Thủ Thiêm: Liệu có thành câu chuyện nhiều tập?

Dẫu biết trước những sai phạm ở Thủ Thiêm là 'mười năm rõ mười', nhưng bản kết luận khi được công bố vẫn khiến dư luận bất ngờ và lo ngại về vấn đề xử lý trách nhiệm.

Dư luận đang kỳ vọng xử lý sai phạm ở Thủ Thiêm nghiêm minh, đúng người, đúng tội.

Dư luận đang kỳ vọng xử lý sai phạm ở Thủ Thiêm nghiêm minh, đúng người, đúng tội.

Mới đây, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã ban hành thông báo kết luận thanh tra về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai tại Khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm - TP Hồ Chí Minh, trong đó có việc không trình duyệt theo chỉ đạo của Thủ tướng, ưu ái cho doanh nghiệp, mất cân đối vốn..v..v.

Kết luận thanh tra vừa được công bố đã lộ diện những góc khuất của Dự án Khu đô thị Thủ Thiêm. Theo đó, một trong những sai phạm được chỉ ra đó là Thường trực Thành ủy, UBND TP phê duyệt chi phí đầu tư bình quân là 26 triệu đồng/m2 đất thương mại - dịch vụ - nhà ở, giảm khoảng 50% so với đơn giá đã được các sở, ngành đề xuất ban đầu. Phương án giá này, thậm chí còn không buồn tính lãi với số tiền tạm ứng từ ngân sách nhà nước (NSNN).

Toàn bộ quỹ đất 221,68 ha được tạo ra bằng nguồn vốn NSNN và được sử dụng chủ yếu để thanh toán đối ứng cho các dự án BT được chỉ định nhà đầu tư mà không qua đấu thầu. Trong 12.000 tỉ cho dự án 4 tuyến đường chính một số khoản phê duyệt không đúng quy định với tổng giá trị hơn 1.500 tỉ.

Tại dự án BT cầu Thủ Thiêm 2, TP cũng “trái lệnh” Thủ tướng khi tự ý thay đổi chỉ định nhà đầu tư, thay đổi quy mô đầu tư. Trong 4.000 tỉ tổng mức đầu tư, thanh tra phát hiện một số khoản chi phí không đúng quy định 250 tỉ.

Vì thế, người dân muốn hỏi: Vì sao “chi phí đầu tư bình quân đất thương mại - dịch vụ - nhà ở được phê duyệt với giá 26 triệu đồng/m2 trong khi đơn giá được đề xuất ban đầu gấp đôi con số đó? Tại sao những quy định thuộc về kiến thức kế toán tối thiểu “tính lãi suất”, hoặc các quy định tối thiểu về đấu thầu đều đã bị/được dễ dàng bỏ qua? Ai là người được lợi, chênh lệch địa tô lọt túi ai?

Sai phạm là sai phạm và khắc phục chỉ là một phần của việc xử lý. Huống chi còn chưa biết 26.300 tỉ mà “UBND TP Hồ Chí Minh phải thu hồi và hoàn trả ngay” hay 4.200 tỉ các khoản vay ngân hàng để đầu tư cho Thủ Thiêm – một mảnh đất màu mỡ khiến cho không ít cán bộ khó cưỡng lại trước những lời “mời gọi”. Và không chừng lại lấy từ NSNN mà chi trả cho những sai phạm đó!?

Thậm chí, nghiêm trọng hơn là đã có công văn hỏa tốc của Thủ tướng yêu cầu chính quyền thực hiện đúng với dự án đã phê duyệt từ ban đầu, nhưng có vẻ không tác động gì đến chính quyền sở tại, mọi việc vẫn được tiến hành như không có gì xảy ra. Kiểu như “trên bảo dưới không nghe” nên những sai phạm này cho thấy, chính quyền địa phương lúc đó đã bất chấp chỉ đạo của Thủ tướng và coi thường quyền lợi người dân

Thế nhưng, nhìn vào bản kết luận công khai, chưa có cá nhân hay cái tên cụ thể nào được đề cập, đây có thể là sự thận trọng. Có điều, dư luận vẫn muốn “mắt thấy tai nghe” cá nhân, tập thể nào phải chịu trách nhiệm. Nghĩa là, phải nêu rõ những quyết định nào có sai phạm và người ký quyết định ấy phải chịu trách nhiệm.

“Việc này phải giải quyết làm sao để vừa được lòng dân, vừa không làm mất uy tín của tổ chức Đảng và chính quyền nơi đó nên cần có bước đi vững chắc, thận trọng” - Ông Nguyễn Túc (Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa - Xã hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) nêu quan điểm.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã từng nói “Lò đã nóng thì củi tươi, củi khô cũng phải cháy”. Những chỉ đạo, hành động và quyết tâm của Đảng, Nhà nước thời gian qua đã thực sự tạo được khí thế, củng cố niềm tin của người dân về sự lãnh đạo của Đảng, về công cuộc đổi mới của đất nước.

Người đứng đầu Đảng, Nhà nước cũng chỉ đạo rõ ràng về việc với sai phạm phải nêu rõ ai sai, sai ở đâu, sai ở mức độ nào. Kết luận vấn đề sai phạm ở Thủ Thiêm cũng phải như vậy. Và người dân cũng rất mong chờ những sai phạm ở Thủ Thiêm sẽ được giải quyết thấu tình đạt lý. Bởi, chỉ cần tư tưởng “giơ cao đánh khẽ” hoặc ‘kỷ luật hết thì lấy đâu cán bộ để làm việc’ thì cái tên Thủ Thiêm vẫn là câu chuyện dài tập.

Sông Hàn

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/thu-thiem-lieu-co-thanh-cau-chuyen-nhieu-tap-153073.html