Thử thách sức lực, tinh thần của binh sĩ trong môi trường băng tuyết

Tác chiến trong môi trường băng giá, tuyết phủ đòi hỏi binh sĩ phải trải qua quá trình tập luyện đặc biệt và liên tục.

Môi trường khắc nghiệt

Thực tế, việc tham chiến ở nhiều mặt trận, tác chiến trên nhiều địa hình đặt ra yêu cầu binh sĩ cần phải được rèn giũa trong mọi địa hình thời tiết, trong mọi điều kiện địa hình để phù hợp với mọi nhiệm vụ.

 Môi trường băng tuyết có điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Ảnh: Defence Blog.

Môi trường băng tuyết có điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Ảnh: Defence Blog.

Những nơi có khí hậu với nền nhiệt âm hàng chục độ C được coi là môi trường tác chiến “cũ mà mới”. Cũ là bởi nó không còn xa lạ trong lịch sử chiến tranh nhân loại, còn mới là bởi nhiều thập kỷ gần đây không xuất hiện những cuộc xung đột hay trận đánh lớn nào tại các khu vực như vậy.

Mặc dù con người cũng có cơ chế đề kháng khá mạnh mẽ trong thời tiết giá lạnh nhưng cũng chỉ đến một mức độ nhất định. Các nhà khoa học cho biết, thời tiết lạnh giá khiến cơ thể đối mặt với nguy cơ mất nước, hạ thân nhiệt, bỏng lạnh… rất nhanh chóng.

Theo Cơ quan Quốc phòng châu Âu (EDA), trong các đợt luyện tập ở thời tiết giá lạnh trước đây, một số lượng đáng kể binh sĩ bị chấn thương hay bị ốm (viêm phổi, viêm họng, cảm lạnh…), từ đó trực tiếp làm ảnh hưởng đến khả năng chiến đấu của binh sĩ cũng như cả tập thể.

Hành quân trong điều kiện tuyết dày là vô cùng khó khăn. Ảnh: AP.

Lịch sử đã chứng minh, nhiều đạo quân hùng mạnh bị khuất phục bởi cái lạnh và phải chịu thất bại thảm hại, ví dụ như cuộc chiến Mùa đông năm 1812 khi Napoleon đưa quân đến Nga hay sau này là phát xít Đức cũng tấn công Nga năm 1941. Vậy nên, quân đội nhiều nước đã và đang quan tâm huấn luyện cho binh sĩ trong điều kiện thời tiết băng giá.

Nâng cao khả năng thích nghi

EDA vừa khởi động một dự án nghiên cứu kéo dài 3-4 năm nhằm tăng cường khả năng tác chiến của binh sĩ trong các điều kiện băng giá và nhiệt độ cực lạnh. Trước mắt, họ tập trung nghiên cứu các công cụ hỗ trợ để giảm nguy cơ bị chấn thương trong thời tiết khắc nghiệt.

Các khóa huấn luyện sẽ giúp binh sĩ quen với cái lạnh. Thời gian đầu, khi mới tiếp xúc với khí hậu khắc nhiệt, họ có thể mắc các bệnh như viêm phổi, viêm họng, cảm lạnh... Tuy nhiên, nếu tiếp tục rèn luyện, cơ thể sẽ quen dần và sức chịu đựng sẽ tăng lên.

Binh sĩ Hàn Quốc chạy bộ trên tuyết. Ảnh: AP.

Bên cạnh đó, kỹ năng sinh tồn cũng ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần và thể trạng của binh sĩ. Trong tình huống tác chiến, nếu không may bị lạc và chưa thể liên lạc với đồng đội thì kỹ năng sinh tồn sẽ giúp binh sĩ kéo dài thời gian chờ cứu viện.

Đại úy Logan Hawke, chuyên gia của chương trình đào tạo kỹ năng sinh tồn SERE thuộc Không quân Mỹ cho hay, bất cứ ai đang đối mặt sự sống còn, có ba tuyến phòng thủ trước cái lạnh, lần lượt là quần áo, nơi trú ẩn và lửa. Nắm vững những nguyên tắc này cộng với việc dùng tín hiệu kêu cứu sẽ quyết định đến cơ hội sống sót.

Trong khi đó, Trung tâm huấn luyện Chiến tranh Vùng núi (MWTC) của Thủy quân lục chiến Mỹ lựa chọn thao trường ở dãy núi Sierra Nevada ở bang California để mô phỏng môi trường tác chiến băng giá tại các điểm nóng xung đột trong tương lai.

Một binh sĩ Thủy quân lục chiến Mỹ trong công sự cá nhân tại thao trường của Trung tâm MWTC. Ảnh: LA Times.

Ở độ cao hơn 2.440m so với mực nước biển, binh sĩ Mỹ sẽ đương đầu với những điều kiện khắc nghiệt như không khí loãng, tuyết cao đến ngực, cái lạnh cắt da thịt trong khi vẫn phải thực hiện các nội dung bài tập. Trong đó, việc phải liên tục đào công sự hoặc di chuyển lên vị trí cao trên dãy núi thật sự là một thách thức về thể lực lẫn tinh thần.

Rèn luyện kỹ năng tác chiến

Vì môi trường băng tuyết khác với điều kiện thường nên kỹ năng tác chiến trong môi trường này cũng đặt ra những yêu cầu khác biệt, đặc trưng đòi hỏi binh sĩ phải nắm vững lý thuyết và thực hành thuần thục.

Kỹ năng ngụy trang là vô cùng quan trọng trong môi trường băng tuyết. Ảnh: Discover Military.

Ngoài quân phục và quần áo ấm, binh sĩ tác chiến trong tuyết được trang bị một lớp quần áo mỏng màu trắng bên ngoài có tác dụng ngụy trang. Súng, balo và trang thiết bị khác cũng được phủ một lớp sơn trắng để giảm thiểu tối đa việc bị phát hiện. Môi trường này cũng buộc họ phải sử dụng giày tuyết và ván trượt để di chuyển, mặt nạ và kính.

Bên cạnh đó, trong trường hợp tuyết quá dày, có thể từ đầu gối hoặc cao hơn, thì việc di chuyển sẽ rất khó khăn. Trong khi đó, mặt nạ và kính cũng làm hạn chế tầm nhìn và khả năng ngắm bắn. Vì vậy, binh sĩ cần phải có chiến thuật tác chiến hoàn toàn khác chứ không thể sử dụng các chiến thuật như chế áp, đánh tạt cánh... như thông thường.

Binh sĩ vẫn đều phải mang đầy đủ trang thiết bị trên người dù tác chiến trong môi trường băng tuyết. Ảnh: Pinterest.

Dù di chuyển rất vất vả nhưng binh sĩ vẫn đều phải mang đầy đủ trang thiết bị trên người, có khi trọng lượng lên tới vài chục cân. Không những vậy, binh sĩ còn phải biết ngụy trang vũ khí, giữ khô đạn dược, chọn vị trí đặt súng máy để không bị lớp tuyết xốp “nuốt chửng”.

Mỗi quân đội lại có một số yêu cầu binh sĩ phải luyện tập thêm các kỹ năng khác như leo núi với vách băng dựng đứng, ứng phó trong trường hợp bị sụt xuống hố băng… mà vẫn đảm bảo khả năng tác chiến.

PHẠM HUY (tổng hợp)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/nghe-thuat-quan-su-the-gioi/thu-thach-suc-luc-tinh-than-cua-binh-si-trong-moi-truong-bang-tuyet-617154