có "mộc tồn"? Gốc gác lẽ bởi ẩm thực chính là văn hóa. Như không ít món ăn khác, thịt chó thể hiện cái tinh tế của người Việt trong sử dụng các loại rau thơm, gia vị. Từ lâu dân gian cũng đúc kết: “Sống ở trên đời, ăn miếng dồi chó/ Chết xuống âm ty, biết có hay không?”.

Nhưng không món ăn nào lại gây nhiều tranh cãi như thịt chó. Chẳng phải đợi khi chính quyền thành phố Hà Nội khuyến khích người dân không ăn thịt chó mèo, những cuộc tranh luận đã diễn ra liên tục bất tận.

Những người thích thịt chó có lý lẽ riêng và cho rằng, quan niệm không nên ăn thịt chó là du nhập từ phương Tây. Không thể lấy quan niệm của phương Tây để "áp" lên thói quen người Việt. Và người ta còn đặt câu hỏi ngược lại: Phương Tây cho rằng giết thịt chó là "dã man", sao họ không đối xử "nhân đạo" tương tự với bò, cừu, gà?
Người Việt có coi chó là bạn không? Tất nhiên là có. Nhất là tuổi thơ, mấy ai không có kỷ niệm với những chú cún quấn quýt bên mình? Có bao nhiêu đứa trẻ rơi nước mắt khi gia đình đem con chó thân yêu đi làm thịt? Nhưng thói quen lâu đời của người Việt nuôi chó để giữ nhà, và cũng để "ngả" ra khi cần, được bữa thịnh soạn thết đãi gia đình, bạn bè. Hoặc bán đi được một món tiền. Ngay cả những người yêu mến chó, cũng vẫn ăn thịt chó, miễn con chó đó không phải là con vật mình gắn bó.

Thực ra, từ thời Vũ Bằng viết “Món ngon Hà Nội” cũng đã có tranh luận về món thịt chó. Bây giờ, khi Hà Nội có thể không cho phép bán thịt chó ở nội thành trong tương lai, những lời lẽ giữa bên "yêu động vật" và phe "thích thịt chó" dành cho nhau ngày một nặng nề hơn...

***

Nhưng thế giới vốn vẫn luôn vận động, đổi thay. Người Việt vốn quen giết những con vật để làm thực phẩm bất kể mục đích nuôi ban đầu để làm gì. Song, xu thế chung của nhân loại là phân biệt rõ thú nuôi chuyên để làm thực phẩm, thú cưng (để làm cảnh), hay động vật hoang dã. Muốn đưa con vật nào khi đưa lên bàn ăn, phải xác định nguồn gốc rõ ràng. Việt Nam, nhất là các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, cũng đang nỗ lực triển khai những biện pháp để bảo đảm an toàn cho bữa ăn.

Việc phân biệt thú thịt - thú cưng - động vật hoang dã không nằm ở câu chuyện khẩu vị của mỗi người, mà ở lĩnh vực bảo vệ sức khỏe, bảo vệ thiên nhiên. Theo xu hướng ấy, nếu còn giữ đam mê với món "mộc tồn", người Việt sẽ dần phải làm quen với những chú chó nuôi ở những trang trại chuyên dành để làm thịt.

Cuộc sống luôn đổi thay. Những năm trước, câu hỏi nên hay không nên ăn thịt chó chỉ là thiểu số. Bây giờ, chuyện đã khác. Ăn hay không là lựa chọn của mỗi người. Ngày nay, giới trẻ đô thị có lẽ ít người ăn thịt chó, trong mắt họ, loài chó dường như đang sắm vai "thú cưng" nhiều hơn là “thú thịt”. Bọn trẻ bây giờ không thể hiểu nổi lý do vì sao có thể ngả một con vật nuôi trong nhà rồi băm chặt, xào nấu bê lên bàn ăn. Cũng như nhiều người, không quá ngạc nhiên vì sao những kẻ trộm chó, khi bị bắt có thể bị đánh cho đến chết.

Cá nhân, tôi mê những trang viết của Vũ Bằng. Nhưng tôi cũng mê mẩn truyện "Tiếng gọi nơi hoang dã", hay truyện "Nanh trắng" của Jack London, đều về những con chó. Và tôi cũng đã khóc khi đọc đến đoạn bông tuyết trên cánh mũi của Bim không thể tan ra vì cơ thể nguội lạnh trong "Con Bim trắng tai đen". Trước đây, tôi vẫn ăn thịt chó, nhưng từ khi con Cát-tơ, người bạn thân thiết của gia đình tôi ốm và ra đi, chỉ cần ngửi mùi thịt chó, tôi lại nhớ nó, nên quyết định giã từ, cũng đã rất lâu rồi...

Tôi tin rằng, nếu chính quyền Hà Nội lấy ý kiến người dân, chắc hẳn sẽ nhiều người đồng tình không ăn thịt chó.

TUỆ MINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/dien-dan/item/37635402-nguoi-ha-noi-khong-an-thit-cho-va-chuyen-thu-thit-thu-cung.html