Thư thái Tam Giang Tây

Chúng tôi tới xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau trong sự thư thái, hứng khởi. Cả một vùng sông nước, kênh rạch chằng chịt yên ả, thanh bình trong ánh nắng vàng rực của phương Nam. Cái cảm giác thảnh thơi, yên tâm theo chúng tôi trong mỗi bước chân, khi đi qua các cây cầu cao vồng bắc qua các con kênh, men theo các con lộ trên khắp các ấp xóm của Tam Giang Tây.

Cán bộ Đồn Biên phòng Tam Giang Tây xuống địa bàn, bám dân, nắm bắt tình hình an ninh trật tự. Ảnh: Bích Nguyên

Cán bộ Đồn Biên phòng Tam Giang Tây xuống địa bàn, bám dân, nắm bắt tình hình an ninh trật tự. Ảnh: Bích Nguyên

Không mấy khi có khách từ Hà Nội vào, Thiếu tá Nguyễn Đình Thắng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tam Giang Tây và Trung tá Chung Văn Đèo, cán bộ của đơn vị tăng cường xã Tam Giang Tây dành nguyên một ngày đưa chúng tôi đi thăm thú làng quê dọc sông Tam Giang. Trước tiên, cần phải nói thêm rằng địa bàn quản lý của Đồn Biên phòng Tam Giang Tây khá đặc biệt, bao gồm 2 xã thuộc hai huyện khác nhau: xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn và Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển, nằm hai bên dòng sông Tam Giang.

Chúng tôi ghé vào ngôi nhà rực rỡ sắc hoa trong sân vườn. Gia chủ là ông Huỳnh Văn Ghép và những người dân trong ấp Bảo Vĩ đang chuyện trò rôm rả về việc nuôi tôm. Người dân ở Bảo Vĩ đa phần làm nghề nuôi trồng thủy sản, vì thế, không có gì ngạc nhiên khi con tôm, con cua, rừng ngập mặn, nghề sông nước luôn chiếm thời lượng nhiều nhất trong câu chuyện của họ. Người dân Bảo Vĩ nuôi tôm theo hình thức quảng canh trong rừng ngập mặn. Họ thả con giống vào từng vuông rồi để chúng phát triển tự nhiên. Khi đủ ngày, đủ tháng họ mới quay lại thu hoạch.

Tôi tham gia vào câu chuyện của họ với câu hỏi: “Không có người trông nom mà các bác không sợ mất hả? “Lo chi. Của ai người đó thu, không ai lấy của nhau. Ở đây, xe máy để đâu cũng được, ngủ cũng không phải đóng cửa” - Ông Ghép cười sảng khoái, nói.

Mọi hồ nghi của tôi tan biến khi biết rằng, Bảo Vĩ là một trong những điểm sáng về an ninh, trật tự của xã Tam Giang Tây. Nói về cội nguồn của thành công ngày hôm nay, anh Đặng Khánh Lâm, Bí thư chi bộ ấp Bảo Vĩ bảo rằng, trong đó có công sức của những cán bộ Đồn Biên phòng Tam Giang Tây. Chính những người lính Biên phòng nơi đây đã phối hợp với chính quyền xã khảo sát, xây dựng mô hình ấp điểm không có tội phạm và tệ nạn xã hội ở ấp Bảo Vĩ để làm mô hình điểm tập trung chỉ đạo thực hiện và nhân rộng.

Toàn ấp Bảo Vĩ có 137 hộ với 556 nhân khẩu. Trước năm 2017, trong ấp thường xảy ra tình trạng trộm cắp, đá gà, đánh bài ăn tiền, đua xe, cãi lộn... Anh Lâm kể: “Khi BĐBP gợi ý triển khai mô hình “ấp không có tội phạm và tệ nạn xã hội”, bà con đồng tình rất cao bởi ai cũng có nhu cầu được sống trong bầu không khí yên bình, an tâm làm ăn, xây dựng cuộc sống vui tươi, hạnh phúc. Vì thế, mọi người đều tự nguyên ký và thực hiện quy ước tự quản của ấp. Bên cạnh đó, ấp cũng thành lập một tổ tuần tra đêm với sự tham gia của các thành viên chủ chốt và người dân. Người dân tự nguyện lắp đặt các bóng đèn dùng năng lượng mặt trời trước cửa nhà, dọc các tuyến đường trong ấp... Qua tuyên truyền, vận động, người dân đã nâng cao ý thức giữ gìn an ninh trật tự” - Anh Lâm nói.

