Thu thêm lợi nhuận từ Viettel và PVN: Ngân sách Nhà nước có thêm hàng chục nghìn tỉ đồng

Ủy ban Tài chính Ngân sách mới cho biết nhất trí với đề nghị của Chính phủ từ năm 2019 đưa 32% tiền lãi dầu khí của nước chủ nhà (trước đó đầu tư trở lại cho PVN) và 30% lợi nhuận sau thuế của Viettel vào ngân sách Trung ương. Như vậy, mỗi năm Ngân sách Nhà nước (NSNN) có thể thu về thêm hàng chục nghìn tỉ đồng.

Biểu đồ doanh thu và lợi nhuận trước thuế của PVN và Viettel năm 2017 (đơn vị: nghìn tỉ đồng). Biểu đồ: T.K.T.S

Tạo áp lực tăng thu vì huy động nguồn thu gặp khó

Hôm 23.10, báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện NSNN năm 2018, dự toán NSNN và phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 do ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (UBTCNS) của Quốc hội - trình bày, đã cho thấy chúng ta đang gặp nhiều khó khăn trong việc huy động nguồn thu và bảo đảm cân đối ngân sách.

Trong khi đó, năm 2019 là năm thứ 4 liên tiếp trong kế hoạch tài chính trung hạn 5 năm 2016 - 2020 dự kiến tỉ lệ huy động từ thuế, phí thấp hơn 21% GDP, khả năng hoàn thành mục tiêu theo Nghị quyết 25 là rất khó khăn. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, trong đó phải kể tới việc chúng ta thực hiện cắt giảm thuế quan theo cam kết, chưa điều chỉnh chính sách thuế gián thu để ổn định môi trường đầu tư…

UBTCNS cơ bản nhất trí với đề nghị của Chính phủ từ năm 2019 đưa 32% tiền lãi dầu khí của nước chủ nhà (từ năm 2018 trở về trước đầu tư trở lại cho PVN) và 30% lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Viettel vào NSNN.

PGS-TS Lưu Bích Hồ nhận định: “Về nguyên tắc lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp (DN) thì không được phép thu vào ngân sách bởi DN đã hoàn thành nghĩa vụ của mình với Nhà nước. Thông thường, phần lợi nhuận sau thuế được DN sử dụng trang trải cho các chi phí của DN, đầu tư mở rộng phát triển hoặc sử dụng vào các mục đích khác là quyền của DN.

Nhưng riêng trường hợp của Viettel và PVN có lẽ là những trường hợp đặc biệt, có thể phải xin ý kiến Quốc hội. Có thể thấy, hiện nay NSNN rất eo hẹp nên cần có nguồn thu, mà hai DN này vẫn là những DN đóng góp vào NSNN rất hiệu quả”.

Bị thu lại lợi nhuận, DN chắc chắn gặp khó

Trao đổi với PV Báo Lao Động, đại diện của Viettel cho biết vì Viettel là một DN quân đội nên tuyệt đối tuân thủ các quy định của pháp luật, Nhà nước và Quân đội. Nếu chính sách thu 30% lợi nhuận sau thuế của Viettel được áp dụng, tài chính của Viettel chắc chắn bị ảnh hưởng, có thể tác động mạnh tới chiến lược dài hạn và các dự án đã, đang và sẽ triển khai.

Tuy nhiên, vị đại diện này cũng cho biết, Viettel tuân thủ các quy định mới (nếu có) và sẽ khắc phục các khó khăn để đảm bảo thực hiện các mục tiêu chung của Nhà nước và Doanh nghiệp.

Căn cứ vào số liệu tài chính của Viettel năm 2017, có thể thấy lợi nhuận sau thuế của Viettel ở thời điểm đó là 35.077 tỉ đồng. Nếu chỉ tính 30% của con số này, Nhà nước có thể thu về hơn 10.523 tỉ đồng.

Viettel từng đặt ra mục tiêu doanh thu trong năm 2018 là 277.000 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế là 45.500 tỉ đồng (tăng hơn 1.200 tỉ đồng so với lợi nhuận 2017 là 44.282 tỉ đồng). Nếu Viettel đạt được thành tích này trong năm 2018, đồng nghĩa với việc NSNN có thể thu thêm từ Viettel gần 11.000 tỉ đồng sau khi DN đã đóng thuế doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Trong khi đó, đối với PVN, năm 2017 tổng doanh thu toàn Tập đoàn là 498.000 tỉ đồng, nộp NSNN 97.500 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 31.900 tỉ đồng. Tuy nhiên, năm 2018 sẽ đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của PVN khi công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí phát hiện dầu khí mới tại giếng Mèo Trắng Đông-1X (lô 09-1, VSP). Điều này có thể sẽ là động lực để tăng doanh thu cho PVN. Số liệu thống kê từ PVN cho biết, tính đến tháng 6.2018, tổng sản lượng khai thác quy dầu của PVN đạt 12,44 triệu tấn.

Cùng với sự biến động tăng của giá dầu thô đã giúp PVN đạt được lợi nhuận cao, trong 6 tháng đầu năm 2018, giá dầu thô trung bình đạt 73USD/thùng, vượt 18,6USD/thùng so với giá dầu trung bình 6 tháng đầu năm 2017 (54,4USD/thùng).

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng doanh thu chưa hợp nhất của PVN đạt 284.500 tỉ đồng, cao hơn 37.400 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2017.

Năm ngoái PVN đã vượt Viettel về tổng lợi nhuận (48.220 tỉ đồng/44.282 tỉ đồng) để “lên ngôi số 1” trong top 10 DN có lợi nhuận cao nhất năm 2017.

Năm nay, PVN với nhiều nỗ lực cải thiện, cùng các chỉ số tích cực sau trong nửa đầu năm 2018 đã đạt 87% kế hoạch năm.

ĐỨC THÀNH

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/thoi-su/thu-them-loi-nhuan-tu-viettel-va-pvn-ngan-sach-nha-nuoc-co-them-hang-chuc-nghin-ti-dong-637930.ldo