Tiếp lời anh Lâm, Thiếu tá Nguyễn Đình Thắng chia sẻ: “Đến nay, ấp Bảo Vĩ không còn xảy ra hoạt động của tội phạm, tệ nạn xã hội giảm rõ rệt so với thời gian trước đó. Tinh thần trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân trong tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới biển được nâng lên. Cấp ủy, chính quyền, nhân dân tin tưởng hơn và đồng tình ủng hộ hoạt động của mô hình “ấp không có tội phạm và tệ nạn xã hội” nói riêng và công tác bảo vệ an ninh, trật tự và các hoạt động của BĐBP”.

Chúng tôi rời ấp Bảo Vĩ trong tiếng cười hạnh phúc của ông Ghép và những người dân chân chất vùng sông nước, tiếp tục đi trên những con lộ sạch sẽ, rợp bóng cây. Ngang qua ấp Chợ Thủ B, chúng tôi dừng chân trước ngôi nhà nhỏ sát mé kênh. Khung cảnh rất đỗi yên bình. Anh Lê Minh Hoàng và vợ đang ngồi vá lưới chuẩn bị cho chuyến ra khơi sắp tới. Anh Hoàng làm nghề lưới cá khoai. “Thường thường, chúng tôi đi làm 3 ngày, thu được khoảng 20 triệu đồng, sau khi chia cho bạn thuyền, trừ phí tổn, còn lại vài triệu. Nếu cứ trúng đều, cuộc sống cũng ổn” - Anh Hoàng cho hay.

Hết chuyện nghề tới chuyện làng xóm, anh Hoàng kể: “Trước đây, mỗi lần người dân đi biển về thường tụ họp ăn nhậu tới 1-2 giờ sáng, nói cười ầm ĩ, hát karaoke ông ổng. Có người say xỉn còn gây lộn, đánh nhau. Lực lượng Công an, Biên phòng tuyên truyền, giải thích nhiều nên bà con có ý thức hơn nhiều. Bây giờ, trong ấp không còn mất trật tự như thế nữa. 10 giờ tối, cả ấp lặng thinh, không còn ai hát hò ầm ĩ như trước”.

Khung cảnh yên bình ở ấp Chợ Thủ B. Ảnh: Bích Nguyên

Trò chuyện với chúng tôi trong ngôi nhà rợp bóng cây, anh Lê Chí Giao, Tổ trưởng Tổ an ninh nhân dân tự quản ấp Chợ Thủ B cho biết, hiện ấp có 48 hộ dân. Trước đây, tình hình an ninh, trật tự phức tạp, nhất là mỗi đợt tàu thuyền đi đánh bắt hải sản trở về. Lao động làm thuê trên các tàu thuyền đổ về tổ chức ăn nhậu, đá gà... phát sinh mâu thuẫn dẫn tới đánh nhau, rồi cả trộm cắp.

Năm 2017, với sự tham mưu của Đồn Biên phòng Tam Giang Tây, ấp Chợ Thủ B đã thành lập Tổ an ninh nhân dân tự quản. Với sự đồng hành của những người lính Biên phòng, tình hình an ninh, trật tự ở đây dần ổn định, bà con đồng lòng xây dựng nếp sống văn minh, bài trừ tội phạm và các tệ nạn xã hội.

Chúng tôi tiếp tục hành trình của mình. Nắng đang trải vàng trên đất Tam Giang Tây. Nhịp sống thư thái, bình yên ở vùng đất này như muốn níu chân khách phương xa. Tạm biệt Tam Giang Tây, mỗi người trong chúng tôi mang theo cảm giác an tâm và niềm tin tưởng về một vùng quê sẽ giữ vững thành quả của các ấp không có tội phạm và tệ nạn xã hội, gặt hái nhiều thành công hơn nữa trong xây dựng đời sống văn hóa mới.

Nguyễn Bích

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/thu-thai-tam-giang-tay-post437838.html